Đồng chí Lê Đức Anh: Nhà lãnh đạo xuất sắc trong công cuộc đổi mới đất nước

(Kiến Thức) - “Có thể nói nhiệm kỳ 1991-1997 là giai đoạn Việt Nam triển khai toàn diện công cuộc đổi mới đất nước với một nỗ lực rất cao của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng”, đồng chí Lê Đức Anh khẳng định.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng Lê Đức Anh luôn thể hiện là một vị tướng tài ba, quyết đoán, đầy bản lĩnh. Trong thời bình, đồng chí Lê Đức Anh trên cương vị Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch nước và Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông cũng để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Dù đảm nhận cương vị nào, ông cũng luôn là nhà lãnh đạo xuất sắc, sáng suốt và có tầm nhìn xa trông rộng.
Trong cuốn hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh – Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” do NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật xuất bản năm 2015, đồng chí Lê Đức Anh chia sẻ nhiều kỷ niệm sâu sắc trong giai đoạn ông tham gia lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
“Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, tiến hành từ ngày 24 đến 27/6/1991, đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tôi được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương đã bầu tôi vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng.
Từ ngày 19 tháng 9 đến 8/10/1992, Quốc hội khóa IX kỳ họp thứ nhất đã bầu tôi làm Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Thị Bình làm Phó Chủ tịch nước.
Dong chi Le Duc Anh: Nha lanh dao xuat sac trong cong cuoc doi moi dat nuoc
 Chủ tịch nước Lê Đức Anh với các đại biểu dự kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 11, từ 19/9-8/10/1992, tại Hội trường Ba Đình. Ảnh: Vietnamnet.
Nếu như nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VI là thực hiện công cuộc đổi mới, thì nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VII là nhiệm kỳ triển khai công cuộc đổi mới một cách toàn diện, trọng tâm là đổi mới nền kinh tế, tập trung vào mấy việc lớn: hình thành nền kinh tế nhiều thành phần; đưa kinh tế quốc doanh ra hoạt động theo cơ chế thị trường; tìm cách mở cửa với bên ngoài. Đảng ta đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và thông qua Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với điều kiện mới. Đảng và Nhà nước dựa vào Cương lĩnh và Hiến pháp để hoạt động. Về bối cảnh quốc tế, lúc này hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới khủng hoảng, Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Việt Nam bị cắt hoàn toàn viện trợ. Trung Quốc chưa bình thường hóa quan hệ, Mỹ đang bao vây cấm vận Việt Nam.
Về công tác đối nội, đây là giai đoạn toàn Đảng, toàn dân ta triển khai công cuộc đổi mới đất nước trong hoàn cảnh thuận lợi cũng có, mà khó khăn, thách thức cũng nhiều. Bởi vậy, tôi cũng như các thành viên trong Bộ Chính trị dồn hết tâm lực cho công việc với một quyết tâm và cố gắng cao nhất, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy mọi động lực mới, khai thác mọi tiềm năng phát triển sản xuất,...
Về công tác lập pháp, Quốc hội khóa IX đã soạn thảo và thông qua nhiều văn bản pháp luật. Để thực hiện nghiêm túc và trực tiếp đóng góp vào lĩnh vực hoạt động quan trọng này của Nhà nước, tôi, trên cương vị Chủ tịch nước và đồng chíNguyễn Thị Bình, Phó Chủ tịch nước, đã tập trung nghiên cứu, góp ý kiến vào các dự án luật và pháp lệnh.
Chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong bối cảnh đất nước vừa trải qua ba cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, còn gặp nhiều khó khăn, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình". Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, thường xuyên chỉ đạo việc khắc phục hậu quả chiến tranh và thực hiện nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với cương vị và trách nhiệm của mình, tôi thường xuyên gặp gỡ trao đổi, bàn bạc với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về những chủ trương, công việc lớn mang tầm chiến lược, những việc trước mắt đang đặt ra bức thiết phải giải quyết để bảo đảm công tác an ninh - quốc phòng và công tác đối ngoại hoạt động tốt, nhằm ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh.
Trong điều kiện đời sống còn khó khăn, những người có công, nhất là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống cô đơn, nghèo khổ, Bộ Chính trị đã có chủ trương khắc phục từng bước. Ngày 10/9/1994, với cương vị Chủ tịch nước, tôi ký Lệnh số 36L/CTN, công bố Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người tham gia hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng.
