Điều bất ngờ về cha đẻ đồng hồ mặt trời trứ danh Bạc Liêu
(Kiến Thức) - Khi bị người Pháp lôi kéo, nhà khoa học Lưu Văn Lang - người dựng chiếc đồng hồ thái dương nổi tiếng ở thành phố Bạc Liêu - đã trả lời thẳng thắn: "Tôi đã quá già để làm đầy tớ!".
Quốc Lê
Xem toàn bộ ảnh
Trong khuôn viên Trung tâm giáo dục thường xuyên TP Bạc Liêu có một hiện vật lịch sử thú vị, được nhiều du khách gần xa biết đến. Đó là một chiếc đồng hồ đá chỉ giờ bằng ánh sáng mặt trời, có tuổi đời trên dưới 100 năm.
Người đã dựng chiếc đồng hồ ở đây là ông Lưu Văn Lang (1880 – 1969), một nhà khoa học nổi danh của vùng đất Nam Bộ đầu thế kỷ 20. Xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật lịch sử này có nhiều điều khiến hậu thế bất ngờ và khâm phục.
Ngược dòng thời gian, cậu bé Lưu Văn Lang sinh ngày 5/6/1880 tại làng Tân Phú Đông, hạt Sa Đéc (nay thuộc xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình nghèo có truyền thống hiếu học. Năm lên 10, Lang bắt đầu học tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ.
Vốn có tư chất thông minh lại cần cù, Lưu Văn Lang nhanh chóng trở thành học sinh xuất sắc và giành suất học bổng đặc cách vào học trường Chasseloup-Laubat tại Sài Gòn. Năm 17 tuổi, Lang nhận học bổng tại trường École Centrale de Paris - nơi đào tạo kỹ sư lớn nhất nước Pháp.
Năm 1904, ông tốt nghiệp loại ưu bằng Kỹ sư Bá nghệ (Ingénieur des Arts et Manufactures de L’École centrale de Paris), xếp hạng 8/250 sinh viên tốt nghiệp khóa đó, trở thành kỹ sư đầu tiên ở Đông Dương là người bản xứ.
Sau khi tốt nghiệp, ông được cử ngay sang Vân Nam (Trung Quốc) để tham gia thiết kế và xây dựng tuyến đường sắt nối liền Đông Dương và Vân Nam. Năm 1909, sau khi tuyến đường sắt hoàn thành, người Pháp đưa ông về Sài Gòn làm việc trong Sở Công chánh Đông Dương.
Ngoài công việc của một viên chức, ông còn tham gia thành lập Hội Khai Trí Việt Đức ở Hà Nội và hội SAMIPIC ở Sài Gòn, giúp nhiều sinh viên nghèo học giỏi được đi du học. Từ năm 1943-1944, ông tích cực truyền bá chữ quốc ngữ tại Sài Gòn và các tỉnh.
Vừa giỏi nghề lại rất đức độ nên Lưu Văn Lang nhận được sự kính nể của các đồng nghiệp, cả người Pháp lẫn người Việt. Bấy giờ lan truyền nhiều giai thoại về “nhà bác vật Lang" như ông hiểu thấu bí mật về "Thiên cơ", biết vùng đất nào sẽ sạt lở, cầu sắt nào sẽ hư và núi nào sẽ nứt...
Không chỉ là nhà trí thức, Lưu Văn Lang còn là một nhà yêu nước. Trong cuộc Cách mạng tháng 8/1945, khi bị người Pháp lôi kéo, ông đã trả lời thẳng thắn: "Je suis trop vieux pour servir de valet!" (Tôi đã quá già để làm đầy tớ!).
Sau năm 1954, ông tích cực tham gia phong trào yêu nước, phản đối chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam và từng bị giam giữ, quản thúc. Cho đến cuối đời, ông vẫn giữ mối liên hệ với cách mạng, thường xuyên phổ biến các văn kiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở Sài Gòn.
Nhà khoa học Lưu Văn Lang qua đời tại Sài Gòn ngày 3/6/1969, hưởng thọ 88 tuổi. Ngày nay, con đường thông ra cửa Đông chợ Bến Thành ở quận 1 TP HCM mang tên ông. Thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp cũng có một ngôi trường và một con đường mang tên Lưu Văn Lang...
Mời quý độc giả xem video: Huyền thoại xe Honda 67 trên đường phố Sài Gòn - TP. HCM. Nguồn VTV24.