Xem toàn bộ ảnh
Theo tạp chí khoa học Popular Mechanics, tính đến tháng 2/2018, 41 tàu sân bay các loại đang hoạt động trong hải quân 10 nước trên thế giới. Trong đó, Hải quân Mỹ có nhiều tàu sân bay nhất, gồm 10 siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz, 1 siêu tàu sân bay lớp Ford, 9 tàu đổ bộ tấn công hoạt động như tàu sân bay. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz có chiều dài 333 m, chiều rộng lớn nhất 77 m, lượng choán nước 105.000 tấn. Tàu có thể mang theo 90 máy bay các loại và cần đến gần 6.000 người để vận hành. Nimitz là cỗ máy chiến tranh lớn nhất mà con người từng chế tạo. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
USS Gerald R.Ford (CVN-78), lớp Ford là siêu hàng không mẫu hạm thế hệ tiếp theo của Mỹ. Tàu có chiều dài 337 m, chiều rộng lớn nhất 78 m, lượng choán nước 100.000 tấn. Siêu tàu sân bay lớp Ford được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến lần đầu áp dụng cho tàu sân bay, gồm máy phóng điện từ, radar băng tần kép, thang máy thế hệ mới. Tàu sân bay lớp Ford sẽ là trụ cột sức mạnh của Hải quân Mỹ trong tương lai. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Tàu sân bay Type-001A của Trung Quốc mới hạ thủy tháng 4/2017. Tàu có chiều dài 315 m, chiều rộng lớn nhất 75 m, lượng choán nước toàn tải 70.000 tấn. Type-001A là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc được chế tạo dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh mua lại từ Ukraine. Tàu sân bay này đang được thử nghiệm và dự định đưa vào sử dụng từ năm 2020. Ảnh: SCMP. |
Tàu sân bay lớp Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh, có chiều dài 284 m, chiều rộng lớn nhất 39 m, lượng choán nước toàn tải 65.000 tấn. Tàu được chế tạo để sử dụng tiêm kích tàng hình phiên bản F-35B. Queen Elizabeth có thể mang theo khoảng 40 máy bay các loại. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh. |
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc có chiều dài 305 m, chiều rộng lớn nhất 75 m, lượng choán nước toàn tải 55.000 tấn. Liêu Ninh vốn là tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô chưa hoàn thành. Nó được mua lại từ Ukraine vào năm 1998. Nhà máy đóng tàu Đại Liên đã tân trang lại tàu và đưa vào sử dụng từ năm 2012. Liêu Ninh có thể mang theo khoảng 40 máy bay các loại. Ảnh: Sputnik. |
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga có chiều dài 305 m, chiều rộng lớn nhất 72 m, lượng choán nước toàn tải 55.000 tấn. Tàu có thiết kế đường băng kiểu "nhảy cầu" nên không thể triển khai hoạt động máy bay cánh cố định tải trọng lớn. Kuznetsov có thể mang theo khoảng 30-50 máy bay các loại. Tiêm kích trên hạm chủ lực của tàu là MiG-29K. Ảnh: Flickr. |
Tàu sân bay INS Vikramaditya (R33) của Ấn Độ có chiều dài 283 m, chiều rộng lớn nhất 60 m, lượng choán nước toàn tải 45.400 tấn. Tàu được hoán cải từ tuần dương hạm Baku của Hải quân Liên Xô trước đây. Nó có thể mang theo 36 máy bay các loại, gồm 26 tiêm kích trên hạm MiG-29K và 10 trực thăng Ka-31, Ka-28. Ảnh: Jeff Head. |
Tàu sân ba Charles de Gaulle của Pháp có chiều dài 262 m, chiều rộng lớn nhất 65 m, lượng choán nước toàn tải 42.500 tấn. Đây là lớp tàu sân bay hạt nhân thứ 2 trên thế giới. Tàu có kích thước khá khiêm tốn so với các tàu sân bay của Mỹ, Nga hay Trung Quốc nhưng được trang bị máy phóng thủy lực nên có thể triển khai hoạt động máy bay tải trọng lớn. Tàu có thể mang theo 28-40 máy bay các loại. Ảnh: Flickr. |
Tàu sân bay Cavour của Italy có chiều dài 244 m, chiều rộng lớn nhất 39 m, lượng choán nước toàn tải 39.000 tấn. Tàu có thiết kế đường băng kiểu "nhảy cầu" có thể triển khai hoạt động các tiêm kích AV-8B Harrier. Tương lai, Hải quân Italy sẽ thay thế Harrier bằng tiêm kích tàng hình F-35B. Ảnh: Flickr. |
Hải quân Mỹ còn có 9 tàu đổ bộ tấn công có thể hoạt động như một tàu sân bay hạng trung. Mỗi tàu có chiều dài 257 m, chiều rộng 32 m, lượng choán nước 44.000 tấn. Tàu có thể mang theo máy bay AV-8B Harrier, trực thăng CH-53, trực thăng tấn công AH-1Z Viper, một số tàu đã được nâng cấp để trang bị F-35B. Ảnh: Hải quân Mỹ. |