Dòng sữa của mẹ

Đó là cái hạnh phúc của mình là khi mẹ còn sống, còn lắng nghe hơi thở.

Dòng sữa của mẹ
Chính ngày hôm nay, lòng biết ơn của tôi dành cho mẹ thật nhiều, thật nhiều, nhiều lắm…!
“Ngàn đóa hồng thơm con kính dâng lên người, mẹ hiền.
Vu lan lại về xao xuyến tận đáy lòng chúng con
Một nhành hoa đơn sơ thay cho ngàn câu nói
Lòng trẻ chúng con luôn biết ơn mẹ hiền”

Lòng hiếu thảo của Ngài đã được nhắc nhở, truyền tụng cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, mà bây giờ vẫn còn mãi, và có lẽ sẽ mãi mãi mà thôi. Bởi hình ảnh hiếu hạnh cao đẹp như vậy, nên người Phật tử nào cũng đều ít nhiều nghĩ về Vu Lan trong mùa tháng bảy. Và hễ nghĩ về Vu Lan hẳn phải nghĩ về Mẹ. Nghĩ về Mẹ để được uống lại mật ngọt tình thương; nghĩ về Mẹ để được no đầy dòng sữa thương cảm.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

"Dấu chấm" như những giọt cam lồ hay dòng sữa ngọt ngào của mẹ và bất kì ai sinh ra trên đời đều cần đến từng giọt tình thương đó. Dấu chấm ấy không bao giờ vắt cạn khô, bầy trẻ thơ ngây có thể tận hưởng nguồn suối mát ấy cho tới khi khôn lớn, như món quà có bấy nhiêu mẹ cũng dành cho cuộc đời và sự sống!

Tình Mẹ là một thứ tình thương thật bình thường, mộc mạc không khó hiểu, sâu xa, khúc mắc. Vì tất cả mọi người ai cũng có Mẹ. Ai cũng thấy Mẹ mỗi ngày có gì đâu là lạ. Nhưng có một điều không phải bình thường dễ hiểu là mỗi người chỉ có mỗi một Mẹ mà thôi! Nếu chẳng may có gì xảy ra với Mẹ, thì không ai có thể thay thế cho Mẹ được, cho dù có đi hết cả vòng trái đất để tìm.

Do vậy tình thương Mẹ nghe thật đơn sơ nhưng không đơn sơ, nghe thật bình thường nhưng không bình thường, mà phải nói tình thương về Mẹ là huyền diệu, cao cả nhất trên thế gian này.

Trong Kinh Tương Ưng Bộ, đức Phật có nhắc nhở, dạy cho các vị Tỳ Kheo về công lao to lớn của Mẹ, ví qua những hình ảnh không thể nghĩ bàn: "Này các Tỳ Kheo, sữa Mẹ mà các thầy đã uống trong suốt quá trình cuộc sống luân hồi nhiều hơn nước trong đại dương".

“Mẹ hiền ơi! Bao năm an vui bên Mẹ
Nay Mẹ đã già, đàn con cũng đều khôn lớn
Xin nhớ mãi trong tim những lời ru thiết tha của Mẹ
khắc ghi trong cuộc đời ơn Mẹ biển trời mênh mông”

Có lúc con phải thốt lên “Chắp đôi tay lại để viết nên những dòng chảy của tình yêu bên Mẹ! Thời gian sẽ qua đi nhưng Bóng Mẹ thân thương ấy, sẽ ẩn hiện trong mỗi tâm thức bình an cùng đi bên đời của con. Con lại nhìn thấy Mẹ một lần nữa trên mỗi con đường, trên đóa hoa hồng thắm tinh khôi.

Ðã biết về Mẹ, nhưng còn tình Cha thì sao? Tình Cha cũng lại vô cùng. Có ai mất Cha mà đã không buồn khóc chăng? Có ai đã dằn được xúc động khi bất chợt thoáng nhìn nét nhăn lo lắng hằn trên mặt của Cha vì buồn lo cho vợ con chăng? Và có ai lại không sung sướng khi được Cha xoa đầu thương nựng chăng?

