Mới đây nhất, CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc được đồn đoán đã “sang tay” hết 18,3 triệu cổ phiếu VPD của CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam cho khối ngoại trong phiên 20/12 với giá 29.500 đồng/cp. Tuấn Lộc đã "ôm" cổ phiếu VPD từ rất lâu trước đó.
Tháng 1/2018 trước khi CTCP Phát triển điện lực Việt Nam mang cổ phiếu VPD chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết trên HoSE, Tuấn Lộc còn tranh thủ mua thêm gần 5 triệu cổ phiếu. Thời điểm đó giá cổ phiếu VPD giao dịch quanh mức 15.600 đồng/cp.
Công ty Tuấn Lộc được thành lập năm 2005, trùng tên với ông chủ 8x Trần Tuấn Lộc - Chủ tịch HĐQT và là cổ đông lớn nhất tại Tuấn Lộc.
Tuấn Lộc là thương hiệu tương đối nổi tiếng trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư hạ tầng tại khu vực phía Nam, trúng thầu nhiều dự án lớn như đầu tư KCN Nhơn Trạch 6 (Đồng Nai), đầu tư xây dựng KCN Tuấn Lộc – Khu Kinh tế Đông Nam (Nghệ An), cầu Sài Gòn 2, thầu phụ thi công dự án cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, cầu Cổ Chiên, một số gói thầu thuộc dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội (TP HCM)…
Ngoài ra, Tuấn Lộc còn được biết đến với vai trò nhà đầu tư tham gia dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới (hơn 2.700 tỷ đồng), cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (gần 10.000 tỷ đồng).
Doanh nghiệp Tuấn Lộc thực hiện khá nhiều thương vụ M&A khủng. |
Từ những năm 2014-2015, Tuấn Lộc bành trướng ra khỏi Nghệ An khi liên tiếp thâu tóm cổ phần ở nhiều công ty xây dựng lớn trên khắp đất nước.
Năm 2015, trong kế hoạch IPO Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) được Bộ Xây Dựng gửi trình lên Thủ tướng Chính Phủ có đề cập đến việc tham gia của đại gia Tuấn Lộc. Cụ thể, Bộ Xây dựng đang có kế hoạch IPO CC1. Vốn nhà nước tại CC1 hiện là 763,5 tỷ đồng. Sau khi IPO, dự kiến vốn điều lệ của CC1 sẽ tăng lên 1.100 tỷ đồng.
Theo đó, CC1 phát hành lần đầu dự kiến là 110 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cp. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 44 triệu cổ phần, chiếm 40% vốn.
Nhằm đón đầu khi IPO, Tuấn Lộc đã đăng ký là nhà đầu tư chiến lược với CC1 bằng cam kết mua là 48,1 triệu cổ phần, tương ứng với 38% vốn. Với mức giá phát hành 10.000 đồng/cp, Tuấn Lộc chi tới 481 tỷ đồng gom vốn CC1.
Trước đó không lâu, Tuấn Lộc cũng dùng chiến lược tương tự để thâu tóm CTCP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng TP. HCM (CII). Tuấn Lộc trở thành cổ đông lớn của CII từ ngày 19/6/2015 với tỷ lệ sở hữu là 5,89%. Đến tháng 7/2015, sau chưa đầy một tháng, tỷ lệ sở hữu của Tuấn Lộc tại CII đã tăng lên 12,5%.
Trước đó vài tháng, vào cuối năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã thoái toàn bộ 35% cổ phần tại Cienco 4 cho CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc. Sau giao dịch này, Công ty Tuấn Lộc sở hữu 51,5% vốn của Cienco 4.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, công ty Tuấn Lộc đã bán hết cổ phần của CC1 và Cienco 4, phần lớn cổ phần CII.
Năm 2015, chỉ sau 1 năm cố gắng thâu tóm Cienco 4, Tuấn Lộc đã bán bớt cổ phần tại doanh nghiệp này và tiến hành thoái toàn bộ vốn cuối năm 2016. Không ai biết con số cụ thể giá bán toàn bộ 51,5% cổ phần của Cienco 4, nhưng đồn thổi trên thương trường, là giá bán khá cao so với lúc mua vào.
Cũng trong tháng 7/2015, Tuấn Lộc cũng 3 lần mang cổ phiếu CII ra bán, thu về 529 tỷ đồng, theo đó CII đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 12,5% xuống còn 0,8%, tương đương 1,6 triệu cổ phiếu.
Vào đầu tháng 6/2021, Tuấn Lộc thông báo đã bán toàn bộ hơn 20,8 triệu cổ phiếu CC1, tương đương với gần 19% vốn. Thời gian giao dịch từ 19/5-1/6.
Trong thời gian này cổ phiếu CC1 chứng kiến nhiều giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn hàng triệu đơn vị, trong khi lượng khớp lệnh chỉ vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên. Cổ phiếu CC1 trong thời gian này biến động khoảng 16.000-17.000 đồng/cp, tạm tính số tiền Tuấn Lộc thu về gần 350 tỷ đồng.
Kể từ đầu năm 2021 đến tháng 5/2021, công ty Tuấn Lộc từng 3 lần đăng ký bán cổ phiếu CC1, 2 lần không bán được cổ phiếu nào và 1 lần bán được 65.600 đơn vị. Như thế, sau 2 lần bán thành công trong năm 2021, Tuấn Lộc chính thức thoái hết vốn khỏi CC1.
Mới nhất, vào 30/6/2021, CTCP Đầu tư Thành Thành Công (thuộc Tập đoàn Thành Thành Công) thông báo rằng họ đã hoàn tất việc bán 54,53 triệu cổ phiếu Tổng Công ty Tín Nghĩa, tương đương hơn 27% vốn cổ phần theo phương thức thỏa thuận. Giao dịch trị giá 818 tỷ đồng, với giá bán trung bình 15.000 đồng/cp.
Cùng ngày, CTCP Đầu tư Xây Dựng & Vật Liệu Xây Dựng Sài Gòn thông báo mua thỏa thuận thành công 48 triệu cổ phiếu Tín Nghĩa, tăng sở hữu lên gần 25%, qua đó trở thành cổ đông lớn. Như vậy có thể chắc chắn rằng, Đầu tư Xây Dựng & Vật Liệu Xây Dựng Sài Gòn đã mua phần lớn phần vốn mà Thành Thành Công bán ra.
Trên thực tế, cổ đông mới tại Tín Nghĩa chính là một công ty thành viên của nhóm Tuấn Lộc.
Tóm lại, Tuấn Lộc đã tham gia vào nhiều thương vụ mua vốn cổ phần các doanh nghiệp, hiện doanh nghiệp này sở hữu trên 21% cổ phần Công ty Cảng Nghệ Tĩnh (NAP), 49% KCN Nhơn Trạch 6, hơn 33% tại KCN Hiệp Phước (HPI), 33% tại CTCP Sonadezi Giang Điền, 17% tại CTCP Phát triển Điện lực Việt Nam (VPD), 10% tại CTCP XD & Sản xuất VLXD Biên Hòa (VLB)…