Doanh nghiệp thép đua tích trữ hàng tồn kho nửa đầu năm 2021
(Kiến Thức) - Không chỉ riêng những ông lớn đầu ngành là Hoà Phát, Hoa Sen, nhiều doanh nghiệp thép như Nam Kim, Thép Đà Nẵng,... cũng đang tích trữ hàng tồn kho khủng.
Tồn kho thép thời điểm cuối tháng 6/2021 cao hơn đáng kể so với cuối tháng 12/2020. Các loại sản phẩm đều ghi nhận mức tăng hai chữ số, riêng thép xây dựng tăng tới 142% lên 822.000 tấn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đây là mức tồn kho bình thường để gối đầu tiêu thụ các tháng tiếp theo. Đợt cao điểm thi công thường diễn ra vào các tháng cuối năm nên lượng hàng tồn vào cuối tháng 12 thường thấp.
Ngược lại, giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm là mùa mưa nên hoạt động xây dựng bị chậm lại đáng kể, tồn kho thép vì vậy mà lên cao hơn bình thường.
Riêng năm 2021, hoạt động kinh tế gặp nhiều trắc trở vì dịch COVID-19 tái bùng phát đợt 3 và đợt 4 nên tiêu thụ thép trong tháng 6 càng xuống thấp, góp phần làm cho tồn kho thêm cao.
Nửa đầu năm, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép Hòa Phát (HPG) đạt gần 4,3 triệu tấn, tăng hơn 60%. Thép xây dựng đạt 1,8 triệu tấn, tăng 22%, thị phần số 1 với 34,6%. Sản lượng thép cuộn cán nóng đạt 1,3 triệu tấn, ống thép đạt 375.000 tấn. Sản lượng tôn mạ gần 160.000 tấn, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ.
Hàng tồn kho cũng tăng hơn gấp rưỡi lên 39.803 tỷ đồng, tương đương 25% tổng tài sản; so với cuối quý 1 thì tăng 43,6%. Trong đó, nguyên vật liệu tăng mạnh từ 11.876 tỷ đồng lên 18.765 tỷ đồng và thành phẩm tăng từ 5.509 tỷ lên 8.182 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của Hoa Sen (HSG) cũng tăng mạnh 111% so với đầu năm, lên mức hơn 11.712 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản. Trong đó, tăng chủ yếu là nguyên vật liệu lên mức hơn 5.649 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 5 lần so với đầu năm; thành phẩm cũng tăng 103%, lên mức gần 3.430 tỷ đồng.
Đại diện Hoa Sen cho biết tiêu thụ trong nước thời gian gần đây bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng tập đoàn đã ký các hợp đồng xuất khẩu với khách hàng đến hết tháng 11/2021, sản lượng xuất ngoại trung bình trên 120.000 tấn/tháng.
|
Doanh nghiệp thép tiếp tục trữ tồn kho lớn trong nửa đầu năm. |
Ngoài ra, tại Thép Nam Kim (NKG), tính đến cuối quý 2/2021, hàng tồn kho ở mức hơn 5.958 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 3.500 tỷ đồng của cuối quý 1/2021.
Trong đó, giá trị thành phẩm là 3.100 tỷ, hàng đang đi đường là 783 tỷ và nguyên vật liệu là gần 1.900 tỷ. Ngoài 81.400 tấn tôn mạ, Nam Kim còn tồn kho khoảng 7.700 tấn ống thép.
Theo Chứng khoán HSC, giá trị hàng tồn kho lên cao chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào là thép cuộn cán nóng (HRC) và giá thép thành phẩm tăng mạnh.
HSC cho biết mức tồn kho hiện tại của Nam Kim tương đương với 12,5 tuần sản xuất là khá hợp lý so với mức 15 tuần sản xuất vào thời điểm cuối quý 2/2020. Nam Kim đã ký hợp đồng kỳ hạn gối đầu với tỷ suất lợi nhuận được đảm bảo cho các đơn hàng xuất khẩu. Vì vậy theo HSC, mức hàng tồn kho tăng cao này là không đáng lo ngại.
Một doanh nghiệp thép khác là Thép Thủ Đức (TDS) ghi nhận hàng tồn kho tình đến cuối tháng 6 hơn 383 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với đầu năm, chiếm tới 66% tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu là giá trị thành phẩm ghi nhận hơn 201 tỷ và nguyên liệu, vật liệu hơn 130,4 tỷ đồng.
Thép Đà Nẵng (DNS) cũng ghi nhận hàng tồn kho ở mức gần 149 tỷ đồng, gấp rưỡi so với mức gần 99 tỷ đồng tại đầu năm.
Hay tại Thép VICASA (VCA), hưởng lợi từ việc giá thép tăng mạnh trong thời gian qua, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế quý 2/2021 gấp gần 6 lần cùng kỳ, đạt gần 29 tỷ đồng.
Đặc biệt, tính đến cuối quý 2/2021, giá trị khoản mục hàng tồn kho tại VCA đạt hơn 379 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ, cả nguyên vật liệu và thành phẩm tồn kho đều tăng mạnh.
Có thể thấy không chỉ riêng những ông lớn đầu ngành là Hoà Phát, Hoa Sen, nhiều doanh nghiệp thép như Nam Kim, Thép Đà Nẵng,... cũng đang tích trữ hàng tồn kho khủng. Tuy nhiên, chỉ số hàng tồn kho cao cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thứ nhất, đó là biến động giá nguyên vật liệu, bởi không có mặt hàng nào cứ tăng mãi mà không có điều chỉnh.
Thứ hai là quan hệ cung - cầu, khi cung vượt quá cầu sẽ dẫn tới tình trạng thừa cung, dẫn đến biến động giá. Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của bệnh dịch, nhiều nước “từ chối” nhập hàng từ Trung Quốc nên Việt Nam được hưởng lợi.
Thực tế, hàng tồn kho quá lớn sẽ khiến cho dòng vốn bị đọng lại. Doanh nghiệp chủ động tích trữ hàng do lo ngại rủi ro giá nguyên vật liệu tăng mạnh và có nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất và các đơn hàng đã ký lại là điều tốt, nhưng nếu tồn kho là vì không bán được hàng do nhu cầu mua giảm sút lại là vấn đề khác.