Xem toàn bộ ảnh
Loại trực thăng phổ biến nhất được Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam chính là những chiếc Bell UH-1 Iroquois. Trong thời gian từ năm 1956 cho tới 1973 phía Mỹ đã sản xuất được tổng cộng gần 10.000 chiếc UH-1 các loại trong đó có tới hơn 7000 chiếc được đưa tới Việt Nam. Nguồn ảnh: Army. |
Đây chính là chiếc trực thăng đóng vai trò quan trọng nhất đối với Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến phi nghĩa này. Với khả năng đa dụng của mình, các loại UH-1 có thể thực hiện nhiệm vụ chở quân, chở hàng, hỗ trợ hỏa lực và... di tản. Nguồn ảnh: Soft. |
Bắt đầu được sản xuất hàng loạt từ năm 1967, Bell AH-1 Cobra được coi là chiếc trực thăng chiến đấu thành công nhất mọi thời đại của Không quân Mỹ. Trong chiến tranh Việt Nam, những chiếc trực thăng AH-1 Cobra đã thực hiện tổng cộng hơn 1,6 triệu giờ bay, chiếm 1/5 toàn bộ thời gian các loại trực thăng thực hiện nhiệm vụ trên chiến trường Việt Nam. Nguồn ảnh: Wiki. |
Được sản xuất từ năm 1962, các trực thăng Kaman SH-2 của Mỹ ban đầu được sử dụng như một loại trực thăng đa dụng tốc độ cao. Tới những năm cuối thập niên 60, phía Mỹ đã nâng cấp các trực thăng SH-2 này thành các trực thăng làm nhiệm vụ chống ngầm, cảnh báo sớm. Tuy nhiên trên chiến trường Việt Nam các trực thăng SH-2 vẫn thực hiện nhiệm vụ vận tải của mình đặc biệt là việc thiết lập cầu hàng không giữa các tàu sân bay, tàu khu trục của Hải quân Mỹ với Sài Gòn. Nguồn ảnh: Wiki. |
Sikorsky CH-37 Mojave là một loại trực thăng hạng nặng được Mỹ sử dụng với số lượng khá ít trong chiến tranh Việt Nam. Có trọng tải cất cánh tối đa lên tới 9,5 tấn, chiếc CH-37 không những có khả năng chở hàng, cẩu pháo mà còn cẩu được cả những chiếc trực thăng khác khi chúng bị hỏng hóc. Ảnh: Một chiếc CH-37 của Không quân Hải quân Mỹ đang cẩu theo một chiếc Piasecki H-21 đã gẫy hết cánh quạt giữa một cánh đồng, có lẽ chiếc H-21 đã bị bắn hạ bởi quân giải phóng. Nguồn ảnh: Wiki. |
Piasecki H-21 là loại trực thăng nồi đồng cối đá được Mỹ sản xuất từ năm 1952 và được sử dụng trong thời gian đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam. Có biệt danh "quả chuối", loại trực thăng đa dụng này được thiết kế để hoạt động ở mọi địa hình thời tiết và có thể hoạt động tốt trong môi trường có nhiệt độ thấp tới -54 độ C. H-21 có khả năng chở theo tối đa tới 12 binh lính đầy đủ vũ trang và đạt tốc độ bay tối đa 200 km/h. Dù có hai trục cánh quạt nhưng chiếc trực thăng này lại chỉ có một động cơ, khí hậu quá nóng ở Việt Nam khiến cho động cơ này thường xuyên quá nhiệt và chiếc trực thăng đã sớm bị cho về hưu khi "rụng" như sung tại Việt Nam và hỏng hóc liên tục. Năm 1967, "Quả chuối" chính thức bị loại biên. Nguồn ảnh: Pinterest. |
Trực thăng do thám hạng nhẹ Hughes OH-6 Cayuse là loại trực thăng hạng nhẹ Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam với nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực và do thám. Loại trực thăng OH-6A được sản xuất hàng loạt từ năm 1965 tới nay. OH-6 có tốc độ tối đa 282 km/h, phi hành đoàn tối đa 2 người, có khả năng mang theo các súng máy 7,62 hoặc 12,7 ly kèm theo các loại hỏa tiễn 70 mm và cả tên lửa TOW, cho phép hỗ trợ hỏa lực cực tốt và kèm theo đó là khả năng cơ động cao của một trực thăng hạng nhẹ. Nguồn ảnh: Skytamer. |