Sau gần hai tháng triển khai thực hiện Pháp lệnh trên phạm vi cả nước, ngày 1/12/1994, Đảng và Nhà nước ta long trọng tổ chức lễ phong tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" đợt một tại hội trường Ba Đình lịch sử. Ngày 29/12/1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã đi bên tôi, trong cương vị người đứng đầu nhà nước, hay nói đúng hơn là lần đầu tiên trong đời tôi được đi bên các Bà mẹ Việt Nam anh hùng duyệt hàng quân danh dự trong khuôn viên của Phủ Chủ tịch. Bên hàng quân danh dự là những chiến sĩ trẻ trung và nghiêm trang, nắng Ba Đình soi rõ ánh mắt và nụ cười rạng rỡ của các bà mẹ.
Kể từ khi công bố hai pháp lệnh nói trên, đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng bảy đợt danh hiệu cao quý cho 42.803 bà mẹ. Cũng từ đây đã xuất hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", xây tặng "Nhà tình nghĩa" và nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Phong trào xây dựng "Quỹ đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với nước" trong các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đã trở thành nếp sống mang đậm tính nhân văn và truyền thống văn hóa "Uống nước nhớ nguồn" của các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Khi tôi được biết tin cả nước có 10.700 Bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện còn sống đã được các tổ chức xã hội, các cơ quan đoàn thể nhận phụng dưỡng suốt đời, tôi rất vui mừng. Trong lòng tôi vẫn mong ước làm sao để nâng mức sống của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các đối tượng có công với cách mạng ngang hàng, hoặc vượt trội so với mức sống trung bình của người dân trong cùng khu vực.
Một lần vào thị sát hai tỉnh miền Tây Nam Bộ là Kiên Giang và Cần Thơ, tôi phát hiện ở đây có nhiều người dân mất hết ruộng đất canh tác. Tôi đã gặp và hỏi những nông dân này vì sao mất ruộng, thì họ trình bày hết, rồi họ khóc. Thì ra một số cán bộ có tiền lợi dụng lúc nông dân gặp khó khăn đã mua ruộng của họ, thế là nông dân mất ruộng. Mà nông dân cả đời gắn bó với ruộng đất canh tác nhằm duy trì cuộc sống, nay ruộng không còn thì lập tức rơi vào khốn khó. Lúc đó, tôi nói với cán bộ lãnh đạo của tỉnh rằng, vấn đề cơ bản nhất đối với nông dân là vấn đề ruộng đất. Chúng ta làm cách mạng để giành chính quyền cho nhân dân, chính quyền của dân, do dân, vì dân. Nay có chính quyền rồi, đã nắm quyền rồi, một số cán bộ lại xuất hiện tư tưởng phú nông, địa chủ. Anh là cán bộ, đảng viên không chịu tu dưỡng theo bản chất giai cấp công nhân, thì khi có quyền trong tay, hoặc anh sẽ trở thành điền chủ mới, người làm thuê cho anh lại chính là những nông dân mà anh vừa tham gia cuộc cách mạng giải phóng họ, nay vì khốn khó phải bán ruộng rồi trở thành người làm thuê như đã từng phải làm thuê cho địa chủ trước đây; hoặc anh sẽ là người ích kỷ, vô cảm, coi việc người dân mất ruộng là chuyện bình thường. Tôi đề nghị với lãnh đạo tỉnh cho nông dân vay tiền và bằng nhiều cách giúp họ chuộc lại đất. Hôm đó, ông Tám Quýt, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, một người trong kháng chiến đã chiến đấu rất dũng cảm, nói: "Tôi sống sát dân mà không hiểu dân!".
Tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa IX, tháng 9/1997, tôi báo cáo: Chúng ta đã tự khẳng định mình bằng những thành tựu đạt được trong 5 năm qua - những năm đầy sóng gió. Song, chúng ta còn những khuyết điểm nội tại có chiều hướng gia tăng, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ trở thành nguy cơ. Bốn nguy cơ của cách mạng nước ta đã được Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng chỉ rõ: 1. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, 2. Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; 3. Nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; 4. Âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Bao trùm lên tận bốn nguy cơ đó là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân đang có chiều hướng phát triển, biểu hiện muôn hình muôn vẻ trong các doanh nghiệp, cơ quan của Đảng và Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó"1. Vì vậy, chúng ta phải có biện pháp để đẩy lùi và loại trừ chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, trong các doanh nghiệp nhà nước thì mới đẩy lùi được mọi nguy cơ, mới hoàn thành được sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu chúng ta không loại trừ được chủ nghĩa cá nhân và không khắc phục được bốn nguy cơ mà để chúng biến thành hiện thực trong Đảng, trong bộ máy nhà nước thì hậu quả thật khó lường.
