Đức phát triển loại pháo phòng không nào cho Ukraine chống UAV Nga?
Hãng Rheinmetall của Đức đã phát triển loại pháo phòng không Frankenstein, sử dụng khung gầm xe tăng Leopard 1 đã loại biên để cung cấp cho Quân đội Ukraine chống UAV của Nga.
Tiến Minh (Theo Newsweek)
Xem toàn bộ ảnh
Chiến trường Ukraine đã chứng minh, với sự trợ giúp của các cuộc tấn công bằng pháo binh và UAV tự sát mang vũ khí rẻ tiền, có thể đẩy lui cuộc tấn công của đối phương bằng các phương tiện xe cơ giới hùng hậu. Và vai trò của UAV giá rẻ 4 trục bay ngang mang vũ khí là điều không phải bàn cãi.
Để chống UAV trên chiến trường, cả quân Nga và Ukraine phải tiến hành phân tán tối đa đội hình chiến đấu của các đơn vị bộ binh (bộ binh cơ giới). Với các phương tiện chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân, buộc phải chuyển sang sử dụng xe mô tô địa hình enduro, xe địa hình ATV… mang lại cho họ tốc độ di chuyển và khả năng cơ động cao.
Mặc dù tiềm năng tấn công của UAV FPV 4 trục bay ngang là rất cao, nhưng chúng phần lớn là sản phẩm dân sự được sản xuất hàng loạt và có giá rẻ, nên có thể bị vô hiệu hóa bởi hệ thống tác chiến điện tử, được gắn trên chiến hào và mang trên xe cơ giới ở cấp chiến thuật.
Khả năng bảo vệ chống UAV sẽ được tăng cường hơn nữa, nhờ sự xuất hiện rầm rộ của các vũ khí phòng không di động chuyên dụng, được thiết kế đặc biệt để tiêu diệt các mục tiêu cơ động và tốc độ cao như UAV FPV 4 trục bay ngang.
Các đối tác phương Tây của Ukraine đã có những kinh nghiệm về UAV FPV của Nga, nên đã tích cực phát triển vũ khí chống UAV. Tại triển lãm kỹ thuật quân sự Eurosatory đang diễn ra ở Paris, hãng Rheinmetall của Đức đã giới thiệu ba mẫu pháo phòng không chống UAV đầy hứa hẹn, điều này đã thu hút sự quan tâm lớn của những khách hàng tiềm năng.
Trong 3 mẫu pháo phòng không mà Rheinmetall giới thiệu, có hệ thống pháo phòng không tầm ngắn thuộc họ Skyranger, bố trí một tháp pháo xoay trong đó lắp pháo tự động 30 mm hoặc 35 mm. Tốc độ bắn của nó đạt tới 1.000 phát mỗi phút và tầm bắn hiệu quả của nó là 4.000 m.
Pháo phòng không tầm ngắn Skyranger có thể bắn loại đạn 35 mm AHEAD (sức công phá nâng cao) chứa 152 viên đạn con vonfram, nặng 1,25 gram mỗi viên. Khi đầu đạn nổ, tạo thành vùng sát thương hình nón, gồm các mảnh đạn con vonfram, có thể tiêu diệt mục tiêu UAV với xác suất cao.
Tổ hợp phòng không Skyranger được trang bị radar băng tần S (MFRA), có 5 ăng ten phẳng bố trí xung quanh tháp pháo. Skyranger có thể phát hiện máy bay có bề mặt phản xạ radar (RSC) có diện tích 1 mét vuông từ khoảng cách hơn 20 km, trực thăng từ 12 km, tên lửa hành trình 10 km và UAV 5 km.
Ngoài ra, tổ hợp còn trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại nhanh và quan sát quang điện (FIRST) có thể phát hiện thụ động mục tiêu trên không phát nhiệt và không phát sóng radar trong mọi điều kiện thời tiết.
Vào năm 2022, Rheinmetall giới thiệu mô-đun chiến đấu Skyranger 30, được trang bị pháo tự động 30 mm và tên lửa đất đối không dẫn đường, gắn trên khung gầm bánh xích Lynx KF41 và khung gầm bánh Boxer. Nhưng người Đức đã lắp đặt mô-đun chiến đấu Skyranger 35 với pháo cỡ nòng lớn hơn trên khung xe tăng chủ lực Leopard 2A4.
Với pháo Skyranger 35 và khung gầm Leopard 2A4, Rheinmetall đã chế tạo được một hệ thống phòng không chống UAV di động rất mạnh và được bảo vệ tốt. Theo báo chí đưa tin, tại triển lãm Eurosatory 2024, đại diện của Đức, Hungary và Đan Mạch bày tỏ sự sẵn sàng mua hoặc bắt đầu sản xuất loại vũ khí này.
Như vậy, khối NATO đang tích cực chuẩn bị cho một loại hình chiến tranh mới với việc sử dụng rộng rãi UAV tấn công. Đồng thời, họ coi Ukraine là nơi có thể thử nghiệm các loại vũ khí mới và dùng thực chiến để sàng lọc tự nhiên.
Mùa hè năm ngoái, công ty Rheinmetall của Đức đã công bố ý định mở một nhà máy ở tây Ukraine để sản xuất và sửa chữa xe bọc thép phục vụ nhu cầu của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Gần đây, nhà máy này đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Giám đốc phát triển của công ty Rheinmetall, Armin Papperger, đã hứa sẽ hỗ trợ Kiev trong việc phát triển các hệ thống phòng không. Ông Bjorn Bernhard, người đứng đầu phát triển vũ khí mặt đất tại Rheinmetall, nói với The Telegraph, Ukraine sẽ sản xuất phiên bản riêng của hệ thống phòng không có tên “Frankenstein”:
Hệ thống phòng không Frankenstein mà Ukraine đề cập là sử dụng khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1, hiện Quân đội Đức có nhiều, nhưng đã loại khỏi biên chế chiến đấu. Còn tháp pháo sử dụng Skyranger, dùng pháo tự động 35mm.
Với hệ thống tháp pháo Skyranger với pháo tự động 35mm và tận dụng khung gầm xe tăng Leopard 1, sẽ giúp Quân đội Ukraine nhanh chóng đưa các hệ thống pháo phòng không này vào chiến đấu.
Nhưng liệu pháo phòng không Skyranger có phát huy được tính năng kỹ chiến thuật trên các vùng đất thảo nguyên vùng Donbass và Zaporozhye hay không, thì cần phải để điều kiện thực tiễn chiến trường kiểm nghiệm? (Nguồn ảnh: Newsweek, CNN, Reuters).