"Công Cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chãy ra ..." Vậy thì tình Mẹ càng sâu thì tình Cha càng rộng. Nhắc đến hai đấng sanh thành đức Phật lại dạy thêm, theo Kinh Tăng Chi:

"Này các Tỳ Kheo, Như Lai nói có hai hạng người khó thể trả ơn được là Mẹ và Cha. Này các Tỳ Kheo nếu để Cha Mẹ trên đôi vai suốt cả năm, đấm bóp, thoa xức, tắm rữa và dù Cha Mẹ có phóng uế trên người cũng không nhòm gớm, làm như vậy cũng chưa gọi là đền ơn tròn đủ..."

Và đã sinh ra giữa lòng cuộc đời, thì bất cứ ai cũng có một mái nhà, nơi đó luôn hiện hữu một tình thương chân thật, không điều kiện. Người mẹ nuôi con không biết đong đếm thời gian. Cứ mỗi lần ở xa về hay đi học về, con luôn nhìn vào gương mặt hiền thục, đầy ấm áp của mẹ thật lâu. Con thường trân quý sự có mặt của mẹ ở trong căn nhà, trong từng phút giây. Đây cũng là cách con đón lấy tình thương của mẹ một cách sâu sắc hơn, như có một câu nói “Mẹ là cánh cửa tình thương bất tận”. Con cũng luôn nhớ về một làng quê bạt ngàn lúa chín, mùi thơm của cát trắng mà bao tháng ngày mẹ luôn chắc chiu nuôi dưỡng cho con nên người.

Lại có thêm về một định nghĩa “Em bé, trẻ nhỏ thương Mẹ, yêu Mẹ đã đành, mà người lớn, trưởng thành cũng thương Mẹ không kém em bé. Em nhỏ thương Mẹ để được gần Mẹ đòi quà, đòi bánh. Người lớn thương Mẹ, gần Mẹ để được ngắm, được nhìn. Tình thương của em nhỏ bộc lộ rõ ràng. Tình thương của người lớn đối với Mẹ thì âm thầm, sâu kín. Em nhỏ giận Mẹ thì khóc. Người lớn giận Mẹ bỏ đi. Nhưng em nhỏ sẽ không khóc mãi và người lớn cũng phải quay về thăm Mẹ”.

Đó là cái hạnh phúc của mình là khi Mẹ còn sống, còn lắng nghe hơi thở. Chính ngày hôm nay, lòng biết ơn của tôi dành cho Mẹ thật nhiều, thật nhiều, nhiều lắm…! Một chén trà hay giọt mưa thơm, khi tôi biết ngồi yên để ngắm vầng mây trắng bay ngang và dáng Mẹ ẩn tàng trong ánh nắng bình minh. Xin giây phút đẹp nhất, vẫn là Mẹ đang hiện hữu như cánh sen thoang thoảng giữa đồng nội quê nhà.

Thích Pháp Bảo

(Bài có sử dụng tư liệu từ kinh Vu Lan, Tình Mẹ của Hòa thượng Hộ Giác, Học viện Buddhadhama xb, tr 83).

Báo hiếu cha mẹ theo Phật dạy

Mùa Vu lan là mùa báo hiếu nhắc nhở người đệ tử Phật đền đáp bốn ơn, trong đó có công ơn của đấng sanh thành dưỡng dục.

Báo hiếu cha mẹ theo Phật dạy
Đức Phật dạy tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Lời dạy ấy đã nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của tâm hiếu, hạnh hiếu trên bước đường tu; nhưng thực hiện tâm hiếu, hạnh hiếu như thế nào cho đúng Chánh pháp để cha mẹ và ta đều được lợi lạc.
Rồi sẽ có một ngày ta khóc mẹ, khi áo mình màu trắng được cài lên. Ảnh minh họa.
Rồi sẽ có một ngày ta khóc mẹ, khi áo mình màu trắng được cài lên. Ảnh minh họa. 