Trong lịch sử chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Đảng ta, đã có nhiều truyền thống quý báu, mà một trong những truyền thống đó là sự kế thừa. Chúng ta thường nói Đại hội VI là mốc son của công cuộc đổi mới đất nước. Nhưng ý tưởng này đã xuất hiện từ Đại hội IV, tới Đại hội V thì rõ dần ra, tới trước Đại hội VI, tình thế, điều kiện về mọi mặt đã chín muồi cho việc Đảng, Nhà nước ta quyết định chủ trương đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước và công khai mở ra năm thành phần kinh tế. Việc điều chỉnh về chiến lược quân sự và quốc phòng, giảm hơn một nửa số quân thường trực, giảm ngân sách quốc phòng như thế là những quyết định lớn, những việc lớn lắm. Chúng ta cần khẳng định rằng chính thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong suốt hơn 20 năm cũng là cơ sở cho công cuộc đổi mới đất nước ngày hôm nay, tuy rằng mô hình đó của chủ nghĩa xã hội còn có những khuyết tật cần sửa chữa, đổi mới.
Chính đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn là người đầu tiên phát hiện ra "vấn đề của nông dân": 5% ruộng đất giao cho hộ gia đình thì người ta làm ra 50% thu nhập, còn 95% ruộng đất giao cho hợp tác xã thì chỉ làm ra khoảng 50% thu nhập. Như vậy, nông dân làm ruộng không có động lực, cần phải tạo ra động lực cho bà con nông dân. Lịch sử về đổi mới trong nông nghiệp đã minh chứng: bắt đầu từ tư duy "khoán hộ" của anh Kim Ngọc, 15 năm sau thì xuất hiện "khoán chui", "khoán sản" của Hải Phòng đã làm cơ sở cho Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (tháng l-1981) và Nghị quyết "khoán 10" (tháng 4-1988) của Bộ Chính trị khóa VI. Lúc này, sức sản xuất thực sự được giải phóng, sản xuất bung ra. Nếu như trước đó, khi đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đề ra chỉ tiêu 21 triệu tấn lương thực, nhiều người hoài nghi, thì đến thời điểm này chúng ta không những đã giải quyết được cơ bản về lương thực, bảo đảm an ninh lương thực, mà còn có gạo xuất khẩu.
Nhiệm kỳ Đại hội IV và V, Bộ Chính trị đã chủ trương tập trung đầu tư cho một số công trình trọng điểm như: thủy điện Hòa Bình, nhiệt điện Phả Lại, xi măng Hoàng Thạch, thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long, khai thác dầu khí, v.v.. Về dầu khí, lúc đó, bị lôi kéo vào chiến dịch cấm vận, các Công ty kinh doanh dầu khí của một số nước đang hợp tác với ta liền chịu bồi thường để hủy bỏ hợp đồng và rút lui, Đảng và Nhà nước ta quyết định mời Liên Xô vào hợp tác, liên doanh, thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi. Ngày 19-6-1981, tại điện Klemlin, Hiệp định về việc Liên Xô giúp Việt Nam thăm dò và khai thác dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam và thành lập Xí nghiệp liên doanh Việt - Xô được ký kết. Và, Việt - Xô Petro trở thành mốc son lịch sử ra đời của ngành dầu khí Việt Nam.
Công cuộc đổi mới đất nước hôm nay đã và đang thành công là do ta kế thừa những thành quả của các nhiệm kỳ Đại hội Đảng trước và nhờ có cơ sở nền tảng của những công trình mà thế hệ lãnh đạo trước đã lo một bước.
Ở nhiệm kỳ mà chúng tôi được đảm trách các vị trí chủ trì, chúng tôi đã thường xuyên giải quyết tốt mối quan hệ giữa tập trung sức mạnh, trí tuệ của tập thể với việc phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và vai trò, phẩm chất, năng lực của từng cá nhân. Cá nhân cán bộ, đảng viên có trách nhiệm rất cao với tập thể, với đất nước thì mới có những đóng góp hiệu quả vào công việc của dân của nước. Bất cứ tập thể nào cũng phải có một người đứng đầu điều hành. Trong đó nếu ai đó lại xen lợi ích cá nhân vào thì sẽ hỏng cho cả tập thể và hỏng cả việc điều hành. Bởi vậy, tập thể tốt hay xấu trước hết là do cá nhân đứng đầu.
Muốn đạt được những thành tựu đổi mới, phải thực hiện dân chủ. Dân chủ là vấn đề then chốt, là động lực của cách mạng. Thực tế cho thấy, nhiều giải pháp mang tầm vĩ mô đã được nhân dân phát hiện, kiến nghị và được áp dụng có hiệu quả to lớn. Điều quan trọng là phải biết phát huy nội lực, dựa vào dân động viên nhân dân bằng lợi ích để tạo ra những tiềm năng mới và đó cũng là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong"2.
