Điệp khúc người dưng của chồng

Lần thứ ba chị nghĩ “chồng là người dưng” là khi ký vào đơn ly hôn. Anh cuống cuồng lo lót để căn nhà không bị chia đôi cho chị. 

Cái ý nghĩ ấy xuất hiện lần đầu tiên trong đầu khi chị ngồi trên chuyến tàu rời thành phố. Chị có cảm giác mình càng liêu xiêu, tiều tụy theo từng cái rung lắc của toa tàu. Đàn bà cung Sư Tử, lòng đầy ngạo mạn và kiêu hãnh nên ngay cả khi gục ngã, chị cũng muốn mình không quá thê thảm thế này.

Chị đẹp, đàn ông theo chị nhiều, nhưng cuối cùng chị chọn lấy anh như một giải pháp an toàn. Anh không quá giàu cũng chẳng đẹp trai, tính hiền lành lại ít nói. Thiên hạ hỏi vì sao chọn anh, chị cười bảo vì anh tâm lý và sâu sắc. Đàn bà không nên quá tham lam, được cái này thì mất cái kia, nên chị chọn cái mình cho là cần nhất. Đoạn đường phía trước quá dài, chị cần một người đủ tin tưởng để biết mình không bị bỏ rơi, đủ dịu dàng để thấy lòng yên ấm. Vậy mà cuối cùng, bến đỗ nhỏ bé ấy cũng không đủ bình yên. Có bão giông từ chân trời ập đến và cũng có những cơn giông từ chính lòng người…

Chị bấm chuông nhà bạn rồi ngồi gục đầu ngoài cổng giữa cơn mưa. Chị gần như đổ vào vai cô bạn thân trong những tiếng nấc nghẹn: “Làm ơn… hãy đưa mình rời xa thành phố”. Đêm ấy chị lên cơn sốt vì ngấm lạnh. Trong cơn mê man, chị gọi tên chồng. Sáng ra, bạn kể, lúc đêm có bấm máy gọi cho anh nhưng đầu dây bên kia là một giọng nói lạnh lùng: “Cô ấy có chân đi thì có chân về. Đã dám xách đồ ra khỏi nhà thì sống hay chết anh cũng không có trách nhiệm phải bận tâm”. Bạn không khỏi xót xa nhưng vẫn động viên, chuyện vợ chồng sao tránh khỏi những lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Chỉ có điều, với một người đầy kiêu hãnh như chị thì sẽ vá víu lòng mình thế nào sau những ê chề? Bạn sắp xếp lại đồ đạc chị mang theo, chỉ mấy bộ đồ đã cũ, ít tiền lẻ vứt lẫn trong quần áo, cố nén tiếng thở dài. Trong đống đồ ấy không có lấy một thỏi son. Đàn bà đi đâu cũng không quên son môi, thứ điểm tô vẻ đẹp và lòng kiêu hãnh. Bạn hỏi chị đã đánh rơi nó ở đâu?

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chị cười, bảo đã đánh rơi nó ở bậc cửa nhà mình. Nơi anh bước ra khỏi nhà để đi làm, không quên dặn vợ đi chợ chi tiêu bất cứ món gì cũng phải ghi chép đầy đủ vào cuốn sổ nhỏ. Nơi những tháng ngày ở nhà đợi việc, chị phải chạy theo chìa tay xin chồng từng đồng chợ búa, tiền thanh toán các hóa đơn điện nước, tiền cho cuộc gặp mặt bạn bè không thể không đi... Lúc mẹ chị ốm phải nằm bệnh viện, chị hỏi vay anh chục triệu để góp cùng các em thanh toán viện phí cho ca phẫu thuật, anh nói: “Em cứ làm như anh kiếm tiền dễ lắm sao cứ bòn rút mỗi ngày”. Để có công việc mới, chị cần một khoản tiền không nhỏ lót tay, anh nói: “Vợ chồng thì vợ chồng, giờ không tin được ai. Nhỡ anh lo cho em công việc ổn định rồi sau này em đi theo thằng khác thì sao? Bạn anh mười thằng thì cũng phải bốn, năm đứa bị vợ cắm sừng”. 

