Yêu cầu ký quỹ và cam kết không chuyển nhượng dự án
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Sài Gòn - Đại Ninh tích cực phối hợp với các sở ban ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu Tư, Sài Gòn - Đại Ninh đã tạm nộp số tiền sử dụng đất là 100 tỷ đồng, thể hiện doanh nghiệp có năng lực và quyết tâm thực hiện dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để triển khai dự án, Sở đề nghị Sài Gòn - Đại Ninh chuẩn bị các hồ sơ thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.
Theo đó, yêu cầu Sài Gòn - Đại Ninh báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh gồm thủ tục chuẩn bị đầu tư (đất đai, rừng, quy hoạch, xin phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường,…); tình hình triển khai xây dựng; tiến độ thực hiện vốn đầu tư; thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước.
Giải trình hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh dự án đầu tư (bản sao Giấy chứng nhận đầu tư, văn bản chấp thuận gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được gia hạn…)
Cung cấp hồ sơ chứng minh năng lực tài chính gồm báo cáo tài chính năm 2019, 2020 đã được kiểm toán, cam kết hỗ trợ tín dụng của tổ chức tín dụng; bản cam kết tiến độ thực hiện dự án trong thời gian 24 tháng kể từ ngày được UBND tỉnh chấp thuận gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, phân kỳ đầu tư cụ thể theo quý và dự kiến tổng vốn đầu tư…
Chủ đầu tư cam kết ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định của Luật đầu tư 2020; Cam kết không chuyển nhượng dự án trong thời gian được UBND tỉnh chấp thuận gia hạn;
Chuẩn bị nguồn lực về tài chính thực hiện các nghĩa vụ tài chính khi cơ quan nhà nước có thông báo và tập trung nguồn lực triển khai dự án theo đúng tiến độ cam kết và cam kết ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo quy định của Luật đầu tư 2020.
Siêu dự án 25.000 tỷ tọa lạc trên 4 xã thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. |
Siêu dự án vừa thoát cảnh bị thu hồi
Trước đó, ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã ký văn bản thông báo sửa đổi một số nội dung trong Kết luận thanh tra số 929 ngày 12/6/2020 của TTCP về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Nội dung được bổ sung vào Kết luận thanh tra số 929 đã ban hành năm 2020 như sau: Liên quan đến dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt do Công ty Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư: UBND tỉnh (Lâm Đồng) căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết; khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã được phê duyệt.
Trường hợp chủ đầu tư vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định.
Đồng thời, rà soát, kiểm tra lại tính pháp lý của Quyết định số 2020 để quyết định thu tiền sử dụng đất theo thẩm quyền; chỉ đạo và soát, yêu cầu công ty nộp thuế chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án (nếu có) theo quy định.
Hồi tháng 6/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến về kết quả kiểm tra, xác minh nội dung kiến nghị của Công ty Sài Gòn - Đại Ninh.
Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực đồng ý kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.
Đồng thời, giao UBND tỉnh Lâm Đồng theo thẩm quyền chỉ đạo thực hiện kiến nghị của Thanh tra Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật. Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm về nội dung và kiến nghị; theo dõi, kiểm tra việc xử lý sau thanh tra theo quy định.
Hồi tháng 7/2020, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra số 929 với nội dung yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 3 dự án có vi phạm về pháp luật đất đai và đầu tư, trong đó có dự án của Công ty Sài Gòn- Đại Ninh.
Tuy nhiên, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Sài Gòn - Đại Ninh đã có văn bản kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng xem xét lại việc thu hồi dự án.
Dự án này tổng vốn đầu tư thực hiện dự án này khoảng 25.000 tỷ đồng. Diện tích dự án gần 3.600ha, tọa lạc trên 4 xã thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Năm 2012, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định cho Công ty Sài Gòn- Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng đất ở để thực hiện dự án.
Cổ đông Sài Gòn - Đại Ninh bao gồm những ai?
Công ty Sài Gòn - Đại Ninh được thành lập vào tháng 1/2010, có địa chỉ tại số 2/8 Phạm Hồng Thái, phường 10, TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.
Ban đầu, doanh nghiệp có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, bao gồm các cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (Công ty Phương Nam Group - 85%) và 7 cá nhân khác nắm giữ 15% cổ phần còn lại gồm: Hoàng Văn Thọ (2%), Đào Thúy Hằng (5%), Phan Văn Đức (5%), Nguyễn Văn Lam (0,5%), Trần Tấn Công (1%), Trần Hồng Thắng (0,5%) và Nguyễn Đình Tùng (1%).
Tháng 8/2016, bà Phan Thị Hoa thay Công ty Phương Nam nắm giữ 85% cổ phần Sài Gòn Đại Ninh Corp. Đến tháng 10/2017, Sài Gòn Đại Ninh Corp tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Lúc này, bà Hoa nắm giữa 88,5% vốn cổ phần. Ngoài ra, bà Hoa hiện giữ vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật (nắm giữ 92% cổ phần) tại Công ty Phương Nam.
Tuy nhiên, theo thông tin đăng ký thay đổi vào tháng 1/2021, bà Phan Thị Hoa không còn là người đại diện theo pháp luật của Sài Gòn Đại Ninh Corp. Người được thay thế là ông Nguyễn Cao Trí, với vai trò Tổng Giám đốc. Ông Nguyễn Cao Trí là gương mặt quen thuộc trong giới đại gia Sài Gòn từ nhiều năm nay. Hệ sinh thái Capella Holding của vị doanh nhân sinh năm 1970 này trải rộng trên nhiều lĩnh vực.
Ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Tập đoàn Capella (Capella Holdings), ông Trí còn là lãnh đạo Công ty Lâu Đài Ven Sông, Phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học Văn Lang; Chủ tịch hội Doanh nghiệp quận 1 nhiệm kỳ 2018-2023...