Về đường lối đối ngoại, Đảng ta đề ra chủ trương Việt Nam muốn là bạn của tất cả các quốc gia, các dân tộc trên thế giới cùng phấn đấu vì hòa bình độc lập, hữu nghị và phát triển, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Ta ký Hiệp định chính thức quan hệ bình thường giữa Việt Nam và Trung Quốc (tháng 11-1991), đồng thời xúc tiến việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Bộ Chính trị giao cho lãnh đạo của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng lo việc này.
Anh Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói với tôi:
- Anh có cách gì hay thì anh làm bước mở đầu.
Tôi đồng ý và chọn con đường tiếp cận từ khoa học.
Tôi chọn ngành y học và cử anh Nguyễn Huy Phan (Thiếu tướng, bác sĩ Viện Quân y 108, giáo sư đầu ngành y học phẫu thuật chỉnh hình) làm "người mở đầu". Khi đi dự hội nghị khoa học quốc tế ở Paris, anh Phan đã trình bày công trình "phẫu thuật chỉnh hình" của mình, được các nhà khoa học đánh giá cao. Tại hội nghị, các nhà khoa học Mỹ đã có lời mời Giáo sư Nguyễn Huy Phan sang thăm Mỹ. Trước khi đi, tôi dặn anh Phan:
- Sang đó, anh làm tốt việc trao đổi về khoa học với các nhà khoa học Mỹ là đã phục vụ nhân dân, phục vụ chính trị rồi.
- Tôi sẽ thực hiện lời Chủ tịch căn dặn và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ - Anh Nguyễn Huy Phan xúc động nói.
Đoàn của anh Phan sang Mỹ. Khi trao đổi về nghiệp vụ, các nhà khoa học phẫu thuật của Mỹ hỏi ta về việc họ muốn làm một điều gì đó cho Việt Nam. Ta mời họ sang tham gia phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em bị khuyết tật môi, hở hàm ếch. Họ đồng ý và cử đoàn bác sĩ "Phẫu thuật nụ cười" sang ta.
Sau đó, Chính phủ quyết định đưa anh Phan lên làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ để làm "cầu nối" liên lạc. Sau này, công việc thành công, nhưng ít người biết được thời điểm đó cũng rất căng thẳng. Bởi vì những ý tưởng, chủ trương này phải giữ bí mật. Anh Phan được cử đi thực thi nhiệm vụ mở quan hệ với một nước đế quốc vừa gây chiến tranh xâm lược nước ta, thì bị mọi người và nhất là cấp trên trực tiếp gán cho tội "thỏa hiệp, đầu hàng địch". Vì cấp trên trực tiếp của anh không được phổ biến, quán triệt. Khi tôi bị xuất huyết não (năm 1997) nằm cấp cứu tại Viện Quân y 108, anh Phan vào thăm tôi, thấy tôi nằm bất động, anh khóc: "Thủ trưởng ơi, hãy sống lại đi. Chỉ có Thủ trưởng sống lại thì mới minh oan cho tôi!...".
Khi tôi khỏe trở lại, công việc đã thành công, tôi đã đề nghị khôi phục mọi quyền lợi chính trị cho anh Nguyễn Huy Phan và anh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Sau bước mở đầu thành công bằng con đường khoa học, bước tiếp theo là ta tiến hành việc tạo thuận lợi cho phía Mỹ trở lại Việt Nam tìm người Mỹ mất tích và hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh. Tôi thấy rằng phía Mỹ đặc biệt quan tâm đến vấn đề người Mỹ mất tích trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương nên ngay từ những năm cuối thập niên 1970, sau khi cuộc chiến tranh vừa kết thúc, sang thập niên 1980, họ đã lần lượt cử người sang Việt Nam để đặt vấn đề và đối thoại với ta nhằm giải quyết vấn đề này. Từ đầu năm 1987, có nhiều chuyến thăm Việt Nam của các đoàn Mỹ. Từ tháng 8-1987, năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Reagan (Rigân) và những năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Bush (Busơ cha) đã bắt đầu cử đoàn cao cấp - Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ do tướng (về hưu) Vessey, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ dẫn đầu đã lần lượt đến Việt Nam.