Chị chua chát bảo anh cứ ghi giấy nợ, để khi nào đi làm có lương chị sẽ góp trả anh dần. Vậy mà lúc xúi chị từ bỏ công việc ổn định ở một công ty lớn để về làm vợ anh, anh đã hứa hẹn đủ điều. Giờ chắc anh đã quên. Rồi cũng bậc cửa ấy, khi lòng đơn độc và tuyệt vọng cần một chuyến đi xa, lúc chị xách va li đi qua chỗ anh ngồi đọc báo, anh dửng dưng: “Em muốn đi đâu thì đi nhưng tiền của anh nhớ để lại đầy đủ, không thiếu một đồng”. Sổ tiết kiệm, chìa khóa két sắt và tất thảy những hóa đơn đang chờ thanh toán chị đều đã để lại cho anh. Chị đã vì ai mà từ bỏ những cơ duyên tốt đẹp để lầm lũi xó nhà? Bến đỗ mà chị từng nghĩ sẽ yên ấm thực chất lại khốn khổ đến thế ư? Nó chi li và bất nhẫn đến từng đồng bạc nhỏ, từng chi tiết vụn vặt trong đời sống vợ chồng. Chị chua chát tự hỏi, liệu sau này khi sinh con cho chồng, có khi nào anh chia đôi với chị tiền tã bỉm, tiền mua sữa cho con? Và còn bao nhiêu chặng đường khó khăn hay những bão giông cần phải trải qua, lẽ nào chị cứ như kẻ phải chìa tay nợ nần anh mãi?

Lần thứ hai chị nghĩ “chồng là người dưng” thì trong mắt đã không còn buồn nữa. Vẻ mặt bình thản ấy thực ra chỉ càng làm chị thấy mình đã mất mát quá nhiều. Đó không phải là lòng kiêu hãnh như tuổi thanh xuân mà chị có. Nó thực chất là sự bất cần, sự chai lì xúc cảm đang giết dần mòn những dịu dàng tốt đẹp trong một người phụ nữ. Chị cười chua chát nghĩ, là đàn bà kiểu gì cũng khổ. Tự nhiên lấy chồng về giữa chốn xa lạ, tưởng ngoài kia đất trời có sụp xuống thì vẫn còn một bàn tay nắm lấy tay mình. Có ai ngờ mình thành đơn độc giữa anh em, họ hàng nhà chồng. Đến cả người đầu ấp tay gối cũng đứng về phía đám đông ấy để đẩy chị vào ngõ cụt. Người ta bảo khác máu tanh lòng chẳng sai. 

Vì chưa sinh được con nên chị đành ngồi nhìn người ta giục nhau kiếm bồ, giục nhau lấy vợ hai. Những bữa cơm hiếm hoi anh trở về nhà, chị cũng quen với tiếng chồng than ngắn thở dài. Trong một cơn say nào đó chồng đã bảo, “thứ đàn bà mà không biết đẻ thì đẹp mấy cũng vứt đi”. Chị thản nhiên nhặt nhạnh từng mảnh vỡ cho mình, gom đầy trong lồng ngực đang mỗi ngày một tổn thương hơn. Chồng-vợ thực ra chỉ đến thế sao? Biết vậy ngày xưa chị sống một mình, chẳng vướng vào ngõ tối hôn nhân làm gì. Người ta bảo đàn bà sướng hay khổ phụ thuộc vào cách mình chọn người đàn ông. Lẽ nào chị đã chọn sai? Khi chọn anh, chị chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là người đàn ông ấy có thể tin tưởng được. Giờ thì biết trách ai?

Lần thứ ba chị nghĩ “chồng là người dưng” là khi ký vào tờ đơn ly hôn. Anh cuống cuồng lo lót, chạy vạy khắp nơi để căn nhà rộng lớn ấy không bị chia đôi cho chị. Chị nói, anh đâu cần mất sức đến vậy, dù cuộc hôn nhân này có làm chị khốn khổ đi nữa thì vẫn còn chút lòng kiêu hãnh cuối cùng chị dành tặng cho anh. Chị sẽ ra đi tay trắng, không đòi hỏi thứ gì, vì thứ mà chị mất thì gom cả tài sản, anh cũng không đủ trả. Cũng không có thứ luật pháp nào nhìn thấy rõ để bắt anh phải bồi thường. Anh cứ yên tâm mà sống với những tính toán chi li, những hóa đơn giờ không bàn tay nào chìa ra xin tiền trả. Chị đến với anh không vì tiền thì ra đi cũng không màng đến tiền. Chị chỉ cần bước ra khỏi ngưỡng cửa kia thôi là đã cảm ơn đời vì mình có lối thoát. Gia đình chồng chỉ bo bo lo giữ từng cái xe máy, từng chỉ vàng quà cưới mà không biết chị đã mang theo một thứ quý giá hơn tất thảy, là đứa con trong bụng chị, như một món quà của số phận.

