Ảnh minh họa |
Mỗi năm, điện ảnh Việt sản xuất hàng chục phim chiếu rạp. Nhiều diễn viên dù xuất hiện thường xuyên trên các màn ảnh lớn, nhỏ, chương trình truyền hình, giải trí… nhưng nhìn lại, chẳng có tên tuổi nào đủ khiến đông đảo khán giả phải “phát cuồng” như những diễn viên phim Hàn, Trung, Nhật, Đài Loan, thậm chí phim Thái, Philippines hay Ấn Độ gần đây.
Không có ngôi sao điện ảnh…
Sau năm 1975, điện ảnh Việt Nam đã từng sản sinh ra những “minh tinh màn bạc” đúng chất như: Lý Huỳnh, Chánh Tín, Phương Thanh, Thanh Quý, Thương Tín, Thúy An, Thanh Lan… Thậm chí thời kỳ phim thương mại lên ngôi, khoảng thập niên 1990, điện ảnh Việt vẫn có những tên tuổi ngôi sao như: Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh, Diễm Hương, Trương Ngọc Ánh, Hồng Ánh, Mỹ Duyên, Ngô Thanh Vân… Đó là những tên tuổi có sức “công phá phòng vé”, làm công chúng thời đó phải si mê cuồng nhiệt; không chỉ bởi tài năng, vẻ bề ngoài mà còn bởi chất lượng vai diễn, của bộ phim mà họ tham gia.
Còn bây giờ, ngôi sao điện ảnh là ai, quả thật khó kể tên. Lớp diễn viên trẻ như: Vân Trang, Lê Khánh, Ngọc Lan, Tường Vy, Khương Ngọc, Huỳnh Đông, Kinh Quốc… có tài năng và nhan sắc, nhiều người trong số họ được đào tạo chính quy về diễn xuất; nhưng vẫn không thể trở thành “ngôi sao điện ảnh” ngay chính với khán giả Việt, chưa nói đến công chúng quốc tế. Những tên tuổi thuộc hàng ăn khách nhất của phim Việt hiện nay “vay mượn” rất nhiều từ những diễn viên sân khấu hoặc những ngôi sao giải trí, ngôi sao đại chúng đang nổi như hot girl, blogger, người mẫu, ca sĩ…
Đối với diễn viên sân khấu, hiện có Thái Hòa và Kiều Minh Tuấn là hai tên tuổi được đánh giá có tố chất điện ảnh, cởi bỏ được những ước lệ hay lối diễn nặng về hình thể của sân khấu, đặc biệt là sân khấu hài. Song, Thái Hòa dù từng được gọi là “ông vua phòng vé” nhưng “phong độ” cũng tăng giảm thất thường; còn Kiều Minh Tuấn đóng phim khá tạp, lại dính vào những scandal không đáng có.
Bên cạnh đó, một số tên tuổi đình đám từ sân khấu hài “lấn sân” điện ảnh như Hoài Linh, Trường Giang, Trấn Thành, Thành Lộc… lại bị đánh giá là “bê nguyên xi” chất liệu sân khấu sang điện anh, nên chỉ “ăn may” thành công lúc họ còn hào quang; về lâu dài, không thể thuyết phục được khán giả điện ảnh. Ví dụ, 5 năm trước, Hoài Linh từng là “ông vua phòng vé” phim Tết, nhưng tới năm nay, phim Tết “Đích tôn độc đắc” của anh doanh thu giảm xuống rõ rệt, còn tệ hơn cả “Về quê ăn Tết” của Ngô Thanh Vân.
Phía nữ, cũng có một số “hiện tượng phim” như Miu Lê, Kaity Nguyễn, Hoàng Yến Chibi, Jun Vũ… nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi “lớp vỏ bọc” trước đó là các ca sĩ, hot girl “lấn sân” với lối diễn bị đánh giá là “một màu”, chưa đột phá. Sau 1-2 vai diễn, bộ phim nổi bật, liệu họ có gắn bó dài lâu với sự nghiệp điện ảnh không, hay lại “rẽ ngang rẽ dọc”… làm việc khác?
