Điều đặc biệt về tàu cao tốc tên lửa bảo vệ biển VN
Hoàng Lê (tổng hợp)
Xem toàn bộ ảnh
Trước khi có sự xuất hiện của các tàu tên lửa hiện đại 1241RE và 1241.8, đóng vai trò chủ lực trong Hải quân Nhân dân Việt Nam là tàu cao tốc tên lửa lớp Osa II (project 205U) do Liên Xô thiết kế, sản xuất. Trong ảnh là lớp tàu Osa II mang số hiệu HQ-359 trong cuộc diễn tập hiệp đồng với không quân.
Đầu những năm 1980, Việt Nam nhận viện trợ 8 tàu tên lửa Osa II (project 205U) và trang bị cho hải quân.
Tàu tên lửa Osa II được phát triển nhằm tiêu diệt tàu chiến, tàu đổ bộ và các mục tiêu khác trên biển. Osa II có lượng giãn nước 209 tấn, dài 38,6m, thủy thủ đoàn 29 người.
Osa II có kích thước nhỏ hơn tàu 1241RE và 1241.8 nhưng hỏa lực của nó đủ sức đánh chìm chiến hạm hàng nghìn tấn. Tàu được trang bị tổ hợp tên lửa hành trình chống hạm P-15 Termit (NATO định danh là SS-N-2) với 4 ống phóng đặt ở hai bên sườn tàu. Trong ảnh là ống phóng chứa tên lửa P-15 của tàu Osa II (ảnh minh họa nước ngoài).
Đạn tên lửa P-15 Termit đạt tầm bắn tối đa 80 km, lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh nặng tới 454 kg. Tính toán trên lý thuyết, nếu phóng đủ 4 quả đạn thì tàu Osa II có khả năng tiêu diệt tuần dương hạm cỡ 16.000 tấn. Trong ảnh là tàu tên lửa Osa II phóng tên lửa P-15 Termit (ảnh minh họa nước ngoài).
Chiến thuật chiến đấu của tàu tên lửa Osa II thường là “đánh và chạy”. Sau khi phóng tên lửa thì tàu Osa II nhanh chóng tăng tốc bỏ chạy. Con tàu được trang bị 3 động cơ công suất 12.000 mã lực và 3 chân vịt cho phép nó đạt tốc độ cao 40 hải lý/h.
Nếu bị không quân đối phương phản công, Osa II dùng tổ hợp pháo 30mm đánh trả. Tàu Osa II trang bị 2 pháo phòng không bắn nhanh Ak-230 lắp pháo 2 nòng cỡ 30 mm tiêu diệt mọi mục tiêu trên không ở cự ly tối đa 4.000 m, tốc độ bắn 2.000 viên/phút (ảnh minh họa nước ngoài).
Cùng với đội tàu Gepard, 1241RE, 1241.8, tàu Osa II đang góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo Việt Nam.
Hiện các tàu tên lửa Osa II đóng trong quân cảng phía Nam.