Các cuộc trao đổi, tiếp xúc Việt - Mỹ ở giai đoạn này thực chất là tiếp xúc ngoại giao song phương giữa Việt Nam và Mỹ. Có thể nói ở tất cả các cuộc tiếp xúc giai đoạn đầu, phía Mỹ cứ muốn áp đặt việc giải quyết hai vấn đề lớn: Một là, vấn đề chính trị ở Campuchia. Hai là, vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích và hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh (gọi tắt là POW/MIA). Họ coi đây là hai vấn đề tiên quyết để xóa bao vây cấm vận và bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Về vấn đề Campuchia, ở đây có hai yếu tố, thứ nhất là, nhân dân Campuchia đã thoát khỏi họa diệt chủng và việc của Campuchia do chính quyền Campuchia giải quyết. Thứ hai là, nền kinh tế - xã hội của Campuchia đã thực sự hồi sinh, hệ thống chính trị của bạn đã vững. Việt Nam đã rút hết quân tình nguyện và đoàn chuyên gia về nước. Bởi vậy, đến giai đoạn sau thì phía Mỹ đã đồng ý và tự giác gạt bỏ "vấn đề Campuchia" ra khỏi "điều kiện tiên quyết" của việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Về vấn đề POW/MIA, mặc dầu lúc đầu phía Mỹ khăng khăng xem đây là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ; nhưng trước sau như một, ta vẫn khẳng định đây là vấn đề nhân đạo, thuần túy nhân đạo không gắn với chính trị.
Khi Tổng thống Mỹ đưa ra "bản lộ trình" (ngày 9/4/1991) gắn các bước bình thường hóa quan hệ với Việt Nam với việc đạt được tiến bộ trong vấn đề POW/MIA và vấn đề Campuchia, thì dịp này, một số phần tử xấu ở Mỹ tung ra bức ảnh giả về cái gọi là "ba phi công Mỹ còn sống đang bị giam cầm tại Việt Nam". Bức ảnh đã kích động mạnh dư luận về vấn đề POW/MIA tại Mỹ. Ngày 2-8-1991, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật (S.Res.82) thành lập ủy ban đặc biệt về vấn đề POW/MIA để làm sáng tỏ vấn đề còn tù binh Mỹ sống và bị giam cầm ở Việt Nam không (gọi tắt là vấn đề POW) và ở Việt Nam, Lào còn kho hài cốt lính Mỹ không. Ngày 20/4/1992, ủy ban này cử phái đoàn đầu tiên sang Việt Nam, đưa ra đề nghị năm điểm. Từ ngày 16 đến 21/11/1992, Ủy ban này lại cử tiếp đoàn thứ hai do Thượng nghị sĩ John Kerry (Giôn Keri) dẫn đầu sang Việt Nam.
Ngày 18 tháng 11, với cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi đã tiếp đoàn. Tôi khẳng định một lần nữa chính sách nhất quán của Việt Nam coi vấn đề POW/MIA là vấn đề thuần túy nhân đạo. Việt Nam đã và sẽ tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ thực hiện các thỏa thuận giữa hai chính phủ và mong hai bên tích cực hợp tác giải quyết sớm vấn đề này. Trong buổi tiếp, Thượng nghị sĩ John Kerry đã trao cho tôi bức thư của Tổng thống Mỹ George Bush, trong thư đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong thời gian qua, bày tỏ mong muốn đẩy mạnh sự hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới và khẳng định cam kết của Chính phủ Mỹ thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Ông John Kerry bày tỏ mong muốn được vào thăm Thành cổ Hà Nội và công trình ngầm dưới lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đã chấp thuận và dẫn ông đi. Khi trở về Mỹ, ông ta đã khẳng định nguồn tin có ba phi công Mỹ còn sống đang bị giam giữ và kho hài cốt lính Mỹ chỉ là chuyện bịa đặt với dụng ý xấu làm lung lạc dư luận Mỹ và phá hoại, ngăn cản tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Sau đó, phía Mỹ đã tự giác bỏ vấn đề "POW" (tù binh) trong các cuộc tiếp xúc và các văn bản trao đổi song phương. Đồng thời, Mỹ mở văn phòng tại Hà Nội liên quan đến vấn đề MIA, thành lập Lực lượng đặc nhiệm tìm kiếm hỗn hợp về MIA.
Ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bia Clinton (Bin Clintơn) tuyên bố: không ngăn cản Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho Việt Nam vay tiền để đầu tư phát triển kinh tế và tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam.
Ngày 12/7/1995, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và mở văn phòng liên lạc tại Washington và Hà Nội. Tháng 11 cùng năm thì lập Tổng lãnh sự quán của hai nước tại thành phố San Francisco và Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VII của Đảng ta, ở năm đầu nhiệm kỳ (năm 1991) ta đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, đến nửa cuối nhiệm kỳ (năm 1995), ta đã thiết lập quan hệ với Mỹ. Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN. Đồng thời, Việt Nam có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới và hầu hết các nước đều thực hiện quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi với Việt Nam.
Được sự nhất trí của Bộ Chính trị, với tư cách Chủ tịch nước, tôi tiếp xúc, hội đàm với một số nguyên thủ quốc gia khi đến thăm Việt Nam; đồng thời, cũng thực hiện nhiều chuyến thăm hữu nghị một số nước. Tôi đã thông báo những kết quả ban đầu về đổi mới kinh tế của Việt Nam những năm đầu thập niên 1990.
