Như vậy, sau Hưng Yên và Thái Bình, Hải Phòng đã bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, báo Lao động đưa tin. Tuy nhiên, thịt lợn lưu thông trên thị trường vẫn an toàn, đó là khẳng định của ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khi trao đổi với báo chí tại TP.HCM, chiều 21/2.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu bệnh phẩm huyết thanh, phủ tạng của lợn ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. |
Theo ông Tiến, vì sau khi Bộ NN&PTNT công bố phát hiện một số ổ dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại một số tỉnh phía Bắc có thể ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi và đặc biệt là người tiêu dùng.
Theo khuyến cáo của Cục Thú y, người dân cần nắm rõ một số triệu chứng và bệnh tích của bệnh để có phương án xử lý nhanh, kịp thời, không để lây lan. Tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh, có thể đánh giá ở các mức độ sau:
Thể quá cấp tính là do virus có độc lực cao, lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.
Thể cấp tính là do virus có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5-42 độ C). Trong 2-3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm ở chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể xuất hiện màu sẫm xanh tím.
Trong 1-2 ngày trước khi chết, lợn có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 ngày hoặc 20 ngày. Lợn nái đang mang thai có thể sảy ở mọi giai đoạn. Tỉ lệ chết cao lên tới 100%.
Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm virus thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang virus dịch tả lợn suốt đời.
Thể á cấp tính gây ra bởi virus có độc tính trung bình, lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bị bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn. Bệnh kéo dài từ 5 đến 30 ngày, lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỉ lệ chết khoảng 30-70%. Lợn có thể khỏi hoặc bị nhiễm bệnh mãn tính.
Thể mãn tính gây ra bởi virus có độc tính trung bình hoặc thấp. Lợn có triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỉ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm virus gây nên bệnh sẽ trở thành mãn tính.
Theo ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y - Bộ NN&PTNT), đây là loại bệnh không có khái niệm chữa trị, nên khi mắc bệnh, biện pháp duy nhất là tiêu hủy lợn.
Theo Cục Thú y, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, Cục Thú y đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện “5 KHÔNG” theo đúng quy định của Luật thú y: 1/ Không giấu dịch; 2/ Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; 3/ Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; 4/ Không vứt lợn chết ra môi trường; 5/ Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.