CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung vừa công bố chỉ số kinh doanh quý III/2021 với doanh thu giảm gần 78% xuống 877 tỷ đồng. Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã khiến doanh nghiệp của nữ hoàng vàng bạc phải đóng 80% số cửa hàng để thực hiện giãn cách xã hội.
Trong quý III, sau khi khấu trừ chi phí PNJ lỗ sau thuế 158 tỷ đồng, so với mức lãi 202 tỷ hồi quý III/2020.
Tính trong 9 tháng, PNJ chỉ còn lãi 576 tỷ đồng, giảm hơn 10% và chỉ thực hiện được chưa tới 47% kế hoạch năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận của bà Cao Thị Ngọc Dung tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ. PNJ mở mới thêm 14 cửa hàng PNJ Gold. Tuy nhiên, doanh nghiệp bán lẻ vàng bạc nữ trang số 1 Việt Nam đóng cửa 17 cửa hàng PNJ Silver.
Sở dĩ PNJ giữ được kết quả vẫn khá tốt tính chung trong cả 9 tháng là bởi doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh trong nửa đầu năm khi mà dịch chưa bùng phát mạnh và hệ thống các cửa hàng của PNJ mở bán bình thường. Sự tăng trưởng ấn tượng nhờ doanh thu mảng bán lẻ vàng miếng và vàng trang sức dịp Tết nguyên đán, ngày lễ Thần Tài và ngày lễ Valentine.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, chủ tịch PNJ. |
PNJ của bà Dung bước vào giai đoạn u ám nhất trong nhiều năm trở lại đây do những quy định siết chặt của Chính phủ để đối phó với làn sóng đại dịch. Hàng trăm cửa hàng đóng cửa đã ảnh hưởng mạnh đến doanh số bán hàng. Mặt khác, giãn cách xã hội, người dân không ra ngoài khiến nhu cầu trang sức cũng sụt giảm mạnh.
Tỷ trọng bán hàng online đã tăng lên. Tuy nhiên, riêng với mảng trang sức này thì hoạt động bán hàng offline vẫn rất quan trọng.
PNJ hiện cũng gặp một điểm khó là khối tiền lớn gần 400 tỷ đồng trong khoản đầu tư tại Ngân hàng DongABank (của ông Trần Phương Bình, nguyên chủ tịch và là chồng bà Cao Thị Ngọc Dung).
Tại thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongA Bank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn ngân hàng này. Bà Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ, cũng từng là Chủ tịch HĐQT DongABank giai đoạn từ năm 1992 -1997.
DongABank đã suy sụp nghiêm trọng trong một thời gian dài và ông Trần Phương Bình đã bị tuyên phạt mức án chung thân vì hậu quả nghiêm trọng gây thất thoát hơn 3.600 tỷ đồng cho ngân hàng này.
Biến động chỉ sô VN-Index. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 22/10
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu tăng trở lại sau một phiên giảm khá mạnh hôm qua. VN-Index lên trở lại sát ngưỡng 1.390 điểm.
Theo BSC, thị trường có nguy cơ để mất vùng dao động đi ngang kéo dài sang phiên thứ 8 liên tiếp dưới áp lực từ nhóm cổ phiếu bluechips. Bên cạnh đó, nhóm midcap và smallcap duy trì đà tăng cũng khiến dòng tiền có khả năng dịch chuyển khỏi nhóm bluechips, qua đó ảnh hưởng tới thị trường hoặc kiềm chế chỉ số. Kết quả kinh doanh quý III đang ở giai đoạn cao điểm, các cổ phiếu có kết quả khả quan vẫn được dòng tiền chú ý, ở phiên 21/10 nhóm cổ phiếu bất động sản và bất động sản khu công nghiệp gây chú ý với nhiều mã tăng trần.
VN-Index có ngưỡng hỗ trợ ở 1.375 điểm, trong kịch bản thận trọng, thị trường có thể kiểm định lại vùng hỗ trợ MA50 và MA100.
Theo SHS, thị trường đã có biến động mạnh trong phiên ATC với áp lực bán gia tăng khiến chỉ số VN30 giảm khá mạnh. Điều này giúp cho những nhà giao dịch nắm giữ vị thế short thu lợi trong phiên đáo hạn hợp đồng VN30F2110. Tuy nhiên, diễn biến tăng hay giảm mạnh là không quá bất ngờ trong những phiên đáo hạn. Khối ngoại bán ròng khoảng 800 tỷ đồng trên hai phiên cũng tạo nên một phần áp lực lên thị trường.
Với ba phiên giảm liên tiếp nhưng VN-Index vẫn giữ được vùng hỗ trợ trong khoảng 1.375-1.380 điểm nên khả năng để hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần 22/10 để hướng đến ngưỡng tâm lý 1.400 điểm là vẫn còn. Trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng thì có thể VN-Index sẽ cần test lại lực cầu trong vùng hỗ trợ gần nhất trong khoảng 1.375- 1.380 điểm.
Chốt phiên chiều 21/10, chỉ số VN-Index giảm 9,03 điểm xuống 1.384,77 điểm. HNX-Index tăng 0,16 điểm lên 388,45 điểm. Upcom-Index tăng 0,09 điểm lên 99,77 điểm. Thanh khoản đạt 24,8 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng.