Đột nhập đường dây buôn bán hổ trái phép từ Lào về VN

Nhóm PV đã tìm sang Lào, thâm nhập vào đường dây buôn hổ, các trang trại nuôi nhốt, trung chuyển hổ về Việt Nam qua các cửa khẩu ở Hà Tĩnh.

Kỳ 1: Buôn bán hổ vùng biên
Theo đánh giá của một số tổ chức bảo tồn quốc tế, Việt Nam và Trung Quốc là một trong những thị trường nóng về buôn bán hổ trái phép.
Để đáp ứng nhu cầu có thật, các đường dây buôn bán hàng cấm vươn dài qua Lào, Campuchia, Thái Lan, tới tận Myanmar để nhập hổ lậu vào Việt Nam.
Dot nhap duong day buon ban ho trai phep tu Lao ve VN
Một con hổ chuẩn bị được đưa vào nồi cao (Ảnh tư liệu). 
Phần lớn các trường hợp hổ bị tịch thu tại Việt Nam đều buôn lậu từ nước ngoài như Lào và Thái Lan, nơi còn hổ tự nhiên và có nhiều trang trại nuôi nhốt.
Ngày trước, ở các tỉnh như Thà Khẹt, Phôn Xa Văn, Bô Ly Khăm Xay… hổ được rao bán một cách công khai. Sau này, khi nhiều động vật quý hiếm của Lào đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, Cục kiểm lâm trung ương Lào mới siết chặt quản lý. Tuy nhiên, Lào vẫn là trạm trung chuyển quan trọng để các đường dây tuồn hổ từ Thái Lan, Myanmar và một số nước khác vào Việt Nam.
Cứ có tiền là mua được hổ
Theo lời H, một tay buôn sắt thép cỡ bự bên Lào ở Nghệ An tiết lộ, việc vận chuyển hổ hầu như chỉ gặp trở ngại khi vượt qua cửa khẩu, thường là đi qua đường tiểu ngạch. Chỉ có xui xẻo bị kiểm tra gắt gao mới lộ. Với hàng ngàn mưu mô chước quỷ, các thương lái vẫn đưa những con hổ tội nghiệp vượt qua cửa khẩu ngon lành.
8 năm trước, khi làm ăn trên đất Lào, H. vẫn thỉnh thoảng đánh một vài chuyến “hàng con” về Việt Nam. “Hàng con” là tiếng lóng chỉ việc buôn bán động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có hổ. Khi đã hòm hòm vốn liếng, H. chuyến sang buôn sắt thép và vật liệu xây dựng cho an toàn.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề thiết lập một đường dây buôn hổ ra Hà Nội, H. nói thẳng sẽ tìm cách kết nối. Chỉ cần đầu ra ổn định và đặt cọc tiền hàng thì muốn mua bao nhiêu cũng có.
Lào cũng là điểm trung chuyển lớn để vận chuyển hổ vào Việt Nam. Hổ được đưa qua đường biên thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Điện Biên, Sơn La. Địa phận Hà Tĩnh vẫn luôn là một trong những khu vực nóng bỏng nhất. Cách cửa khẩu Cầu Treo 30km là thị Trấn Lạc Xao, thuộc tỉnh Bô Ly Khăm Xay, được mệnh danh là một trong những địa điểm tập kết hàng lậu sôi động nhất ở Lào trước khi vận chuyển vào Việt Nam.
Nhóm PV VTC News đã thâm nhập vùng biên Hà Tĩnh, lần tìm theo những “điểm nóng” về buôn bán động vật hoang dã ở đây…
Dot nhap duong day buon ban ho trai phep tu Lao ve VN-Hinh-2
Nạn buôn bán hổ trái phép đã khiến loài vật này có nguy cơ tuyệt chủng (Ảnh tư liệu). 
Đêm khuya, trời mưa rả rích, ở một khách sạn thuộc thị trấn Phố Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh), thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng xe máy rít ga phóng điên cuồng. Lặng lẽ quan sát, đó là những tốp 4-5 xe chạy tốc độ rất cao. Người điều khiển xe đội mũ bảo hiểm, bịt khăn trùm kín mặt, phía sau là những thùng hàng lớn.
Chị bán hàng ở góc đường chia sẻ, đó là những đối tượng vận chuyển hàng lậu, và trong người chúng luôn có vũ khí đề phòng nếu bị truy đuổi. Trong những tốp đi như vậy, việc có “hàng con” hay không rất khó để xác minh, nhưng gần như chắc chắn đêm nào cũng có. Một đêm sẽ có vài tốp xe không chở gì, nhưng cứ chạy như ma đuổi để làm “chim lợn”. Hoặc có tốp chỉ 1 xe chở hàng, còn những xe khác đi cảnh giới… Chúng dùng kế “nghi binh”, gây khó dễ cho các lực lượng chức năng.
Thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là trung tâm của Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo. Ở khu vực này có những chủ hàng có “máu mặt” trong giới buôn bán động vật hoang dã, và đều có mối liên hệ trực tiếp bên đất Lạc Xao (Lào).
Nguồn tin riêng khẳng định, ở Lạc Xao có một trang trại nuôi hổ khá lớn, phần nổi là để “bảo tồn”, nhưng phần chìm trong tảng băng đó là việc hợp pháp hóa các đường dây tuồn hổ tự nhiên từ Thái Lan, Myanmar, và các nước khác về đó tập kết, trước khi vận chuyển vào Việt Nam.
Nhóm PV đã tìm sang tận Lạc Xao để thâm nhập vào các đường dây buôn bán hổ trái phép vào Việt Nam.
Thâm nhập trại hổ
Sau 2 ngày đặt chân đến Lạc Xao (Lào), khi đã thông thuộc địa bàn, bắt quen được với những đầu mối có thể kết nối với những đường dây buôn động vật hoang dã, chúng tôi bắt đầu đi tìm trang trại hổ, nơi được cho là điểm tập kết hàng trước khi tuồn sang Việt Nam.
Qua những nguồn tin riêng, từ cuối năm 2016, trại hổ này được xây dựng và có quy mô khoảng vài trăm con. Mặc dù có quy mô lớn như vậy, song hầu như người dân bản địa đều không biết sự tồn tại của trại hổ này.
Để không bị chú ý, chúng tôi cải trang như người bản xứ và thuê một chiếc xe máy để di chuyển. Theo những thông tin nắm được, địa điểm đặt trại hổ nằm gần đường 8 dẫn ra cửa khẩu Nậm Phao (Lào), thuộc bản Phòn Phèng , cách trung tâm thị trấn Lạc Xao chừng 3km.
Dot nhap duong day buon ban ho trai phep tu Lao ve VN-Hinh-3
Trang trại hổ ở bản Phòn Phèng - Bô Ly Khăm Xay. 
Ngoài mặt đường là một dãy nhà dài được rào kín mít, không biển hiệu, hỏi xung quanh cũng không ai biết đó là trụ sở của cơ quan hay công ty nào. Ngay cạnh đó có một con đường đất, chúng tôi đi vào sâu thì bên trong chỉ có ngút ngàn rừng núi hoang vu. Chừng nửa cây số thì mới hết hàng rào. Nơi này được quây kín với tường cao 5m, phía trên gia cố thêm 1m dây thép gai, cùng với một cánh cổng sắt đóng kín không thể quan sát được bên trong. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng gầm gừ của động vật.
Không thể tiếp cận theo hướng này, chúng tôi ra đường lớn đi thêm một đoạn nữa hướng ra cửa khẩu Nậm Phao, tìm được một nhánh rẽ khác. Sau một hồi vòng vèo giữa rừng, chúng tôi cũng tìm lên được một đồi cao phía sau. Cả một khu trại quy mô hiện đại hiện ra trước mắt, gồm 4 khu nhà kiên cố, tường cao, được chia ô và quây bởi lưới thép B40 giống như chuồng cho thú dữ ở các vườn thú.
An ninh ở đây được thắt chặt với bảo vệ liên tục đi tuần xung quanh. Cả bức tường dài chỉ có một cửa sắt nhỏ vào ra. Cạnh đó là một trại lợn khá lớn, khả năng là nguồn cung cấp thức ăn cho trại hổ.
Chúng tôi tiến gần hơn nữa, núp kín sau một bụi tre và quan sát kỹ qua một kẽ hở của trại. Tại đây, chúng tôi tận mắt thấy 2 con hổ lớn đang vờn nhau ở trong chuồng. Hình như chúng đang đói nên thỉnh thoảng lại rống lên.
Có vẻ đám nhân viên an ninh đã nhanh chóng phát hiện ra những vị khách không mời, nên chúng kéo hết ra góc trại và nhìn chăm chăm về phía chúng tôi. Chỉ một lát sau, đã có tiếng động cơ xe máy nổ giòn giã từ trại lợn phóng ra đi về phía chúng tôi.
