Xót tiền, bỏ cơm
Nhiều ngày nay, anh Nguyễn Khánh (25 tuổi, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) liên tục đến trụ sở Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ tổng hợp Ghangwa Vina (tại tòa I9, ngõ 13, Khuất Duy Tiến, Hà Nội) để hỏi rõ về ba hộp cao sâm mà mới đây bà nội anh đã mua với giá 30 triệu đồng. Tuy nhiên, theo anh Khánh cho biết, công ty này luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài, khiến anh không liên hệ được.
Hộp cao hồng sâm được bán cho các cụ với giá 9,8 triệu đồng. Ảnh: PV |
Chia sẻ với chúng tôi, anh Khánh cho hay, sau khi tham dự hội thảo của công ty Ghangwa Vina, bà nội anh là N.T.H đã giấu gia đình lấy toàn bộ 30 triệu đồng tiền tiết kiệm của bà để mua 3 hộp sâm. Khi gia đình biết chuyện, hỏi thì cụ bà 75 tuổi nói: “Giám đốc công ty đã nói rồi, chỉ cần uống hộp cao hồng sâm này là trẻ khỏe ra nhiều, không sợ bệnh tật. Tội gì mà không mua”.
Theo tìm hiểu, không riêng bà H mà rất nhiều người cao tuổi khác đến dự hội thảo cũng bỏ số tiền lớn để mua cao sâm với ý nghĩ "đầu tư cho sức khỏe".
“Mới đây, chú tôi ở bên Hàn Quốc về thăm nhà, nhìn hộp sâm chú tôi nói, dạng sản phẩm này ở Hàn Quốc bán quanh năm, nhiều như củ cải, giá chỉ 1-2 triệu đồng/hộp. Nghe vậy bà tôi xót tiền, nằm khóc, bỏ cơm mấy hôm nay. Hiện tại bà rất yếu, đang phải nằm ở nhà truyền nước”, anh Khánh cho biết.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện Ban quản lý tòa nhà I9 cho biết: “Công ty sâm Ghangwa Vina hoạt động ở đây được gần 3 tháng nay. Họ thường xuyên tổ chức hội thảo bán sản phẩm sâm cho hàng trăm cụ già trong và ngoài khu vực. Công ty này mới chuyển đi nơi khác cách đây vài ngày”.
Mỗi nơi mỗi giá, không thể chiều ai
Trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lan (62 tuổi, trú phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân), người từng tham dự nhiều buổi hội thảo mời chào sản phẩm của Công ty Ghangwa Vina cho biết, ban đầu bà cùng một số người bạn cùng khu phố được nhân viên của công ty này đến tận nhà gửi phiếu đến tham dự hội thảo miễn phí, lại còn được tặng quà.
Để được nhận quà bà phải ngồi hơn 2 tiếng nghe giới thiệu sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chủ yếu là sâm Hàn Quốc của công ty. Công ty tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần tại trụ sở. Mỗi buổi có hàng trăm người tham gia, hầu hết là người ngoài 70 tuổi.
Phần lớn trong các buổi hội thảo, người thuyết trình là giám đốc công ty, tên Trọng, là người miền Nam. Về nội dung các buổi thuyết trình, bà Lan kể: "Giám đốc tên Trọng chủ yếu nói về chăm sóc sức khỏe tuổi già và giới thiệu các loại sâm, với nhiều công dụng, phòng trị được nhiều bệnh cho người cao tuổi. Ban đầu họ bán 26 triệu/hộp cao hồng sâm sau đó giảm xuống 18 triệu/hộp rồi xuống 9,8 triệu/hộp. Ai mua sẽ được thẻ Vip và khi tham dự hội thảo sẽ được ngồi trên hàng đầu, ai không mua phải ngồi ở ghế sau. Trong các buổi hội thảo luôn có đội ngũ tư vấn viên giới thiệu, thuyết phục các cụ mua sản phẩm". Theo bà Lan, người già thường sợ bệnh tật, họ đã "đánh" trúng tâm lý này, do vậy giá sản phẩm có "cắt cổ" người ta vẫn mua. Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều cụ già đã mua cao sâm tỏ ra xót của, lo lắng, bởi Công ty Ghangwa Vina đóng cửa, không liên lạc được.
Chiều 5/2, trao đổi với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, bà Ngô Mỹ Linh, Phó chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) cho biết, cuối tháng 1/2018, đại diện UBND quận và phường đã tiến hành kiểm tra đối với Công ty Ghangwa vina. Tại buổi kiểm tra, Công ty này xuất trình được một số giấy tờ như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy công bố vệ sinh an toàn thực phẩm cho 1 số sản phẩm và phiếu biên nhận hồ sơ thực hiện chương trình giới thiệu sản phẩm và dùng thử. “Đại diện công ty là ông Nguyễn Bá Trọng đã cam kết chỉ giới thiệu sản phẩm chứ không tổ chức hội nghị bán hàng”, biên bản kiểm tra ghi rõ.
Qua trao đổi, vị Phó chủ tịch phường tỏ ra bất ngờ về việc công ty mở các buổi hội thảo sau đó bán các sản phẩm sâm với giá hàng chục triệu đồng cho những cụ già. “Chúng tôi tiếp nhận thông tin từ Báo và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, bà Ngô Mỹ Linh khẳng định.
Còn khi trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Bá Trọng, người trực tiếp giới thiệu bán hàng trong các buổi hội thảo của Công ty Ghangwa Vina cho biết, do tình hình kinh doanh không khả quan nên hiện tại Công ty đã dừng hoạt động. Bản thân ông cũng đã không còn ở Hà Nội mà đang ở TP Hồ Chí Minh.
Giải thích về việc giá sâm quá cao so với thực tế, ông Trọng cho biết làm kinh doanh thì tất nhiên phải đề cao lợi nhuận. “Mỗi nơi mỗi giá, mỗi người mỗi ý, không thể chiều lòng hết tất cả được”, ông Trọng cho hay.
Lạm dụng sâm sẽ gây hại
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch hội Đông y Hà Nội khẳng định: “Sâm chỉ là một loại thuốc bổ khí có tác dụng giúp người dùng tỉnh táo hơn ngay tại thời điểm sử dụng chứ không có tác dụng chữa bệnh. Nếu lạm dụng có khi còn có hại cho cơ thể. Các cụ già có bệnh nên đến bệnh viện thăm khám một cách khoa học để có hướng điều trị thích hợp”.