Điểm hay và dở của đề thi mẫu THPT quốc gia môn Toán
(Kiến Thức) - Người cho rằng đề thi minh họa Toán hợp lý, đảm bảo được việc phân loại HS, người lại nói đề thi không có tính thực tiễn, vẫn theo lối mòn cũ...
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2015 cho các môn thi. Trong đó, đề thi môn Toán là một trong những đề nhận được nhiều nhận xét (cả tích cực và hạn chế) của các chuyên gia giáo dục, giáo viên và học sinh nhất
Theo thầy Lê Anh Tuấn, Giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT đảm bảo phân loại thí sinh với 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học bằng 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Với đề thi minh họa môn Toán, đề được chia nhỏ thành 10 câu với 12 ý, hướng đến mở rộng cơ hội học sinh gia tăng điểm số, đặc biệt là với học sinh có mục tiêu đỗ tốt nghiệp.
|
Trích một phần đề minh họa toán kỳ thi THPT quốc gia 2015. |
Đề thi phân hóa thành 4 mức độ: dễ, trung bình, khó và cực khó.
Những câu hỏi ở mức độ cực khó, khó bao gồm BĐT, GTLN-GTNN và Hình giải tích phẳng (Hệ tọa độ Oxy). Trong đó, câu 10 (Bất đẳng thức, GTLN-GTNN) có mức độ khó hơn năm trước, học sinh có thể dễ dàng nhận diện được phương pháp làm nhưng lại rất khó trong quá trình giải. Đặc biệt, câu hỏi Giải tích phẳng với sự xuất hiện kiến thức đường tròn bàng tiếp (hiếm khi xuất hiện trong đề thi 5 năm gần đây) chứng tỏ kiến thức trong đề thi sẽ rất rộng và lạ.
Những câu hỏi ở mức độ trung bình – khó bao gồm câu hỏi số 9 (xác suất thống kê), câu 4 (Bất phương trình), câu 6 (Hình học không gian). Những câu hỏi này tương tự như đề thi đề thi đại học năm trước.
Những câu hỏi còn lại ở mức độ dễ, tương tự như đề thi tốt nghiệp các năm trước, giúp học sinh dễ dàng lấy điểm.
“Như vậy, đề thi đã đảm bảo được việc phân loại học sinh, việc gia tăng số lượng câu hỏi dễ cũng đồng thời với việc gia tăng mức độ câu hỏi khó. Vì thế, tôi nghĩ phổ điểm trung bình sẽ dao động từ 6 đến 6,5 điểm”, thầy Tuấn nhận định.
Ông Phạm Văn Hoan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, Q.Ba Đình, Hà Nội, nhận định: “Đề thi môn Toán nhìn chung cũng khá hợp lý đối với mục đích xét tốt nghiệp. Ví dụ có câu khảo sát hàm số (2 điểm) với nội dung hỏi khá đơn giản, rất phù hợp để thi tốt nghiệp. Tôi tính thì thấy những câu đơn giản kiểu đó chiếm khoảng 55 - 60% nội dung đề thi. Tỷ lệ này cũng hợp lý”.
Cũng theo ông Hoan, so với các đề thi tốt nghiệp và đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước thì đề minh họa này có độ khó ở mức giữa. Vì thế nói chung là cũng sẽ tuyển được học sinh khá, giỏi vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên yêu cầu phân hóa chỉ ở mức độ vừa phải chứ không hẳn là tốt lắm. Nhìn qua thì có thể thấy đây đúng là một đề thi ĐH nhưng có nhiều câu dễ hơn để học sinh có thể tốt nghiệp.
“Chính vì thế đề thi này không hay bằng đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước”, ông Hoan nói.
Còn TS Trần Nam Dũng, Giảng viên Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội lại cho rằng, đề thi minh họa Toán kỳ thi THPT quốc gia 2015 thiếu thực tiễn, không có gì bứt phá, vẫn theo lối mòn cũ.
“Tôi muốn góp ý về một khía cạnh mà mọi người ít bàn hơn. Cụ thể đề thi minh họa Toán gồm 10 bài toán rời rạc, không liên quan gì đến nhau. Đề thi chỉ kiểm tra kiến thức và kỹ thuật, chỉ là biết hoặc không biết, không có những dẫn dắt cần thiết cho những bài khó. Đề thi không có bài nào gắn liền với thực tiễn, ngay cả ở những chủ đề mà ta có thể dễ dàng đưa vào nhất như tích phân, xác suất, bài toán cực trị.
Tôi biết và thông cảm cho các thành viên ban ra đề. Họ cần sự an toàn. Và cách làm an toàn nhất là cách làm dựa theo "lối cũ ta về".