Người đàn ông đi xe máy với làn da ngăm đen, khuôn mặt bặm trợn, túi quần kiểu Alibaba dày cộp như nhét thêm cái gì đó. Hắn ta ném về phía chúng tôi những cái nhìn dò xét. Rồi người này dừng lại tại một ngôi nhà bỏ hoang, xây dở ở gần đó và không rời mắt khỏi chúng tôi. Lát sau, anh ta lấy điện thoại gọi .
Linh cảm đã bị lộ, chúng tôi nhanh chóng nhảy lên xe phóng đi. Vòng vèo một lúc theo con đường rừng, rút ra được đường 8, mới có cảm giác an toàn và đi thằng về khách sạn.
Theo lời một "bà trùm" mà chúng tôi đã bắt mối trước khi đặt chân lên đất Lào, dân Lạc Xao thường tàng trữ súng đạn, có người lạ, có việc gì trái ý, họ sẵn sàng bắn bỏ.
Nói về “bà trùm”, sở dĩ người phụ nữ này có biệt danh như vậy bởi ở Lạc Xao, mối quan hệ của bà rất rộng, từ những người buôn bán bình thường ngoài chợ cho đến những chủ hàng lớn, thậm chí cả quan chức địa phương ở đó bà đều thân thiết.
Nhân viên của bà cũng có lần suýt bị ăn đạn của người Lào khi đánh hàng sang biên giới. Số là anh này lần đầu chở hàng sang Lào, thấy một xe máy chắn ngang đường, bấm còi nhưng người này không nhường đường. Người Lào gần như không sử dụng còi xe khi tham gia giao thông, trừ trường hợp khẩn cấp. Nếu dùng còi bừa bãi, dễ xảy ra ẩu đả.
Vừa dứt hồi còi, anh người Lào chạy thẳng vào nhà lấy súng tìm kiếm lái xe. May là anh ta nhanh trí chạy thẳng vào một đồn công an gần đó nếu không đã có án mạng. Lần đấy, “bà trùm” phải xin mãi họ nể tình mới đồng ý bắt tay giảng hòa.
“Bà trùm” lúc đầu rất nghi hoặc khi thấy mấy gã lạ mặt là chúng tôi bảo qua Lào chơi mà suốt mấy ngày cứ lởn vởn ở đất Lạc Xao, trong khi Lạc Xao khá buồn tẻ, chả có gì sôi động ngoài việc buôn lậu. Khi chúng tôi đã bắt thân với bà và nói thẳng mục đích qua đây để tìm kiếm đầu mối buôn “hàng con” về Việt Nam, bởi ở Việt Nam giá quá đắt đỏ, thì bà cũng cởi mở.
“Bà trùm” cho biết, khu đất trang trại hổ trước kia của một người phụ nữ Việt tên là Mai, nhưng cách đây tầm 2 năm, bà Mai không biết vì chuyện gì đã biến mất một cách bí ẩn. Hiện tại, chủ trang trại hổ cũng là của một phụ nữ người Việt, tên là Đoài. Bà Đoài nổi tiếng với hoạt động buôn lậu, nhất là hổ và gỗ. Gia đình bà này còn nuôi hổ bên Thái Lan rồi chuyển về Lào và đưa qua Việt Nam tiêu thụ.
Thêm 2 ngày la cà ở khu vực gần bản Phòn Phèng, nhóm PV tiếp tục bắt quen được với một chủ quán cafe người Việt. Chị chủ quán trước cũng là dân buôn cỡ bự, nhưng về sau phá sản vì cờ bạc, không dám về Việt Nam mà ở hẳn trên đất Lạc Xao. Chị xác nhận hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở Lạc Xao đã có từ lâu và khá sôi động.
Hỏi thông tin về trại hổ, chị cho biết, một người quản lý trong trại thường xuyên ra uống café ở quán, nếu muốn mua hổ từ trại thì chị sẽ kết nối và thông báo giá cả cụ thể, hợp lý. Việc vận chuyển đến biên giới hoặc qua cửa khẩu thì sẽ thêm một khoản chi phí khác, bởi nếu không sẽ bị bắt giữ.
Điều ngạc nhiên, chị chủ quán bảo chúng tôi cứ tiếp tục tìm hiểu, bởi ở đây còn có một số đầu mối khác. Khi nào cảm thấy yên tâm về giá cả hay phương thức vận chuyển thì hãy tiếp tục liên lạc với chị, cho “đảm bảo chất lượng”.
Tiếp cận qua “bà trùm”, nhóm PV tiếp tục bắt mối được với một chủ buôn “hàng con” cỡ lớn khác trên đất Lạc Xao. Tay buôn này hoàn toàn độc lập với đường dây của trại hổ như chúng tôi đã điều tra.