Sikorsky H-19 Chickasaw là loại trực thăng đa năng được sử dụng bởi Không quân Hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Với tải trọng tối đa khoảng 3,4 tấn, loại trực thăng này rất thích hợp trong các nhiệm vụ tiếp tế mặt đất, tuy nhiên do có kích thước lớn, cồng kềnh và tốc độ bay chậm chỉ khoảng 160 km/h, H-19 thường là mục tiêu dễ dàng cho các loại vũ khí phòng không cỡ nhỏ, thậm chí là vũ khí cá nhân của lực lượng giải phóng cũng có thể bắn hạ được nó. Đến năm 1969, H-19 chính thức bị loại biên. Nguồn ảnh: Pacific. |
Hiller OH-23 Raven được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam như một loại trực thăng hạng nhẹ làm nhiệm vụ trinh sát và dẫn đường. Được sản xuất từ năm 1948, đây là loại trực thăng hiếm hoi được sử dụng xuyên suốt từ chiến tranh Triều Tiên cho tới chiến tranh Việt Nam. Có tốc độ bay chỉ khoảng 153 km/h và kèm theo đó là kiểu thiết kế "mui trần", loại trực thăng này có thể bị bắn hạ dễ dàng bởi súng AK-47. Nguồn ảnh: Wiki. |
Một loại trực thăng cực dị khác được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đó là chiếc Kaman HH-43. Sử dụng kiểu cánh quạt đồng trục đan vào nhau, loại trực thăng này chuyên được sử dụng vào nhiệm vụ cứu hỏa và cứu hộ. Đây chính là những thiên thần trên đôi vai phi công Mỹ mỗi khi họ bị buộc phải nhảy dù do bị bắn hạ. Nguồn ảnh: Olive. |
Được sản xuất suốt từ năm 1962 tới nay, Boeing CH-47 Chinook được coi là một trong những chiếc trực thăng vận tải thành công nhất lịch sử của Mỹ. Tốc độ cao (315 km/h), sức chứa lớn (tối đa 55 lính) và có độ cơ động cực tốt, có thể "ghé cửa hậu" đổ quân ở bất cứ đâu mà không cần phải hạ cánh là những điểm ăn tiền lớn nhất của chiếc trực thăng này. Sau chiến tranh Việt Nam, đôi cánh quạt của chiếc CH-47 còn "quay tít" trong các cuộc chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Iraq và tới tận ngày nay nó vẫn là một trong những chiếc trực thăng vận tải được ưa thích nhất của Mỹ. Nguồn ảnh: Airforce. |
Sikorsky CH-53 Sea Stallion là loại trực thăng vận tải hạng nặng được Không quân Hải quân Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Loại trực thăng này có độ cơ động rất tốt và có tải trọng khổng lồ, lên tới 19,1 tấn tổng cộng. Trong chiến tranh Việt Nam, những chiếc CH-53 chuyên làm nhiệm vụ cẩu pháo, cẩu xe ô-tô, xe tải tới chiến trường. Nguồn ảnh: Wiki. |
Sikorsky CH-54 Tarhe với kiểu thiết kế "càng cua" cực kỳ độc đáo là một trong những loại trực thăng được sử dụng với số lượng ít ỏi nhất trên chiến trường Việt Nam dù rằng nó rất hữu dụng. Có tốc độ bay 240 km/h, CH-54 nổi tiếng với tải trọng cực khủng thời bấy giờ lên tới 21 tấn nhờ vào việc sử dụng đồng thời 2 động cơ T73-P-700 với công suất 4800 mã lực mỗi chiếc. Ảnh: Một chiếc CH-54 đang "cẩu" một lúc đồng thời 2 chiếc trực thăng UH-1. Nguồn ảnh: Wiki. |