Xem toàn bộ ảnh
Một trong những loại vũ khí mà Trung Quốc đang biên chế nhiều nhất là xe tăng Type 59 với khoảng 5.000-6.000 chiếc còn phục vụ. Đây là mẫu xe tăng chiến đấu được sao chép công nghệ T-54/55 huyền thoại của Liên Xô. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Type 59 được coi là rất lạc hậu trên thế giới. |
Mặc dù Trung Quốc đã có những chương trình hiện đại hóa lớn với Type 59 như thay nòng pháo mới, cải tiến hệ thống điều khiển hỏa lực, giáp bảo vệ nhưng nhìn chung nó vẫn được coi là đã lạc hậu, thua kém xe tăng hiện đại của Nga và phương Tây. |
Ngoài Type 59, Lục quân Trung Quốc còn đang sử dụng khoảng vài trăm chiếc Type 69/79. Về bản chất thì Type 69/79 chẳng qua chỉ là nâng cấp nhỏ dựa trên Type 59 với nòng pháo mới, cải tiến hệ thống điều khiển hỏa lực. |
Trong trang bị xe tăng hạng nhẹ, Trung Quốc hiện vẫn sử dụng khoảng 500 chiếc Type 63 – bản sao chép mẫu PT-76 của Liên Xô. Type 63 của Trung Quốc tuy có hỏa lực pháo mạnh hơn nhưng hệ thống điều khiển hỏa lực được đánh giá là lạc hậu, độ chính xác kém. |
Trong trang bị xe thiết giáp, Trung Quốc đã tự tạo cho mình bộ sưu tập các loại xe bọc thép chở quân tới cả 10 loại. Tuy nhiên, quốc gia này hiện vẫn tiếp tục sử dụng mẫu xe bọc thép Type 63 sản xuất từ những năm 1960, vốn tồn tại nhiều nhược điểm. |
Đối với lực lượng pháo binh, Lục quân Trung Quốc hiện nay có trang bị nhiều kiểu pháo phản lực, tuy nhiên trong một số cuộc tập trận gần đây cho thấy quốc gia này vẫn duy trì pháo phản lực kéo Type 63 cỡ 107mm được chế tạo cách đây hơn nửa thế kỳ. |
Type 63 khai hỏa trong cuộc tập trận phòng thủ bờ biển của Trung Quốc. |
Những năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên giới thiệu nhiều tổ hợp pháo phòng không mới tại các cuộc triển lãm nhưng mọi thứ dường như dừng lại ở mô hình nhiều hơn là việc hiện thực hóa. Cho tới thời điểm hiện tại, rất nhiều đơn vị phòng không thuộc các Đại quân khu vẫn đang sử dụng pháo phòng không 37mm 2 nòng được Trung Quốc sao chép công nghệ mẫu M1939 37mm 1 nòng của Liên Xô chế tạo từ trong chiến tranh thế giới thứ 2. |
Hỏa lực pháo phòng không 2 nòng 37mm của Quân đội Trung Quốc khai hỏa. Loại pháo này phải thao tác bằng tay, tốc độ bắn không cao, hạn chế trong tác chiến đêm. |
Ngoài pháo 37mm 2 nòng, Trung Quốc hiện vẫn dùng khẩu Type 59 57mm sao chép mẫu S-60 57mm của Liên Xô. Tương tự đặc điểm của 37mm, Type 59 thao tác bắn bằng tay, tốc độ bắn không cao, hạn chế trong tác chiến đêm. Tuy nhiên, loại pháo này vẫn đóng vai trò lớn trong lưới lửa tầm thấp của Trung Quốc. |