Ngay khi biết có mặt con trong đời, chị đã nghĩ mình cần phải ra đi. Người đời có thể trách chị quá dại dột và nhẫn tâm khi tước đi của đứa con vừa mới rõ hình hài một người cha. Chỉ mình chị hiểu, cần phải kết thúc cuộc sống ngột ngạt này, kết thúc cái bóng tối hôn nhân này để con chị có được một cuộc sống sáng sủa về sau. Anh bận bịu kiếm tiền, bận bịu mưu toan nên không biết những ngày chị nghén nằm xanh xao ngó qua cửa sổ, sợ mình sẽ chết vì đuối sức mà không ai ngó đến. Anh cũng không biết chuyện chị từng bị động thai trong những tháng đầu tiên đến mức phải vào bệnh viện. Khi ấy, anh bận đi công tác, mà thực chất là đi nghỉ dưỡng với bạn bè, chị có gọi nhưng anh không nghe máy. Người lao đến bệnh viện chăm chị từng thìa cháo cuối cùng là người dưng chứ không phải chồng chị. Bây giờ, hẳn nhiên là anh còn đang bận ăn mừng vì không thất thoát đồng nào khi chị bước ra khỏi tòa. Chị lặng lẽ mang theo báu vật đời mình, thấy lòng cần dịu lại, tự dỗ dành mình hãy nguôi ngoai. Ông trời cũng đâu quá khắc nghiệt, khi sau những giông tố cuộc đời, cuối cùng vẫn trao tặng cho chị một thiên thần. Chị sẽ không oán trách anh, cũng chẳng đổ lỗi tại cuộc đời. Chỉ duy nhất một ý nghĩ cứ như một lằn roi trong tim chị. Chị giờ như chim sợ cành cong, chẳng còn dám nghĩ về một cuộc hôn nhân nào nữa…

Mong em đừng so đo, tính toán

Em ạ, cha mẹ là cha mẹ chung. Con cái ai cũng có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ như nhau chứ không thể so đo, tị nạnh. 

Em đừng nói với anh tại anh ba, chị tư, con út không lo cho má mà vợ chồng mình phải lo. Em cũng đừng cằn nhằn là mình đâu có khá giả gì mà sao lại giành lo hết cho má. Em cũng đừng so bì người có công thì kẻ phải có của vì ai cũng là con của má…

Em ạ, cha mẹ là cha mẹ chung. Con cái ai cũng có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ như nhau chứ không thể so đo, tị nạnh người ít, kẻ nhiều. Chúng mình cứ làm tròn bổn phận đối với má; còn các anh chị, các em khác họ sẽ làm theo khả năng, trách nhiệm của họ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Mình đừng trông chờ, đừng đòi hỏi những người khác phải chung tay đóng góp, phải lo cái này, cái kia cho má. Đơn giản vì bây giờ má có ăn bao nhiêu, mặc bao nhiêu đâu mà mình phải trông chờ người khác phụ giúp? Em không thấy mình lo cho hai đứa nhỏ bây giờ tốn kém, vất vả gấp nhiều lần lo cho má hay sao? Lo cho cha mẹ một chút mà đã kêu ca, tị nạnh như vậy thì có còn ý nghĩa gì đâu?

Anh biết là em bực bội vì các anh chị, các em vô tư hời hợt; thấy em chăm sóc má chu đáo thì cứ ỷ lại vào em, bỏ mặc cho em chăm lo. Có sao đâu em? Má thích ở với mình thì đó là phúc của vợ chồng mình; trong khi các anh chị, các em đâu có được điều đó? Em làm tốt như vậy thì đó cũng là tấm gương cho các con mình noi theo để sau này chúng biết cư xử với mẹ cha.

Anh biết em có vất vả hơn vì phải vừa lo cho cha con anh vừa lo cho má nên anh sẽ giúp em một tay những công việc gì mà anh làm được. Anh sẽ không la cà nhậu nhẹt sau giờ tan sở. Anh cũng sẽ tự bỏ quần áo dơ vô máy giặt, dọn mâm bàn, phụ em nấu cơm, lặt rau…

Vậy đi nghe em. Anh hứa là em thương má bao nhiêu thì anh sẽ thương em thêm bấy nhiêu…

Cứ để tình dang dở cho tình đẹp…

Suy cho cùng đàn bà chúng mình chỉ cần có một người hết lòng thương yêu thôi là đủ. Mơ mộng làm chi? Tiếc nuối cũng được gì?

