Ảnh hưởng nặng nề...
Ngày thứ 9 toàn tỉnh Hải Dương cách ly toàn xã hội, gần một tháng dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại địa phương này, những ảnh hưởng của dịch bệnh về đời sống, những thiệt hại nặng về kinh tế xã hội, không chỉ các cấp chính quyền mà người dân cảm nhận rất rõ.
Một tháng qua, cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân Hải Dương tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn đại dịch. Mức kinh phí dự kiến phục vụ phòng, chống dịch lên đến gần 800 tỷ đồng. Số tiền này để chi mua vật tư y tế, phụ cấp cho lực lượng chống dịch, hỗ trợ tiền ăn hơn 14.000 người cách ly tập trung…
Nông sản khó tiêu thụ, người nông dân bị ảnh hưởng nặng nề. |
Cùng với đó việc áp dụng các biện pháp cách ly xã hội toàn tỉnh dù cố gắng thực hiện “mục tiêu kép” cũng không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng đến kinh tế xã hội khi các cơ sở kinh doanh phải dừng hoạt động, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm dừng hoạt động, những khó khăn trong lưu thông hàng hóa, nông sản dẫn đến ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và sản xuất tiêu thụ nông sản của người dân.
Đến thời điểm này, chưa có con số thống kê cụ thể về thiệt hại của các doanh nghiệp nhưng con số này sẽ không nhỏ. Trong khi đó những thiệt hại về nông nghiệp đã thấy rõ.
Báo cáo cho thấy, tổng sản lượng nông sản của Hải Dương là 90.760 tấn chưa tiêu thụ được trong đó 80% số nông sản trên để phục vụ xuất khẩu. Giá trị ước tính khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Nếu việc lưu thông hàng hóa không sớm gỡ bỏ được những rào cản, Hải Dương có thể thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng đối với cây vụ đông.
Một thực tế đã thấy rõ, nhiều diện tích hoa màu với không ít sản lượng nông sản đã phải chặt bỏ vứt trắng cánh đồng do quá thời hạn thu hoạch. Người nông dân quanh năm lam lũ tưởng được mùa bội thu nhưng phải khóc ròng do được mùa mà không thể tiêu thụ và những người yếu thế này trở lên khốn khó và là nạn nhân bị ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19.
Hàng nghìn công nhân lâm cảnh khó khăn. |
Bên cạnh đó, do thực hiện việc phong tỏa, hàng chục nghìn công nhân không thể đến công ty sản xuất. Chỉ tính riêng huyện Cẩm Giàng với 60.000 công nhân làm việc tại 5 khu công nghiệp, 2 cụm công nghiệp, không ít trong số đó bị ảnh hưởng trực tiếp khi trong cảnh tạm thời ngưng việc, đối mặt với nhiều khó khăn, chật vật lo từng bữa ăn. Có thời điểm không ít tiếng kêu cứu vọng lên từ các căn phòng trọ lên mạng xã hội cho thấy những người yếu thế này lâm cảnh kiệt quệ.
Cùng với nông dân, công nhân, nhiều tầng lớp khác cũng đang lâm cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh COVID-19. Với người dân, tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến cuộc sống nhưng với những người yếu thế trong xã hội thì sự tác động ấy khiến họ lâm cảnh cùng quẫn.
Người nghèo khó bị ảnh hưởng. |
Kịch bản nào cho chính sách an sinh xã hội?
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng mới đây khi trả lời báo chí cho biết, tỉnh sẽ lo đủ lương thực, thực phẩm đủ đáp ứng như cầu người dân trong các khu cách ly. Hải Dương đã chú ý đến vấn đề an ninh lương thực, hỗ trợ người dân trong các khu vực bị phong tỏa.
Thực tế, với phương châm chống dịch quyết liệt, nhưng không để nhân dân trong vùng dịch bị thiếu, đói, lãnh đạo tỉnh Hải Dương giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối tiếp nhận, thu mua nông sản, lương thực thiết yếu để đưa đến từng nhà trong khu cách ly, phong toả.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan đơn vị, nhiều nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân đã tích cực vào cuộc hỗ trợ những người yếu thế. Chúng ta cảm động khi ngày ngày có hàng chục đoàn của cơ quan chức năng, đoàn của các tổ chức xã hội đến trao tặng lương thực, thực phẩm cho các công nhân tại các khu trọ bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Càng cảm động hơn nữa khi một cuộc giải cứu nông sản Hải Dương được triển khai và thành một phong trào mạnh mẽ. Hàng trăm đơn vị, tổ chức tại nhiều địa phương đã kết nối với các cơ quan chức năng giúp thu mua nông sản của người dân.
Hình ảnh người dân ở các điểm "giải cứu nông sản Hải Dương" tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khiến chúng ta xúc động khi một lượng lớn nông sản đã được tiêu thụ nhờ tình tương thân, tương ái và nghĩa đồng bào.
Giải cứu nông sản không phải là giải pháp lâu dài. |
Tinh thần người Việt "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều" được phát huy trong khó khăn, giúp người dân thêm niềm tin và sức mạnh để chống chọi trước đại dịch.
Nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Bởi lượng nông sản giải cứu dù nhiều cũng không thể giải quyết toàn bộ từ kênh này. Việc các đơn vị, tổ chức hỗ trợ hàng chục nghìn công nhân, người dân yếu thế cũng chỉ là biện pháp trước mắt, giúp họ vượt qua khó khăn trong thời gian ngắn.
Để cuộc sống người dân không bị ảnh hưởng lớn từ những tác động khủng khiếp của đại dịch COVID-19, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cũng đòi hỏi Hải Dương phải có kịch bản cho chính sách an sinh xã hội.
Trong đó chú trọng đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân, công nhân và người lao động các đối tượng xã hội bị ảnh hưởng để đề xuất các giải pháp, bổ sung những cơ chế hỗ trợ người lao động phù hợp với tình hình mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Việc xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là hoàn toàn cần thiết, tránh tình trạng “đứt gãy” của nền kinh tế, đồng thời ổn định đời sống an sinh, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đồng thời, không bỏ ai ở lại phía sau.
>>> Mời độc giả xem thêm video Những việc cần làm ngay để phòng, chống Covid-19