Dự báo kịch bản quan hệ Mỹ - Triều thời Tổng thống Donald Trump
Mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên có khả năng sẽ trở thành tâm điểm chú ý khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và Triều Tiên thực hiện những bước đi chưa từng có để giúp Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.
Lý Thùy (Theo Reuters)
Xem toàn bộ ảnh
Trong nhiệm kỳ tổng thổng đầu tiên của mình, ông Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từng có những lời lẽ công kích và đe dọa lẫn nhau liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, mặc dù họ đã gặp nhau ba lần và ông Trump từng nói đùa rằng "chúng tôi đã yêu nhau" sau khi trao đổi thư từ.
Nhưng ngay cả với ba hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở Singapore, Việt Nam và biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc, ôngTrump vẫn không thuyết phục được ông Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi các nỗ lực ngoại giao dưới thời Chính quyền Biden cũng bị đình trệ khi Triều Tiên phớt lờ lời kêu gọi gặp mặt "bất cứ đâu, bất cứ lúc nào mà không cần điều kiện tiên quyết".
Ông Donald Trump từ lâu đã ca ngợi mối quan hệ của mình với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, nhưng nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn có một hội nghị thượng đỉnh khác, ông sẽ thấy một nhà lãnh đạo Triều Tiên được tiếp thêm sức mạnh nhờ kho tên lửa mở rộng và mối quan hệ gần gũi hơn nhiều với Nga. "Chúng ta sẽ có một cuộc chiến tranh hạt nhân với hàng triệu người thiệt mạng", Trump nói với Fox News vào tháng trước. "Và khi tôi ở đó, tôi đã rất hợp với Kim Jong Un".
Kể từ lần gặp gần nhất giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jung Un, Triều Tiên đã mở rộng đáng kể kho vũ khí tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khổng lồ cùng vũ khí siêu thanh và tầm ngắn có thể mang đầu đạn hạt nhân tấn công lục địa Mỹ hoặc các căn cứ quân sự trong khu vực. Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết, Bình Nhưỡng cũng đã mở lại bãi thử hạt nhân và sẵn sàng tiếp tục thử nghiệm bất cứ khi nào ông Kim Jong Un ra lệnh.
Và chỉ từ đầu năm 2024 đến nay, Triều Tiên đã ký một hiệp ước phòng thủ chung với Nga và thực hiện bước đi chưa từng có là điều động hàng nghìn quân để hỗ trợ cuộc chiến của Moscow ở Ukraine, theo các quan chức ở Washington, Seoul và Kiev. Đổi lại, Nga đã ủng hộ Triều Tiên bằng cách cung cấp dầu và các mặt hàng nhập khẩu khác, đồng thời phủ quyết việc gia hạn hoạt động của một nhóm chuyên gia đang theo dõi các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Những người ủng hộ ông Trump không đề cập đến việc liệu ông Trump có theo đuổi các cuộc gặp mới với nhà lãnh đạo Kim Jong Un hay không. Nhưng các nhà ngoại giao Seoul và những người theo dõi Triều Tiên cho rằng, những bình luận của ông Trump cho thấy ông có thể sẽ tìm cách khơi lại cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
"Ở nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Trump cho rằng mình đã ‘giải quyết’ được vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Và các cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thu hút sự đáng kể của giới truyền thông, điều mà ông Trump rõ ràng rất thích thú”, chuyên gia Ramon Pacheco Pardo của King's College ở London cho biết.
Một cựu quan chức giấu tên đã từng làm việc dưới thời Trump cho rằng, Triều Tiên, Ukraine, Trung Quốc, Iran và các điểm nóng khác có mối liên hệ chặt chẽ với nhau ở mức độ chưa từng thấy ở nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump. "Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với bối cảnh địa chính trị khác so với năm 2021", cựu quan chức này cho biết, đồng thời nói thêm rằng bất kỳ sự tương tác đáng kể nào với Triều Tiên sẽ cần phải đợi thêm một thời gian nữa.
Một nguồn tin ngoại giao tại Seoul cho biết, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Nga cùng với sự khó lường của chính quyền mới của ông Trump đã tạo ra thách thức địa chính trị khiến các quan chức và nhà ngoại giao từ châu Âu đến châu Á phải loay hoay tìm cách ứng phó. Duyeon Kim, từ Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới, cho biết ,Triều Tiên dường như không quan tâm đến việc ai sẽ ngồi vào Nhà Trắng vì nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã nói rõ rằng Bình Nhưỡng sẽ tiến tới các cột mốc hạt nhân của mình và có sự hậu thuẫn của cả Trung Quốc và Nga.
Một quan chức cấp cao tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nói với các phóng viên ngày 5/11 rằng, vẫn chưa rõ Trump sẽ đi theo hướng nào vì những bình luận của ông trong chiến dịch tranh cử có thể khác với những gì được thông qua chính thức khi nhậm chức.
Vào tháng 12/2023, ông Trump đã phủ nhận thông tin trên phương tiện truyền thông rằng ông đang cân nhắc một kế hoạch để Triều Tiên đóng băng, nhưng vẫn duy trì chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt và các ưu đãi khác, nhưng các nhà quan sát cho rằng các chính sách của ông vẫn khó đoán định.
Chuyên gia Pardo cho biết ,Triều Tiên có thể ít nhất sẽ muốn ngồi lại với Mỹ để xem ông Trump có thể muốn đề nghị điều gì, vì mối quan hệ tốt với Washington là cách duy nhất để gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt. Theo chuyên gia, ông Trump thậm chí có thể công nhận Bình Nhưỡng là một cường quốc hạt nhân.
Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích của CIA hiện làm việc tại Heritage Foundation, cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể nhìn thấy lợi ích khi tiếp cận ông Trump.
"Nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể đưa ra tuyên bố hòa bình hoặc hiệp ước với ông Trump như một thành tựu lớn có khả năng xứng đáng với Giải Nobel Hòa bình, mặc dù điều đó sẽ không làm gì để thực sự giảm bớt mối đe dọa đối với Mỹ và các đồng minh của nước này", Klingner nói. "Một thỏa thuận như vậy có thể đặt nền tảng cho việc giảm lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản". (Nguồn ảnh: Reuters, Getty Images, KCNA, VOV, Tiền phong).