Đêm cuối cùng được nằm cạnh bên nhau em thấy chị đã khóc rất nhiều. Những tiếng khóc cố kìm nén trong cơn nấc nghẹn khiến em không khỏi xót xa. Có phải người con gái nào cũng thao thức, trằn trọc, đầm đìa nước mắt trong đêm trước ngày về nhà chồng không chị? Như bao nhiêu nỗi tủi hờn cứ thế vỡ òa, giọt nào cho nỗi chia xa gia đình? Còn giọt nào cho những thương yêu ngày cũ?

Ngoài kia tiếng nhạc đám cưới vẫn vang lên, thanh niên vui hát hò tưng bừng làm xáo trộn cả con ngõ nhỏ ngày thường vốn buồn hiu hắt. Phía sau nhà được căng bạt, bật điện sáng chưng, đội nhà bếp tất bật lo chuẩn bị nguyên liệu cho cỗ cưới ngày mai. Trong lúc lòng ngập ngụa nỗi buồn chị chạy vòng từ đằng trước ra đằng sau không tìm thấy một chỗ nào vắng người để khóc. Nên đành chui vào căn buồng chật chội đang bày biện đủ thứ vật dụng cho ngày cưới để rồi tức tưởi giữa những bộn bề. Chỉ mai thôi sẽ có người đàn ông cầm hoa cưới bước vào căn phòng này đưa tay đón chị. Căn phòng này rồi chỉ còn mình em ở lại với những đêm dài rộng. Nên đêm nay lúc nghe chị dặn “Em ơi! Em ở lại nhà…” thì lòng em cũng trũng như sông…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lời dặn của chị làm em nhớ đến những câu thơ trong bài “Lỡ bước sang ngang” của nhà thơ Nguyễn Bính. Dù chẳng có gì thi vị để nghĩ về thơ lúc này đúng không chị. Vậy mà em vẫn không khỏi xót xa cho những người phụ nữ, đâu chỉ thời của Nguyễn Bính mới thở hắt ra một tiếng than dài: “Tuổi son má đỏ môi hồng/ Bước chân về đến nhà chồng là thôi”. Chị hình như cũng mang tâm trạng buồn khổ giống người con gái trong bài thơ ấy. Người đàn ông mà chị đã dành cả tuổi thanh xuân đẹp đẽ để yêu, để chờ đợi và hy vọng cuối cùng cũng không về bên chị. Bao nhiêu mộng ước bấy lâu hóa ra chỉ có mình chị xây đắp miệt mài như loài kiến thợ.

Cuối cùng thì bão giông ập đến, mình chị đâu đủ sức chống trả nổi với đời. Người ngày mai chị chính thức gọi là chồng lại không phải người chị thương yêu. Chỉ là một cái gật đầu để thấy mình có như con thuyền buông bờ giờ đã có bến đỗ thôi. Thì vậy đi, chị hãy vui với lựa chọn của mình. Em nghe nói người ta thương chị lắm. Mà có phải ai cũng lấy được người mình yêu đâu chị. Thôi thì cứ để tình dang dở cho tình đẹp. Nếu không vì chị thì cũng nên vì người đàn ông ngày mai sẽ cùng chị cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên ấy để mà gắng sống vui. Bởi suy cho cùng đàn bà chúng mình chỉ cần có một người hết lòng thương yêu thôi là đủ. Mơ mộng làm chi? Tiếc nuối cũng được gì?

Ngày mai chị đi lấy chồng, hẳn trong những dòng nước mắt khóc ướt vai em có nỗi lo dành cho bố mẹ già. Thuyền theo lái, gái theo chồng, chị cứ vun vén cơm lành canh ngọt nhà chồng, chuyện lớn bé ở nhà vẫn còn có em đây. Nhà không có anh em trai, nên suốt mười năm dài chị gánh vác gia đình cong oằn cả hai vai. Nào thì tiền nuôi các em ăn học, nào tiền thuốc thang chăm bẵm bố mẹ già. Chị không giữ cho riêng mình được thứ gì, dù là vài chỉ vàng làm vốn dắt lưng khi về nhà chồng. Chị coi như đã dành một phần đời thảo thơm báo hiếu mẹ cha thì giờ cũng nên nhẹ lòng mà cất bước. Em cũng lớn rồi mà chị, thôi hãy để em vỗ về những lo toan ấy. Chị ngủ đi chị ơi, vì thực ra đêm nay không phải một đêm dài…

Tin mới