Khi cha mẹ còn tại thế, chúng ta săn sóc, cung phụng đầy đủ những nhu cầu vật chất trong cuộc sống thường nhật. Bên cạnh việc chăm sóc về tiện nghi vật chất, tình thương yêu, lo lắng phát xuất tự đáy lòng của người con hiếu thảo mới thực sự là ngọn lửa sưởi ấm lòng cha mẹ, làm cho cha mẹ an vui trong những tháng ngày còn lại. Vì thực tế, có những gia đình giàu có, cha mẹ nào có thiếu đồ ăn, thức uống; nhưng các cụ hòa cơm với nước mắt, nuốt buồn phiền, đắng cay hàng ngày.

Món ngon vật lạ kèm theo tình cảm lạnh nhạt, hắt hủi của đứa con bất hiếu, có lẽ nếu đánh đổi lấy cuộc sống đạm bạc, nhưng tràn đầy tình thương hiếu thảo, thì bất cứ ai cũng sẵn sàng. Chúng ta cũng từng thấy không ít gia đình khó khăn vật chất, mà cuộc sống đơn sơ của họ vẫn ấm áp tình người, rực sáng hạnh phúc, nhờ ở lòng hiếu thảo và việc làm hiếu đễ của con cái dành trọn vẹn cho cha mẹ, ông bà.

Chăm sóc, thương yêu cha mẹ là điều quý, cần thiết. Nhưng thực hiện tinh thần Phật dạy, làm cho cha mẹ kết duyên với Phật pháp, kính tin Tam bảo, mới thực sự quan trọng và là cách báo hiếu có lợi ích lớn lao, dài lâu cho cha mẹ ta. Thông thường, có người thương cha mẹ, sẵn sàng đáp ứng những gì các cụ muốn, kể cả không từ chối làm các việc ác. Tạo ác nghiệp để có tiền của lo cho cha mẹ, thì càng lo bao nhiêu, càng làm cho cha mẹ tăng trưởng lòng tham, nuôi lớn niệm ác bấy nhiêu. Và đến lúc không đáp ứng nổi đòi hỏi, vì phước báo của ta có giới hạn, mà nghiệp của cha mẹ quá lớn, nên làm họ bực hơn nữa, để rồi chất chứa buồn phiền, khổ đau.

Sống khổ, chết đọa là điều tất yếu, vì ác nghiệp sẽ dẫn thần thức tái sanh vô ba đường ác. Cách báo hiếu như vậy hoàn toàn sai lầm.

Báo hiếu theo Phật dạy, chúng ta tìm cách tác động cho cha mẹ kính tín Tam bảo và phát tâm sống theo Chánh pháp. Nhờ tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp, buồn phiền của họ tạm lắng yên, tâm hồn nhẹ nhàng an vui, vì chúng ta biết rõ pháp Phật có công năng rửa sạch phiền não trần lao. Khi đã hướng tâm về Tam bảo, vui được với pháp, với bạn đạo, với cảnh chùa, giúp họ nhận ra những việc làm cần thiết cho quãng đời còn lại, trước khi từ bỏ huyễn thân. Từ đó, ý thức cái vô thường sắp đến, phải lo chuẩn bị hành trang đi về thế giới khác, nên không còn đòi hỏi, ham muốn nhiều, không còn bực bội, khó khăn với con cái.

Nói cách khác, khi cha mẹ phát tâm tu, khắc phục được nghiệp, không buồn phiền, than vãn, thì phước lạc tăng trưởng, tâm hồn vui tươi, chẳng mong cầu mà cuộc sống vẫn dư dả. Sống cuộc đời đạo đức, tâm hồn thanh thản, thì khi nhắm mắt lìa đời, họ có thể sanh về thế giới an lành.

Khi cha mẹ mãn phần, chúng ta báo hiếu bằng cách chuẩn bị vấn đề tái sanh. Thân tứ đại không còn, nên chúng ta chỉ quan tâm đến tinh thần, tức nhắm vô Thức uẩn của họ. Chúng ta dẫn dắt thần thức hay ý niệm của cha mẹ hướng về điều thánh thiện, đó là điều kiện để đưa họ tái sanh vào thế giới an lành. Theo Phật dạy, khi sanh tiền nếu tạo nhiều ác nghiệp, lúc chết, chưa sanh được về thế giới lành, còn hiện hữu ở dạng trung ấm thân.

