Tất cả các giao dịch giữa khách hàng với người cung cấp dịch vụ đều được thực hiện qua Internet.
Cúng giỗ bằng… click chuột
Dịch vụ cúng giỗ online xuất hiện chủ yếu tại những “siêu” nghĩa trang, công viên nghĩa trang dành cho giới “nhà giàu”. Để sử dụng dịch vụ, khách hàng chỉ cần thực hiện các thao tác click bằng việc ghi rõ thông tin, địa chỉ mộ phần, nghi thức cúng giỗ gia đình mong muốn, chọn gói dịch vụ, rồi chuyển tiền là xong.
Tìm từ khoá “Dịch vụ cúng giỗ online” trên internet, đã cho rất nhiều trang web của các công ty “siêu” nghĩa trang, công viên nghĩa trang có các danh mục cúng giỗ online cho khách hàng lựa chọn. Chỉ cần click chuột vào danh mục “cúng giỗ online”, khách hàng sẽ được lựa chọn rất nhiều gói dịch vụ, sản phẩm phù hợp với yêu cầu của từng mâm lễ, từng dịp lễ, tết. Thậm chí, thông qua cú click này, khách hàng còn được đáp ứng cả ngày, giờ tiến hành làm lễ theo yêu cầu. Theo đó, giá cả các sản phẩm và các gói dịch vụ cũng tuỳ thuộc vào yêu cầu của khách hàng. Chẳng hạn, trên trang web của công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (tại Hoà Bình), có gần 40 danh mục các sản phẩm đầy đủ cho một buổi cúng, từ hoa cúc, hoa sen, xôi chè, giò, trứng… đến bộ quần áo thần linh, vàng mã. Giá cả các sản phẩm này dao động từ 60.000 đồng đến gần 1 triệu đồng. Với các mâm cỗ mặn, chay có giá từ 600.000 - 900.000 đồng/mâm.
Thậm chí đơn vị cung cấp loại dịch vụ này nghĩ ra những cái tên khá mỹ miều cho từng gói dịch vụ như: Gói Bình an (thắp hương), gói Như ý (dịch vụ đến 49 ngày), gói Phú quý (dịch vụ đến 100 ngày), gói Động thổ, gói Giỗ đầu, thanh minh, Vu lan… chi phí các gói dịch vụ này đã bao gồm đầy đủ các thành phần sản phẩm đồ cúng, thời gian cúng giỗ…
Công nhân nghĩa trang trực tiếp thực hiện nghi lễ cúng giỗ thay thân nhân những người đã khuất. |
Thường xuyên phải “cúng online” cho mộ phần người vợ quá cố tại một công viên nghĩa trang, ông Trần Đức Minh (ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Mặc dù không phù hợp với đời sống tâm linh người Việt Nam truyền thống, nhưng vào những dịp công tác xa nhà hay bận bịu, thì cúng giỗ online là cách tối ưu mà tôi phải lựa chọn”. Dù sử dụng dịch vụ này nhưng ông Minh cũng thừa nhận, việc lựa chọn đồ cúng trực tuyến “không được phải đạo cho lắm”. Nhưng sau khi thực hiện xong, bộ phận dịch vụ nghĩa trang thông báo kết quả mà họ đã làm qua Email thì ông thấy phần nào cũng an tâm.
Với bà Nguyễn Thanh Vân (54 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội), cúng giỗ online cũng là lựa chọn trong dịp Tết Nguyên đán cho mộ phần cha mẹ của bà. Tuy nhiên, bà Vân vẫn rất đau đáu khi sử dụng dịch vụ: “Tôi già cả rồi, dịch vụ cúng giỗ online này là sự tiện lợi với gia đình tôi nhưng riêng cá nhân tôi vẫn hy vọng, con cái mình sau này có thể tới viếng thăm tận mộ. Nhưng nếu công việc, cuộc sống của các con quá bận rộn, tôi đành chấp nhận kiểu cúng này, có còn hơn không mà”, bà Vân chia sẻ.
Có nên sử dụng dịch vụ cúng giỗ online!?
Người Việt coi trọng việc cúng giỗ cũng như tục thờ cúng tổ tiên, bởi đây là một nghi lễ vô cùng quan trọng để thể hiện lòng thành kính với vong linh gia tiên, người đã khuất. Việc cúng giỗ cũng không phụ thuộc vào mâm lễ lớn hay nhỏ, đôi khi chỉ là chén nước trắng, nải chuối xanh, nén hương cũng giữ được đạo hiếu. Nhưng xét ở góc độ khác, dịch vụ cúng giỗ oninelại giúp cho những người bận rộn, mộ phần ở xa hoặc gia đình sinh sống tại nước ngoài thấy yên lòng hơn.
Chia sẻ với PV, thầy Thích Trí Thịnh – Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hoà Bình, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng (Hoà Bình) cho biết: “Dịch vụ cúng giỗ online là thay thân nhân chăm sóc, thực hiện trách nhiệm, bổn phận với những người đã khuất. Các nghi thức, nghi lễ được quan tâm và thực hiện một cách gần gũi nhất, trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, cá nhân tôi không khuyến khích các gia đình sử dụng dịch vụ này nhiều, trừ trường hợp bất khả kháng”.
Bởi theo thầy Thịnh: “Trong trường hợp bắt buộc phải mang tâm mình gửi gắm qua dịch vụ này, thì hãy một lòng hướng về tổ tiên bằng tất cả sự chân thành. Dịch vụ này là giải pháp thiết thực cho những thân nhân không có điều kiện trực tiếp chăm sóc, nhưng cũng đừng vì dịch vụ này mà cứ thế “ngồi nhà” thực hiện việc đạo hiếu”.
Ông Trần Quang Thủy - Phó Trưởng ban dự án nghĩa trang Lạc Hồng Viên, một trong những đơn vị hoạt động dịch vụ cúng giỗ online, cho biết: “Do các gia đình không có điều kiện thăm viếng nên số lượng khách hàng đăng ký các gói dịch vụ chăm sóc mộ phần có chiều hướng gia tăng trong các dịp lễ, Tết. Đặc biệt là dịp cuối năm, Tết Nguyên đán. Về quan niệm truyền thống thì việc làm này là không phải đạo vì không ai để người lạ chăm sóc chân linh thay gia đình. Nhưng thực tại của xã hội là có rất nhiều gia đình không có điều kiện để trở về trực tiếp chăm sóc mộ phần, dịch vụ ra đời giúp cho những gia đình có người thân đặt tại nghĩa trang thực sự yên tâm”.
Cũng theo ông Thủy: “Bản thân tôi là lãnh đạo công ty liên quan đến dịch vụ nghĩa trang nhưng tôi không khuyến khích khách hàng của mình lựa chọn tối đa dịch vụ này. Bởi tâm lý chung của người Việt Nam là được trực tiếp chăm sóc khuôn viên phần mộ gia đình sẽ trọn vẹn chữ tâm, chữ hiếu. Còn các dịch vụ online, ta nên coi là giải pháp tạm thời trong hoàn cảnh bắt buộc nào đó”.