Sự yếu kém của nền điện ảnh Việt
Có thể thấy, từ xưa tới nay, điện ảnh Việt Nam không có mục đích xây dựng những diễn viên ngôi sao. Hầu như các “minh tinh điện ảnh” Việt Nam đều tự làm nên tên tuổi qua bộ phim và vai diễn nào đó. Ngay cả khi các công ty tư nhân được tham gia sản xuất phim, họ cũng không đẩy mạnh chủ trương xây dựng ngôi sao diễn viên, mà có xu hướng “mượn” những ngôi sao đang nổi với những bộ phim thị trường để dễ dàng lôi kéo người xem.
Bởi vậy, vai diễn không khai thác đến tận cùng, nhân vật lên phim “nhợt nhạt”, trong câu chuyện nhạt nhẽo thì dù diễn viên có đẹp trai, xinh gái và tài giỏi đến đâu cũng khó lay động cảm xúc người xem. Bên cạnh đó, những diễn viên có tố chất không được nuôi dưỡng, còn những “diễn viên rẽ ngang” chỉ nổi được một thời gian ngắn, rồi cũng bị “cũ” rất nhanh với khán giả.
Tư duy này khác hoàn toàn các nền điện ảnh phát triển mạnh và bền vững trong khu vực lẫn trên thế giới. Các hãng phim, điển hình như Walt Disney, Universal, Warner Bros…, phải sở hữu, nuôi dưỡng và đào tạo ra những ngôi sao điện ảnh có tiềm năng và gắn bó lâu dài. Từ đó, họ vừa phát triển về kinh tế, về thương hiệu, góp phần làm nền điện ảnh nước nhà mạnh hơn, đa dạng và chất lượng hơn trên thị trường quốc tế.
Mặt khác, điều này cũng tạo nguồn động lực cho diễn viên điện ảnh tập trung vào sự nghiệp. Ở Hollywood, có thể dễ dàng kể tên các diễn viên điện ảnh có 15-20 năm trong nghề, thậm chí 30-40 năm trong nghề vẫn đầy sức hút như: Leonardo DiCaprio, Johnny Depp, Tom Cruise, Brad Pitt, Tom Hanks, Natalie Portman, Anne Hathaway, Nicole Kidman, Emma Stone, Angelina Jolie … Sự góp mặt của họ trong bất cứ bộ phim nào tại thời điểm hiện tại đều sẽ là những “cơn sốt phòng vé”. Còn ở Việt Nam, sức trường hơi của các diễn viên đều rất ngắn, chỉ khoảng vài năm.
Theo đánh giá của nhà báo – nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm: “Diễn viên Việt Nam khó trường hơi vì nhiều lý do như nền tảng văn hóa không cao, nội lực yếu và thiếu những cơ hội để phát triển nghề nghiệp. Ví dụ như Liên Bỉnh Phát của “Song Lang” chẳng hạn, có thể coi là một phát hiện sáng giá của điện ảnh trong năm qua. Nhưng nếu không có những cơ hội tốt tiếp theo và bị cuốn vào dòng phim giải trí dễ dãi, Phát sẽ khó có cơ hội bật lên”.
Tóm lại, một nền điện ảnh không có ngôi sao điện ảnh chất lượng thì chưa thể gọi là một nền điện ảnh mạnh. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Dễ thấy nhất là thiệt hại về kinh tế cho các nhà sản xuất phim và nhà đầu tư. Nhưng nghiêm trọng và lâu dài hơn, chính là định kiến của khán giả với phim điện ảnh Việt ngày càng nặng nề. Bằng chứng là khán giả ngày càng thiếu tin tưởng, thờ ơ với dòng phim điện ảnh nội địa và sẵn sàng chạy theo những phim “bom tấn” nước ngoài.