Dịch vụ đẻ thuê, mang thai hộ nở rộ ở Lào trong bối cảnh các nước láng giềng Đông Nam Á giàu có hơn bắt đầu đồng loạt cấm thủ tục gây tranh cãi này từ năm 2015.
Các phòng khám, bệnh viện sản tư nhân với những cái tên mỹ miều như "Phép Màu", "Hoàn Hảo" đang mọc lên như nấm sau mưa tại nhiều con đường lớn hoặc cao tốc ở thủ đô Viêng Chăn của Lào, gần biên giới Thái Lan.
"Lào có sự quản lý tốt nhất. Mang thai hộ hoặc hiến trứng không phải là việc làm bất hợp pháp", phòng khám sản khoa "Hoàn Hảo" quảng cáo trên WeChat, mạng xã hội lớn của Trung Quốc để thu hút các khách hàng tiềm năng từ cường quốc số 1 châu Á này. Bắc Kinh đã cấm mang thai hộ, đẻ thuê kể từ năm 2001.
Nhiều nhóm nhân quyền nói rằng, Lào - một trong những nước nghèo nhất châu Á - đang là một mắt xích quan trọng của các đường dây tội phạm xuyên quốc quốc gia, đồng thời là một trung tâm trung chuyển hàng lầu, từ gỗ, ma túy đến động vật hoang dã và giờ đây là tinh dịch.
Thù lao mang thai hộ, đẻ thuê là khoản thu nhập lớn đối với phụ nữ nghèo ở Lào. |
Hồi tháng 4 mới đây, cảnh sát Thái Lan đã bắt được một người đàn ông buôn lậu 6 lọ tinh dịch đàn ông vào Lào để dùng cho một phòng khám sản.
Theo đó, Lào đang trở thành điểm đến quốc tế cho các cặp đôi hiếm muộn, vô sinh trên khắp thế giới, các quan chức của 2 nhóm tư vấn mang thai hộ tiết lộ với Reuters dù chưa có thống kê chính thức về số lượng các phòng khám, bệnh viện sản tư nhân đã mọc lên gần đây.
"Nhiều người hiếm muộn đổ xô đến Lào", ông Sam Everingham, giám đốc toàn cầu của tổ chức phi lợi nhuận Các gia đình nhờ mang thai hộ ở Úc cho biết, các buổi hội thảo và tư vấn của họ thu hút khoảng 600 cặp vợ chồng người Úc tham dự trong 4 năm qua.
Tuy nhiên, cũng có 1 nguy cơ là Lào sắp tới sẽ cấm mang thai hộ, đẻ thuê thương mại khiến một tổ chức khác tên là Sensible Surrogacy ở Nevada, Mỹ phải khuyến cáo các khách hàng tránh Lào và các nước Đông Nam Á.
Văn phòng thủ tướng Lào chưa bình luận về vụ việc theo đề nghị của hãng tin Reuters. Việc đẻ thuê và mang thai hộ bị cấm ở Thái Lan, nơi từng được mệnh danh là "thiên đường đẻ mướn" ở châu Á năm 2015 sau một loạt bê bối lớn. Campuchia cung cấm dịch vụ này năm ngoái.
Tuy nhiên, do chi phí rẻ, nên dịch vụ đẻ thuê, mang thai hộ vẫn diễn ra chui ở châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Đây là địa điểm lý tưởng chỉ sau Ukraine và Kenya.
Một cặp vợ chồng Úc thường phải trả khoảng 56.000 USD cho một đứa trẻ được mang thai hộ, đẻ thuê tại Lào - ít hơn nhiều so với ở Mỹ dù giá cao hơn ở Ukraine một chút.
Những người phụ nữ mang thai hộ ở Lào chỉ nhận được một khoản nhỏ trong số tiền trên nhưng đây cũng là khoảng thu nhập kếch xù đối với họ.
Một cô gái 28 tuổi ở Lào chia sẻ với Reuters rằng, cô nhận được 8.000 USD tiền công để mang thai hộ và số tiền này gấp 72 lần lương tối thiểu hàng tháng tại Lào.
Cô nhận tiền mặt tại Bangkok, Thái Lan trong 3 tháng cuối thai kỳ, cô gái Lào chia sẻ.