Tượng Bồ-tát Địa Tạng tại chùa Huê Nghiêm (Q.2). Ảnh: Bảo Toàn.
Tượng Bồ-tát Địa Tạng tại chùa Huê Nghiêm (Q.2). Ảnh: Bảo Toàn. 

Trong bốn mươi chín ngày, chúng ta phải dốc lòng chuyên tâm tụng kinh, lễ sám, bố thí, cúng dường, làm các việc phước thiện để cầu nguyện cho hương linh. Dùng tâm an tịnh trong pháp và tâm hoan hỷ với việc thiện để nghĩ tưởng đến hương linh, gợi nhắc họ nhớ đến việc thiện mà họ đã làm trong đời, nhớ lại pháp Phật quý báu, cùng cảnh giới an vui giải thoát. Thần thức nghĩ nhớ được như vậy, chắc chắn sẽ tái sanh về cõi thiện.

Đặc biệt là chúng ta cúng dường các bậc cao tăng, nhờ các ngài chú nguyện để trợ lực, hồi hướng công đức cho trung ấm thân của người quá cố. Nương nơi thần lực gia trì phát xuất từ tâm thanh tịnh và đức độ của các ngài, trung ấm thân dễ xả bỏ được nghiệp ác hơn và vãng sanh về thế giới tốt đẹp. Trái lại, không làm điều thiện hồi hướng cho cha mẹ, mà lại sát sanh hại vật để cúng tế, chẳng lợi ích gì vì tốn kém, nhưng cha mẹ không hưởng được, còn phải gánh thêm ác nghiệp.

Ngoài ra, Đức Phật còn dạy, ngay như đối với cha mẹ quá vãng bảy đời bị đọa vào ba đường ác hay đã sanh lại chốn nhân thiên, việc làm lành, làm phước của chúng ta hồi hướng cho họ vẫn tạo kết quả lợi lạc. Vì trong vô hình, sự liên hệ về tình cảm sâu đậm của ta dồn vào việc thiện để cầu nguyện cho người thân chẳng khác gì hệ nối mạng sẽ tác động đến tâm người thân đã tái sanh, khiến họ cũng hướng về thế giới thiện, thoát khỏi kiếp lầm than.

Tóm lại, mùa Vu lan báo hiếu đã đến, hình ảnh thân thương của cha mẹ, ông bà ngày nào như sống dậy mãnh liệt trong tâm trí những người con hiếu thảo. Người có phước duyên còn được cha mẹ bên cạnh, hãy giữ gìn, chăm sóc tâm hiếu, hạnh hiếu cho đúng pháp Phật dạy để tạo dựng một gia đình phước lạc, đầm ấm. Những người không còn được chở che trong tình thương vô giá của cha mẹ, hãy nỗ lực tu hành, tạo thật nhiều công đức, phước thiện để hồi hướng đến cha mẹ, mới mong cứu vớt họ khỏi chốn tam đồ, hoặc gieo trồng thêm căn lành, phước thiện cho họ ở chốn nhân thiên.

Đối với hàng đệ tử thâm tín Tam bảo, chỉ có con đường duy nhất là tu hành, đắc đạo, mới có khả năng mang lại cuộc sống an vui, giải thoát vĩnh hằng bất tử cho ta, cho người thân và cho tất cả chúng sanh.

HT.Thích Trí Quảng

Thuyết luân hồi

Đức Phật thấy được những nẻo đường của chúng sanh đến và đi nên Ngài mới nói “Thuyết luân hồi”.

Thuyết luân hồi
Tất cả chúng ta hiện giờ có mặt ở đây không phải chỉ một lần, mà là vô số lần rồi. Con người bỏ thân này chưa phải là hết, mà còn lang thang không biết đến bao giờ. Vì vậy nhà Phật thường dùng từ “lang thang trong kiếp luân hồi”, cứ đi mãi không biết dừng nơi đâu? Đức Phật thấy được những nẻo đường của chúng sanh đến và đi nên Ngài mới nói “Thuyết luân hồi”.
Thuyết luân hồi nói lên lẽ thực của kiếp người, Đức Phật nhớ rất rõ, thấy rất thật mà nói lại cho chúng ta chứ không phải Ngài tưởng tượng ra - Ảnh minh họa.
Thuyết luân hồi nói lên lẽ thực của kiếp người, Đức Phật nhớ rất rõ,
thấy rất thật mà nói lại cho chúng ta chứ không phải Ngài tưởng tượng ra - Ảnh minh họa. 