Đối với lực lượng hải quân, tốc độ đóng tàu, biên chế tàu chiến của Trung Quốc vài năm gần đây có thể coi là “vũ bão” với hàng loạt mẫu tàu mới như Type 022, Type 056, Type 054A, Type 052C/D. Tuy nhiên, dường như đó vẫn là chưa đủ để thay thế toàn bộ tàu lạc hậu, hiện ở cả 3 hạm đội Hải quân Trung Quốc vẫn đang sử dụng nhiều tàu pháo – tàu tên lửa tuổi đời vài chục năm. |
Tàu pháo - tên lửa của Hải quân Trung Quốc hiện gồm các loại: Type 037 series (khoảng 114 chiếc); Type 062 (khoảng 100 chiếc). Hai lớp tàu này chủ yếu trang bị pháo 57 hoặc 37mm, pháo 25mm, rocket săn ngầm tầm ngắn, cối chống ngầm hoặc bom chìm. Một số tàu Type 037 cải tiến có trang bị thêm tên lửa diệt hạm. |
Về đội tàu hộ vệ tên lửa, Hải quân Trung Quốc hiện vẫn duy trì khoảng 27 chiếc loại Type 053 series. Lớp tàu này thường được trang bị hỏa pháo 100mm, pháo phòng không 37mm và tên lửa diệt hạm loại YJ-82. Nhìn chung, lớp tàu này có hỏa lực diệt hạm khá tốt nhưng tác chiến phòng không lại quá yếu kém, khó có khả năng đối chọi lại với tên lửa diệt hạm của đối phương. |
Trong đội tàu khu trục, Trung Quốc vẫn còn khoảng 7 chiếc thuộc lớp Type 051 Lữ Đại được chế tạo từ những năm 1970. So với Type 053 thì hỏa lực của Type 051 cũng không khá hơn là bao nhiêu. |
Chiếm số lượng lớn nhất trong lực lượng tàu ngầm Trung Quốc là 16 chiếc Type 035 được sao chép mẫu tàu ngầm Project 633 của Liên Xô. Loại tàu ngầm này được đánh giá là có độ ồn tương đối cao, thậm chí là thiếu an toàn (đã ghi nhận có vụ tai nạn liên quan tới Type 035), hỏa lực trung bình với ngư lôi cỡ 533mm. |
Dù những năm gần đây, Không quân Trung Quốc liên tục tiếp nhận nhiều máy bay mới như J-10, J-11 hay Su-27/30. Tuy nhiên, chiếm số lượng lớn nhất trong trang bị chiến đấu cơ nước này vẫn là những chiếc J-7 cũ kỹ được sao chép mẫu MiG-21F13 của Liên Xô (khoảng 400 chiếc). |
Tuy Trung Quốc đã nỗ lực cải tiến J-7 với việc trang bị cho nó mẫu radar mới, cải tiến động cơ, vũ khí. Dẫu vậy, nó vẫn không thể thoát khỏi bóng của MiG-21 với tầm tác chiến ngắn, khả năng mang tải vũ khí kém (mang tối đa chỉ được 4 tên lửa đối không tầm ngắn). |
Trong lực lượng máy bay cường kích, Trung Quốc vẫn đang duy trì số lượng lớn (tới 240 chiếc) Q-5 hệ cũ, sản xuất từ những năm 1960. Thực chất đây là cải tiến dựa trên khung thân máy bay tiêm kích hạng nhẹ J-6 (nhái MiG-19) của Liên Xô. Do dùng khung gầm máy bay hạng nhẹ như vậy nên khả năng mang vác của Q-5 kém (2 tấn), tốc độ bay chậm, hệ thống điện tử lạc hậu… |
Trang bị không quân ném bom chiến lược Trung Quốc hiện chỉ sử dụng mẫu H-6 (gồm cả các biến thể). Đây là thiết kế sao chép mẫu Tu-16 của Liên Xô, nên H-6 dù qua nhiều đời cải tiến thì khả năng mang vác vũ khí không lớn (9 tấn, tức là chỉ nhỉnh hơn một chút so với tiêm kích đa năng hạng nặng Su-27/30). Gần đây, Trung Quốc phải nhờ tới Nga giúp đỡ trong phát triển biến thể H-6K mới có khả năng tăng thêm tầm bay, tải trọng mang vác. |