Điểm danh "thần hộ mệnh" tàu sân bay Pháp đánh IS (1)
(Kiến Thức) - Dù IS không sở hữu lực lượng tàu chiến nhưng Hải quân Pháp và đồng minh vẫn phải huy động lực lượng lớn bảo vệ tàu sân bay Charles de Gaulle.
Tuấn Đặng
Xem toàn bộ ảnh
Navy Recognition đưa tin cho biết, để bảo vệ tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Charles de Gaulle thực hiện các đợt không kích nhằm vào phiến quân IS tại Syria, Hải quân Pháp và đồng minh đã điều động một số lượng lớn tàu chiến đi theo để bảo vệ. Điều này sẽ không có gì đáng nói nếu IS vốn chẳng sở hữu bất cứ tàu chiến hay máy bay nào để tạo mối đe dọa đủ lớn đối với tàu sân bay Charles de Gaulle. Trong ảnh là tàu hộ vệ phòng không Chevalier Paul (D621) của Hải quân Pháp.
Chevalier Paul (D621) là một trong những tàu hộ vệ nằm trong biên đội tàu bảo vệ tàu sân bay Charles de Gaulle được Hải quân Pháp điều động tham gia Liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu. Chevalier Paul thuộc lớp tàu hộ vệ phòng không Horizon tiên tiến nhất của Hải quân Pháp hiện nay, được biết chỉ có 4 trong 8 tàu lớp Horizon được đóng và đưa vào hoạt động thay vì 8 tàu như kế hoạch dự kiến ban đầu trong đó Hải quân Pháp sở hữu 2 chiếc.
Tàu hộ vệ phòng không Chevalier Paul có lượng giãn nước hơn 7.000 tấn và có thủy thù đoàn gần 200 người, tầm hoạt động lên tới 13.000km và hoạt động liên tục dài ngày trên biển mà không cần tiếp tế. Dù là tàu hộ vệ phòng không, nhưng Chevalier Paul sở hữu khi vũ khí đồ sộ với hệ thống tên lửa phòng không trên hạm Aster, hệ thống tên lửa chống hạm Exocet MM40, hải pháo OTO Melara 76mm và các ống phòng ngư lôi MU90.
Bên cạnh đó, tàu hộ vệ phòng không Chevalier Paul còn được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử và tác chiến trên biển hiện đại nhất của Hải quân Pháp như hệ thống radar mảng pha đa năng EMPAR, hệ thống radar tầm xa S1850M cùng các hệ thống gây nhiễu điện tử khác.
Gương mặt tiếp theo trong biên đội tàu bảo vệ tàu sân bay Charles de Gaulle là tàu hộ vệ chống ngầm La Motte-Picquet (D645) thuộc lớp tàu hộ vệ chống ngầm lớp Georges Leygues của Hải quân Pháp. Tàu La Motte-Picquet được đưa vào trang bị từ năm 1988 và hoạt động liên tục cho tới nay, nó có lượng giãn nước tối đa là 4.500 tấn với thủy thủ đoàn lên tới 235 người.
Tương tự như các tàu chiến khác, dù là tàu hộ vệ săn ngầm nhưng tàu La Motte-Picquet vẫn được trang bị hệ thống vũ khí đủ khả năng giúp tàu này tác chiến độc lập, với hệ thống tên lửa chống hạm Exocet MM40, hệ thống ống phóng ngư lôi MU90, hệ thống tên lửa phòng không trên hạm Crotale và một hải pháo CADAM 100mm.
Hệ thống tác chiến trên biển của tàu La Motte-Picquet gồm hệ thống radar giám sát DRBV51C, radar kiểm soát hỏa lực DRBC 32E, hệ thống định vị thủy âm chống ngầm DUBV 43C được đặc phía sau đuôi tàu và một số hệ thống tác chiến điện tử khác.
Ngoài sử dụng hệ thống định vị thủy âm kéo theo phía sau đuôi tàu, tàu La Motte-Picquet cũng có thể triển khai các trực thăng hải quân Lynx WG13 có khả năng tác chiến chống ngầm.
Một trong những tàu chiến không thuộc Hải quân Pháp tham gia bảo vệ tàu sân bay Charles de Gaulle là tàu hộ vệ Leopold I (F930) lớp Karel Doorman của Hải quân Bỉ. Sự hiện diện của tàu Leopold I là một phần trong cam kết của chính phủ Bỉ trong liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu, tuy nhiên vai trò của Bỉ trong các hoạt động quân sự chống IS khá mờ nhạt và chỉ mang tính hình thức.
Tàu hộ vệ Leopold I được Hải quân Bỉ đưa vào trang bị trở lại từ năm 2007. Trước đó nó là tàu hộ vệ HNLMS Karel Doorman (F827) của Hải quân Hoàng gia Hà Lan hoạt động từ năm 1991 và nghỉ hưu vào năm 2006. Tàu hộ vệ Leopold I có lượng nước tối đa là 2.800 tấn với thủy thủ đoàn 154 người và có tầm hoạt động khá hạn chế.
Hệ thống vũ khí chính trên tàu Leopold I gồm một hải pháo Oto Melara 76mm, hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon, hệ thống tên lửa phòng không trên hạm RIM-7 Sea Sparrow, hệ thống đánh chặn tầm gần Goalkeeper CIWS và các ống phóng ngư lôi 324mm.
Trang thiết bị điện tử chính trên tàu Leopold I đều do hãng Thales chế tạo gồm hệ thống radar theo dõi và giám sát tầm xa, hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống định vị thủy âm chống ngầm và hệ thống radar tác chiến điện tử. Dù nghỉ hưu vào năm 2006 nhưng trang thiết bị trên tàu Leopold I đều mới được nâng cấp và sau khi được chuyển giao cho Hải quân Bỉ nó hầu như cần phải sửa chữa lớn để hoạt động trở lại.