Luân hồi là gì? Luân là bánh xe, hồi là lăn tròn. Luân hồi đi đâu? Không ngoài ba đường ác và ba đường lành, cứ lên xuống quay tròn như vậy hoài, gọi là luân hồi. Nếu người làm điều tốt khi chết sẽ đi các đường trên. Hưởng hết phước rồi thì tuột xuống trở lại, còn kẻ làm xấu thì đọa vào các đường dưới, đền trả hết nghiệp mới được trồi lên. Lên xuống, lên xuống không ra khỏi vòng lục đạo nên gọi là bánh xe luân hồi. Đó là nói luân hồi trong các đường.

Khi chúng ta đã biết thuyết luân hồi trong ba đường lành, ba đường dữ rồi, bây giờ phải làm sao? Phải chọn ba đường lành mà đi, tối thiểu cũng phải đi lại đường cũ của mình, là làm người. Ai khá hơn thì vươn lên trên cõi trời. Muốn trở lại cõi người, Phật dạy phải thọ Tam quy, giữ năm giới. Năm điều kiện đó là Nhân thừa Phật giáo, tức tu để được làm người. Đó là điều căn bản mà chúng ta phải nhớ.

Nghiệp là một luật rất công bằng cho tất cả mọi loài, mình tạo thì mình hưởng. Làm phước được phước, làm tội chịu tội. Nếu làm trọn mười điều ác thì đi thẳng xuống địa ngục, không nghi ngờ. Khá khá hơn không tới mười điều, nhưng nặng về tham thì sanh vào loài quỷ đói. Ngạ quỷ sống lang thang trong cõi thế gian, tuổi thọ rất lâu phải chịu đói khát ghê lắm, nên kiếp ngạ quỷ cũng hết sức khổ. Kế đến súc sanh, trong mười điều ác làm chừng năm điều là đủ làm súc sanh rồi. Súc sanh nặng về si nên không biết phân biệt gì hết, không có tư cách như con người.

Ai bắt mình đi trong sáu đường? Nghiệp bắt. Nghiệp do ai tạo? Không ai có quyền áp đặt ta, tự ta quyết định, tự ta chọn lựa mà thôi. Không phải ta có tội Phật đày xuống dưới địa ngục hay có phước Phật đưa lên cõi trời. Như hiện giờ chúng ta có mặt trên thế gian này, có người khá giả có kẻ nghèo nàn, cơ cực là do ai? Đổ thừa trời khiến được không. Sự thực tại người không có phước nên tính đâu trật đấy, làm gì cũng thất bại nên nghèo. Còn người có phước tính đâu trúng đó nên giàu. Đó là do phước nghiệp riêng của mỗi người tạo ra, chớ không phải ai đem đến cho mình.

Đời hiện tại của chúng ta có hai điều quan trọng. Thứ nhất là trả nợ hoặc hưởng phước của quá khứ. Nhiều người sanh ra là con ông lớn hoặc nhà giàu, đó là hưởng phước. Nhiều người sanh đã mồ côi hoặc cha mẹ nghèo khổ bần cùng, hung dữ, độc ác… đó là trả nợ. Thứ hai là chuẩn bị cho đời sau. Thành ra ta có chuyển nghiệp là chuyển ngay đời hiện tại, cho nên đời hiện tại rất quan trọng. Nếu cuộc sống này mình được nhiều thuận lợi thì nên chuẩn bị cho mai kia, đừng để tuột xuống. Nếu cuộc sống này bất như ý mình cũng cười, vì biết tại hồi xưa mình ngu nên bây giờ phải chịu thôi. Bây giờ đền lại cái ngu hồi xưa nên cam chịu không giận ai, không kêu trời trách đất. Cố gắng làm sao tạo duyên tốt để hiện đời an vui phần nào và mai sau được tốt đẹp hơn.