Tôi còn nhở, trong bài diễn văn của mình tại Hội nghị cấp cao lần thứ 11 Phong trào Không liên kết ngày 19/10/1995 tại Colombo (Côlômbô), tôi đã nhấn mạnh:
Hội nghị cấp cao lần thứ 11 của Phong trào Không liên kết chúng ta họp vào thời điểm trọng đại của lịch sử. Năm nay toàn thế giới kỷ niệm lần thứ 50 ngày kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, với lòng biết ơn sâu sắc đối với các dân tộc, các lực lượng đã chiến thắng chủ nghĩa phát xít và mở ra kỷ nguyên mới của nhân loại. Nửa thế kỷ qua, trên 100 nước đã giành được độc lập và thế giới đã trải qua những thay đổi hết sức sâu rộng. Để đưa các dân tộc chúng ta vượt qua nghèo nàn lạc hậu, theo chúng tôi, trước hết và quan trọng nhất, phải nêu cao ý chí độc lập, tự cường và phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết hợp tác của chính chúng ta để có hoà bình và ổn định bền vững. Tôi khẩn thiết kêu gọi Phong trào Không liên kết hãy làm hết sức mình để giúp đỡ các dân tộc anh em sớm chấm dứt chiến tranh, giữ vững độc lập, khôi phục hòa bình, phát triển đất nước...
Nhận lời mời của Tổng thống Pháp F. Mitterrand (Ph. Míttơrăng), từ ngày 7 đến 12/5/1995, tôi sang Cộng hòa Pháp dự lễ kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng phát xít. Đúng 9 giờ 45 phút ngày 8-5-1995, tôi cùng với trên 50 vị nguyên thủ quốc gia, thủ tướng và trưởng đoàn của 80 nước tham dự lễ kỷ niệm tại quảng trường Khải hoàn môn. Chúng tôi thật xúc động khi chứng kiến, tại Khải hoàn môn, quốc kỳ Việt Nam được trang trọng kéo lên phấp phới tung bay rực rỡ cùng với quốc kỳ của các nước.
Trong lời phát biểu tại cuộc gặp với Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, tôi nhấn mạnh: Hai Đảng chúng ta có mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống. Mối quan hệ đó được các đồng chí: Hồ Chí Minh, Pon Vayang Cutuyarie (Pôn Vayăng Cutuyriê), Marcel Cachin (Mácxen Casanh), Maurice Thorez (Môrítxơ Tôrê) và nhiều đồng chí lão thành cách mạng khác của hai Đảng dày công vun đắp ngay từ những ngày đầu khi Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Những người cộng sản và nhân dân Việt Nam khâm phục tinh thần bất khuất kiên cường, sự hy sinh to lớn của những người cộng sản Pháp trong cuộc chiến đấu chống sự chiếm đóng của quân đội phát xít, góp phần to lớn vào việc giải phóng nước Pháp và đánh bại chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ sự ủng hộ to lớn, nhiệt tình của Đảng Cộng sản và nhân dân lao động Pháp đối với nhân dân Việt Nằm trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc của nhân dân Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, cùng với việc phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, chúng tôi hết sức tranh thủ những kinh nghiệm lý luận và thực tiễn của các nước, của các đảng trên thế giới, trong đó có kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Pháp...
Tại bữa cơm thân mật do Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Pháp mời riêng Chủ tịch nước Việt Nam và phu nhân, khi ông Chủ tịch Thượng viện hỏi chân tình là Việt Nam có cần gì không, thì tôi trả lời: "Chúng tôi cần tình hữu nghị!".
Đồng chí R. Hue, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp phát biểu, đã ca ngợi những thành tựu to lớn về các mặt của nhân dân ta; khẳng định Đảng Cộng sản Pháp sẽ làm hết sức mình để tăng cường quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng, mong muốn hai Đảng đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực như kinh tế, khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời thúc đẩy Chính phủ Pháp mở rộng hợp tác với Việt Nam.
Từ ngày 22 đến 24/10/1995, với tư cách là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi tham dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Niu Oóc), Mỹ.
Tổ chức Liên hợp quốc lúc đó có 185 nước và Liên hợp quốc là cộng đồng đông dân cư nhất. Ở trụ sở có 185 phái đoàn và các đại sứ đứng đầu mỗi đoàn. Ta có quan hệ với 167 nước.
