Điều ít biết về danh nhân tuổi Sửu nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam
(VietnamDaily) - Nhân dịp đón xuân năm mới Tân Sửu 2021, xin trân trọng gửi tới quý độc giả những thông tin lý thú về các danh nhân sinh năm Sửu trong lịch sử Việt Nam.
Phùng Hưng (sinh năm 761, Tân Sửu).
Phùng Hưng quê ở làng Đường Lâm, nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ông là người đã phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đập tan ách đô hộ của nhà Đường, xây dựng nền độc lập tự chủ trong một thời gian dài.
Để tưởng nhớ công lao của danh nhân tuổi Sửu này, nhân dân đã suy tôn ông là Bố cái Đại vương.
Lê Đại Hành (sinh năm 941, Tân Sửu )
|
Nhà bia ở mộ vua Lê Đại Hành, Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. |
Lê Đại Hành có tên thật là Lê Hoàn, quê quán chưa được xác định rõ ràng. Ông là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, ở ngôi từ 980 đến 1005.
Trong sự nghiệp của mình vị vua tuổi Sửu nổi tiếng là ông vua có tài. Dưới sự chỉ huy của ông, quân dân nước Việt đã đánh bại cuộc xâm lược của quân Tống năm 981.
Lý Thường Kiệt (sinh năm 1019, Kỷ Sửu)
Lý Thường Kiệt có tên thật là Ngô Tuấn, cháu 6 đời của Ngô Quyền, người phường Thái Hoà, thành Thăng Long tức Hà Nội ngày nay.
Là vị tướng tài của nhà Lý, ông là người có công phá Tống bình Chiêm, được ban “quốc tính” (mang họ vua).
Ông được người đời cho là tác giả của “Nam Quốc Sơn Hà” - bài thơ được coi như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.
4. Trần Quang Khải (sinh năm 1241, Tân Sửu)
Trần Quang Khải là con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông, được biết đến như một nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ lớn của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), Trần Quang Khải là vị tướng chủ chốt thứ hai sau Trần Quốc Tuấn có nhiều công lao lớn trên chiến trường.
Bài thơ “Tụng giá hoàn kinh sư” được danh tướng tuổi Sửu viết sau chiến thắng Chương Dương (6/1285) là tác phẩm nổi tiếng nhất ông để lại cho hậu thế.
5. Nguyễn Trung Ngạn (sinh năm 1289, Kỷ Sửu)
Nguyễn Trung Ngạn quê ở làng Thổ Hoàng, Ân Thi, Hưng Yên. Là người nổi tiếng thần đồng, đỗ Hoàng giáp từ năm 15 tuổi, sau làm quan đến chức Hành khiển, từng được cử đi sứ nhà Nguyên.
Ông là người có công trong việc biên soạn các bộ “Hình thư”, “Hoàng triều đại điển” và là tác giả cuốn “Giới Hiên thi tập” với nhiều áng thơ văn giá trị.
6. Trần Nguyên Đán (sinh năm 1325, Ất Sửu)
Trần Nguyên Đán là chắt nội của Trần Quang Khải và là ông ngoại của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Là danh sĩ nổi tiếng, ông được coi như trụ cột cuối cùng của đời Trần.
Sau khi ông mất (1390), triều Trần ngày càng nghiêng suy yếu và chưa đầy 10 năm sau bị thay thế bởi nhà Hồ. Ông để lại cho hậu thế 51 bài thơ trong tập "Toàn Việt thi lục".
7. Lê Thái Tổ (sinh năm 1385, Ất sửu)
|
Ảnh mộ vua Lê Thái Tổ ở Cố đô Lam Kinh, Thanh Hóa. |
Lê Thái Tổ tên thật là Lê Lợi, hậu duệ của vua Lê Đại Hành, quê ở làng Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ông là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi quân Minh ra bờ cõi và sáng lập ra nhà Hậu Lê, tái thiết đất nước.
Triều đại của ông truyền nối 27 đời vua, trị vì tổng cộng 360 năm, được coi là vương triều dài nhất trong lịch sử Việt Nam.