Người hiểu được thuyết luân hồi của Phật dạy thì cuộc sống nội tâm vững vàng, nghèo không trách, giàu không tự cao. Bởi biết bây giờ ta hưởng mà không làm tốt nữa thì mai kia tuột xuống sẽ khổ. Hoặc hiện giờ mình bị những đày đọa thì vui vẻ chấp nhận, sửa lại đừng để tuột xuống nữa mà phải nâng lên. Như vậy là tu. Biết rõ lý luân hồi tự nhiên ta tạo cho mình con đường đi lên, không có tâm oán hờn thù ghét ai hết.

Thế gian thường có bệnh, mình nghèo mà ai giàu thì thấy ghét người ta. Mình học dở thấy người học giỏi thì ganh tỵ. Đó là tật xấu, tự mình chuốc nghiệp mà thôi. Trong kinh Phật nói, từ khi phát tâm tu cho tới thành Phật, trải qua ba vô số kiếp làm tất cả các việc công đức mới thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Như vậy sự tích lũy rõ ràng không mất, tích lũy tốt thì quả nối tiếp tốt, tích lũy xấu thì quả nối tiếp xấu.

Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh mình ra khổ. Hoặc cha mẹ không có tài nên mình bây giờ phải thua sút người ta. Mà không biết chính mình thọ nhận quả báo đời trước đã tạo nên mới sanh vào gia đình tương ưng như thế. Cha mẹ chỉ là phần phụ thôi, gốc là bản thân mình. Như vậy thuyết luân hồi nói lên lẽ thực của kiếp người. Đức Phật đã thấy, đã nhớ rõ ràng nên nói ra cho chúng ta biết, chớ không phải do Ngài tự tưởng tượng. Ngày nay mình nghe hơi khó tin. Bởi vì chúng ta nhìn nông cạn quá nên không tin được.

Khi biết rõ kiếp luân hồi như vậy, ai can đảm tạo thêm những nghiệp ác để chịu khổ hơn? Cho nên chúng ta phải tinh tấn làm những điều lành. Nếu không làm cho ai, ít ra ta cũng giữ được phần mình, đừng phạm những giới đưa ta đi xuống. Đó là tu. Đức Phật thấy rõ sự nguy hiểm của luật nhân quả luân hồi nên chỉ cho mình đường lối tu, chớ không phải áp đặt mình làm gì. Khi quy y thọ năm giới, quý thầy hỏi Phật tử “giữ được không?”, quý vị giữ được thì nói “dạ được”, còn nếu giữ chưa được thì làm thinh, chớ Phật đâu có ép. Vì giữ giới là giữ cho mình, không phải giữ cho Phật.

Đi sâu vào tâm lý mỗi người, chúng ta sẽ thấy mình đã từng quen thuộc, ưa thích với những việc làm của thuở quá khứ. Ví dụ như bản thân tôi, tại sao lại thích tu? Người đời lớn lên lo chuyện làm ăn hoặc gì gì đó, tại sao mình không thích những chuyện ấy mà lại thích đi tu? Như vậy là từ đời quá khứ ta đã tích lũy hạt giống đó rồi, nên bây giờ có mặt đây luôn nhớ việc ấy. Rõ ràng chúng ta không quên hết nhân quá khứ, nhân nào chứa sâu đậm sẽ trở thành sở thích, việc làm của mình trong đời này.

 

Có người ra đời thích làm lành, có người ra đời lại hung dữ. Mỗi người thích mỗi cách, đó là do sự tích lũy của quá khứ khác nhau. Quý Phật tử kiểm lại xem, nếu do gien cha mẹ sanh ra là yếu tố duy nhất tạo thành những đứa con sau này, thì cha mẹ bệnh tật gì con cũng phải bệnh tật y hệt như thế. Rồi tâm hồn của con do cái gì tạo?

Có nhiều cha mẹ rất hiền nhưng con không hiền. Hoặc ngược lại cha mẹ dữ mà con lại hiền. Những sự khác biệt đó, nhà Phật gọi là nghiệp tích lũy của quá khứ, chúng ta mang theo khi thọ sanh. Những gì mình đã chứa chấp đời trước, bây giờ nó hiện ra rõ ràng. Như hai anh em ruột, thể xác giống chút chút mà tâm hồn không giống nhau. Như vậy mới thấy mỗi người sanh ra mang một nghiệp khác nhau, từ đó có những sai biệt khác nhau.

