Theo BBC, bắt đầu từ ngày 1/11 Đức là nước đầu tiên ở châu Âu công nhận “giới tính thứ ba”, nghĩa là các bậc phụ huynh được phép bỏ trống ô khai giới tính của con mình trên giấy chứng sinh, tức là chưa quyết định giới tính.
Giáo sư môn luật Konstanze Plett của trường Đại học Bremen nói: “Đây là lần đầu tiên luật pháp có tính nhân văn như thế, thừa nhận người không phải nam, cũng không phải nữ - đối tượng lâu nay bị miệt thị”.
Đối với hộ chiếu, Bộ Nội vụ Đức cho biết ngoài ô M (male) cho nam và ô F (female) cho nữ đánh dấu, từ nay sẽ có thêm ô X cho “giới tính thứ ba”.
Ảnh minh họa. |
Động thái này nhằm loại bỏ áp lực đối với cha mẹ phải nhanh chóng ra quyết định phẫu thuật lựa chọn giới tính cho đứa con vừa mới chào đời, dẫn đến những bi kịch sau này của đứa trẻ. Một trong những người rơi vào tình huống trên từng tâm sự: “Tôi không phải đàn ông, cũng không phải đàn bà, mà là mảnh chắp vá do các bác sĩ tạo ra với những vết sẹo và vết thâm không thể xóa nhòa”.
Hiện chưa rõ quy định mới này ảnh hưởng ra sao đến luật hôn nhân gia đình của Đức. Theo định nghĩa của luật hiện hành, hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Các nhà lập pháp chưa biết sự thay đổi này có ảnh hưởng thế nào đến luật hôn nhân. Đức đã cho phép kết hôn cùng giới.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức nói: Sự thay đổi luật lần này mới chỉ tác động đến các bậc phụ huynh và trẻ sơ sinh, chưa giải quyết được vấn đề phức tạp về người lưỡng giới, trong đó có vấn đề kết hôn và quyền công dân.
Thống kê cho biết hiện cứ 2.000 người lại có một người mang đặc điểm của cả hai giới nam và nữ, và họ được gọi là “lưỡng tính”. Trên thực tế, nhóm người này thường chịu sự kỳ thị của cộng đồng dù bản thân họ không hề có lỗi.