Tôi vinh dự trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam tham dự một hội nghị đa phương mang tính toàn cầu. Đoàn Chủ tịch của Việt Nam tham dự Lễ kỷ niệm với vị thế quốc tế mới được nâng cao do giành được độc lập và chính sách đối nội, đối ngoại hợp tình hợp lý của ta, mà thành tựu nổi bật nhất gần đây là việc Trung Quốc và Mỹ bình thườnghóa quan hệ với ta, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN và ta vừa ký Hiệp định khung về hợp tác với Liên minh châu Âu (EU). Điều đó đã thể hiện trước toàn thế giới chính sách nhất quán của ta: Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, các dân tộc và nỗ lực đóng góp vào các vấn đề quốc tế chung của Liên hợp quốc.
Trong bài diễn văn của mình đọc trước Đại hội đồng Liên hợp quốc sáng 23/10/1995, tôi còn nhớ:
Mùa thu này, cùng với kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc, các dân tộc trên thế giới đồng thời trọng thể kỷ niệm 50 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít... Từ những kinh nghiệm mất mát của hai cuộc chiến tranh thế giới, các quốc gia Liên hợp quốc chúng ta đã long trọng cam kết "Quyết tâm cứu vãn các thế hệ tương lai khỏi các thảm họa chiến tranh". Hiến chương khẳng định mục tiêu của Liên hợp quốc là duy trì hòa bình an ninh quốc tế và phát triển quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia...
Lần đầu tiên trong lịch sử Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên của đại gia đình Liên hợp quốc đã họp mặt ở cấp đại diện cao nhất. Tại dịp kỷ niệm trọng thể này, chúng ta cùng nhau thông qua một Cương lĩnh hành động của Liên hợp quốc để đoàn kết phấn đấu vì một thế giới tốt đẹp hơn. Tôi mong rằng, trên thế giới xây dựng một tương lai không còn hận thù mà chỉ còn hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc và các quốc gia. Vì một thế giới tốt đẹp hơn và một Liên hợp quốc xứng đáng với sự trông đợi của nhân dân thế giới, chúng ta một lần nữa khẳng định các nguyên tắc tiến bộ của Hiến chương về hòa bình, độc lập chủ quyền, bình đẳng giữa các dân tộc và thúc đẩy các quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia. Đó là kim chỉ nam cho hành động của tổ chức chúng ta trong kỷ nguyên mới.
Tôi thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam trao tặng Liên hợp quốc phiên bản Trống đồng Đông Sơn và họ đã đặt ở vị trí trang trọng tại trụ sở của Liên hợp quốc. Trống đồng Việt Nam, biểu tượng của văn hóa Việt Nam có mặt tại trụ sở Liên hợp quốc có ý nghĩa đặc biệt. Trong tôi bỗng trào dâng niềm xúc động với ý thức lớn lao rằng: Biết bao mồ hôi, xương máu của đồng bào và chiến sĩ đã đổ ra suốt những năm chiến tranh giải phóng đất nước, vượt qua biết bao gian nan, thử thách ở chặng đường đầu tiên của sự nghiệp đổi mới đất nước vừa qua mới có được ngày hôm nay. Dân tộc Việt Nam từ bùn đen nô lệ, từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, nay đã sánh ngang hàng với các quốc gia và dân tộc trên thế giới.
Trong các cuộc hội đàm, các nước rất quan tâm đến những thông tin mà tôi đã thông báo về những kết quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước tính đến năm 1996, như: trong sáu năm liên tiếp kể từ năm 1991, GDP tăng với mức trung bình hằng năm là 8,5%, riêng năm 1996 tăng 9,46%. Từ nước thiếu lương thực, được nhân dân thế giới viện trợ nhân đạo, nay ta đã đủ ăn và có gạo hàng hóa xuất khẩu. Lạm phát từ 774% năm 1986 giảm xuống còn 4,5% năm 1996. Nền kinh tế thị trường nhiều thành phần hình thành và đang phát huy hiệu quả. Tổng kim ngạch xuất nhập nhẩu tăng từ 5,1 tỷ USD năm 1990 lên 18 tỷ USD năm 1996 (năm 1996, xuất khẩu tăng 32%). Từ khi ban hành Luật đầu tư nước ngoài (năm 1987) tới nay, Việt Nam đã thu hút được trên 28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Tháng 10-1996, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật đầu tư nước ngoài sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư. Bộ máy quản lý nhà nước hoạt động có hiệu quả, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; sự nghiệp giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; an ninh - quốc phòng và ổn định chính trị được giữ vững là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế. Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và có những điều kiện cần thiết để bước vào thời kỳ phát triển mới - thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là kết quả của đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nỗ lực to lớn và sáng tạo của nhân dân Việt Nam.
Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 164 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và trung tâm chính trị, kinh tế hàng đầu của thế giới; có quan hệ thương mại với hơn 100 nước và vùng lãnh thổ; quan hệ đầu tư trực tiếp với hơn 50 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang tích cực tham gia Khu vực tự do thương mại ASEAN (AFTA), chuẩn bị tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu á - Thái Bình Dương (APEC) và chuẩn bị cho việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Có thể nói nhiệm kỳ 1991-1997 là giai đoạn Việt Nam triển khai toàn diện công cuộc đổi mới đất nước với một nỗ lực rất cao của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, riêng về công tác đối ngoại, chúng ta đã thực hiện và triển khai một cách vừa thận trọng, nghiêm túc, vừa tích cực chính sách đối ngoại rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa. Những hoạt động đối ngoại nói trên đã thu được những kết quả rất quan trọng. Ta đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn đất nước và con người Việt Nam, hiểu rõ và ghi nhận chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào nội bộ của nhau và cùng có lợi. Kết quả hoạt động tích cực của công tác đối ngoại cùng với những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới ở giai đoạn này đã thực sự nâng tầm vị trí của nước ta trên trường quốc tế. Và từ đó, ta đã tranh thủ sự giúp đỡ, khai thác được thế mạnh của từng quốc gia, từng tổ chức quốc tế vào công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước. Câu khẩu hiệu, đồng thời cũng là chủ trương của Đảng ta: "Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và các dân tộc trên thế giới" đã trở thành hiện thực. Trước đây, Đảng ta đã từng huy động sức mạnh đoàn kết quốc tế kết hợp chặt chẽ với phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh to lớn để chiến thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước, thì ngày nay, với đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng, chúng ta cũng đã và đang phát huy sự kết hợp một cách khoa học giữa nội lực của toàn Đảng, toàn dân với việc phát triển tình hữu nghị và hợp tác quốc tế, tạo nên sức mạnh mới cho sự nghiệp cách mạng xây dựng và phát triển đất nước ở giai đoạn mới.
Chúng ta mãi mãi nhớ ơn nhân dân thế giới, bầu bạn xa gần đã và đang ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giành và giữ độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta mãi mãi là người bạn chân thành của cộng đồng các dân tộc sống trên hành tinh tươi đẹp này. Sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhất định thắng lợi vẻ vang.
Từ năm 1998, tôi cùng với hai đồng chí Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Với trách nhiệm của mình, tôi cùng các đồng chí cố vấn tích cực tham gia góp ý kiến với Đảng và Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề quan trọng về sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội IX, khi bàn về xây dựng đảng cũng có nhiều ý kiến khác nhau, tôi đề nghị Điều lệ Đảng và bản chất của Đảng thì giữ nguyên như trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc". Tôi tin tưởng Đảng ta luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất liền, vùng trời, vùng biển Tổ quốc.
Nghỉ việc nước, về với cuộc sống đời thường, tôi rất vui khi thấy đất nước ngày một đổi thay trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. Đời sống nhân dân ngày càng ổn định, mức sống được nâng lên”.
Bài viết được trích dẫn trong chương 11 cuốn hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh – Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” – NXB Chính trị Quốc gia (2015). Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt.

Đại tướng Lê Đức Anh: Ký ức tuổi thơ và những ngày đầu tham gia cách mạng

(Kiến Thức) - Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà quân sự, chính trị xuất sắc. Cuộc đời hoạt động của ông đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh sinh ngày 1/2/1920, bí danh Sáu Nam. Ông quê ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến cuộc sống lầm than cơ cực của người dân dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sớm nung nấu tinh thần đấu tranh cách mạng và tích cực tham gia hoạt động trong Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế; tổ chức và phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh ngay từ khi còn rất trẻ.
Cuốn hồi ký "Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản đã phác thảo đầy đủ, sâu đậm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông. Cuốn sách do Đại tá Nguyễn Trọng Dinh thể hiện và được viết ra từ những ký ức của Đại tướng, vì vậy mọi câu chuyện, mọi nhân vật, mọi sự kiện lịch sử được phản ánh một cách sinh động qua nhãn quan của người trong cuộc.

Chân dung 14 Đại tướng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam

(Kiến Thức) - Đại tướng là cấp quân hàm sĩ quan quân đội cao cấp nhất trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong lịch sử hơn 70 năm quân đội ta đã có 14 người được phong quân hàm Đại tướng, trong đó có Nguyên Chủ tịch nước – Đại tướng Lê Đức Anh. 

Chan dung 14 Dai tuong trong Quan doi Nhan dan Viet Nam
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013). Năm thụ phong: 1948. Quê quán: Quảng Bình. Bí danh: Văn, Sáu. Chức vụ cao nhất: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chức vụ cao nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính trị. Danh hiệu khác: Người anh cả của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Đại tướng đầu tiên của QĐNDVN, Huân chương Sao vàng. 

Tin mới