Thế thì muốn trên đường luân hồi mình đi đường tốt, không đi đường xấu phải làm sao? Thấy người đáng ghét ta nên xử sự thế nào? Nên nghĩ rằng họ có làm gì hại mình mà ghét. Ghét người như vậy là ta đã có ý nghĩ xấu rồi. Nếu tiếp tục nuôi dưỡng ý nghĩ này, sanh chuyện nói này nói kia với người ta là cái cớ để tạo thêm nghiệp. Nếu mọi người đều biết tu như vậy thì gia đình, xã hội đẹp biết bao nhiêu.

Muốn biết có luân hồi hay không, chúng ta cứ nghiệm trong tâm niệm của mình sẽ rõ. Cha mẹ sanh thân được mà không thể sanh tâm niệm của mình. Có tâm niệm rất lành, có tâm niệm rất dữ. Như vậy tâm niệm đó từ đâu ra? Chính do sự tích lũy của đời trước, không nghi ngờ gì hết. Tích lũy tức là những gì đời trước mình đã từng làm từng huân tập. Đời này trở lại những thứ tích lũy đó không mất. Trong kiếp luân hồi chúng ta theo nghiệp mình đã tích lũy, chất chứa mà hiện ra thành tâm hồn cá biệt của mỗi người.

Nên nói đến luân hồi chúng ta đừng thèm suy ngẫm gì hết, cứ nhìn lại nội tâm mình thì biết ngay. Tại sao người đó chưa quen thuộc gì hết mà mình thấy dễ thương, hoặc kẻ kia cũng chẳng quen thuộc gì hết mà mình thấy phát ghét. Đâu có trả lời được. Tại vì chúng ta không nhớ nổi, nên nói không biết tại sao kỳ vậy. Thật ra do nghiệp tích lũy của quá khứ chiêu cảm nên.

Trên đời này ai không có những người thân, những kẻ thù. Có thân, có thù gặp lại nhau là khổ. Người thân thì mình thương, người thù thì mình ghét. Nhiều người nói tại sao anh chị có duyên quá, xin cái gì cũng được. Còn tôi vô duyên xin cái gì cũng không ai cho. Chẳng qua hồi trước mình hất hủi thiên hạ quá, bây giờ tới phiên người ta hất hủi lại mình. Bình đẳng thôi.

Như vậy mình tạo nghiệp lành, nghiệp dữ không đợi đời sau mới trả quả mà ngay hiện tại cũng ứng hiện quả báo phần nào. Người Phật tử cần phải nắm vững thuyết luân hồi để chọn con đường lành mà đi, không khéo rơi vào các đường dữ, chịu khổ nhiều kiếp, không biết bao giờ mới ra khỏi. Lẽ thực này, chúng ta không thể không biết.

Gặp lại ni cô Huyền Trang trong “Biệt động Sài Gòn“

Đã trên 30 năm nhưng tình cờ gặp ni sư Huyền Trang dạo cảnh, lạy Phật trong chùa, nhiều người vẫn nhận ra bà.

Gặp lại ni cô Huyền Trang trong “Biệt động Sài Gòn“
Phim Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân công chiếu vào những năm 1980 được khán giả náo nức xem. Vì thời điểm ấy có ti vi trắng đen là cả gia tài nên nơi nào mở thì cả xóm bâu lại xem. Theo trí nhớ của nhiều người, vào những ngày tết của những năm 1983 - 1986, lũ trẻ không đi chơi do ghiền phim Biệt động Sài Gòn được phát sóng liên tục trong 7 ngày tết. Lúc đó, khán giả rất ấn tượng với nhân vật ni cô Huyền Trang do Thanh Loan diễn. Một phần do Thanh Loan quá đẹp, một phần do ni cô làm biệt động thật phi thường. Phim gồm 4 tập và ở tập kết Trả lại tên cho em khán giả tiếc ngẩn ngơ vì ni cô Huyền Trang đã hy sinh trong trận đánh.

Tin mới