Công trình có chiều dài khoảng 150 m với trị giá hơn 2 tỷ đồng, lần đầu tiên được thử nghiệm tại Việt Nam. Toàn bộ hệ thống bánh xoay bằng nhựa dẻo được nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Không giống như hộ lan thép hay hàng rào Bê tông, hệ thống hàng rào ETI có chức năng xoay và hấp thụ sốc khi xe đâm vào, chuyển đổi động năng đâm trực diện thành động năng moment quay. Sau cú va chạm, rào chắn sẽ giúp điều hướng cho chiếc xe quay trở lại mặt đường, chống lật xe.
Hệ thống cọc giữ bánh xoay được chôn sâu xuống nền đường để giảm hư hỏng khi có xe va chạm, đảm bảo cho rào chắn có độ bền tới 70 năm.
Trước khi thử nghiệm hàng rào bánh xoay, các đèo dốc tại quốc lộ 6 qua tỉnh Hòa Bình từng được lắp đặt hộ lan bằng lốp ôtô tái chế để giảm sát thương khi va chạm.
Dốc Cun nhiều năm qua vốn là điểm đen tai nạn. Đoạn đèo dốc dài hơn 7 km, dọc tuyến có nhiều khúc cua che khuất tầm mắt. Theo thống kê của Phòng CSGT tỉnh Hòa Bình, trong 6 tháng đầu năm 2018, thành phố Hòa Bình ghi nhận 4 vụ tai nạn giao thông, cả 4 vụ đều xảy ra tại dốc Cun. Theo trung tá Vũ Anh Tuấn, Phó trạm trưởng trạm Cảnh sát giao thông Tân Lạc, (đơn vị phụ trách khu vực dốc Cun), nguyên nhân chính của các vụ tai nạn tại đây là tài xế mất phanh khi xuống dốc, xe lao vào vách núi gây thương vong.
Trao đổi với Zing.vn, ông KJAhn, lãnh đạo công ty ETI Co,Ltd Hàn Quốc (đơn vị sản xuất), cho biết công nghệ hàng rào bánh xoay đã được phổ biến ở hơn 20 quốc gia, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines... Tại Hàn Quốc, công nghệ này được kiểm nghiệm giúp giảm 60 đến 70% số thương vong tại các điểm đen giao thông.