GS.TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho biết, thời tiết thay đổi, lạnh đột ngột khiến cho các mạch máu co lại, lượng máu lên não giảm làm gia tăng đột quỵ. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân đột quỵ có thể tử vong hoặc để lại di chứng hết sức nặng nề.
Ảnh minh họa - Internet |
Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đội quỵ Việt Nam, Nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Trung ương Quân đội 108, nguyên nhân gây ra đột quỵ chủ yếu là do hậu quả của tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh tim mạch. Một nghiên cứu cho thấy, có gần 70% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp cho đến khi đột ngột bị tai biến mạch não, liệt, hôn mê.
Trong thời tiết lạnh, giao mùa thu đông như hiện nay dễ làm co mạch khiến huyết áp tăng vọt, gây ra tai biến. Nhất là với người già, khi ra khỏi chăn ấm là lúc dễ bị nhiễm lạnh, sau đó đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh hơn nữa khiến cho mạch co, huyết áp tăng đột ngột. Tình trạng này dễ dàng dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não, đau thắt ngực.
ThS.BS Nguyễn Quang Ân - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BVĐK tỉnh Phú Thọ lưu ý, nhiều người tưởng rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở những người trung niên trở lên, nhưng trên thực tế, đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và để lại một hậu quả nặng nề. Đối với người bệnh trẻ tuổi khi mắc đột quỵ, mức độ tử vong cao hơn rất nhiều so với độ tuổi cao.
Các BS thuộc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E Trung ương khuyến cáo, đối với những bệnh nhân tim mạch cần được theo dõi định kỳ, đặc biệt là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Khi bị mưa, lạnh hay nắng nóng đột ngột dễ dẫn tới bệnh động mạch vành.
Khi khí hậu thay đổi, khí áp không ổn định, lúc đó tim sẽ đập nhanh hơn, cơ tim dễ bị thiếu oxy. Khi các động mạch vành xuất hiện các mảng xơ vữa và bị vỡ ra sẽ gây tắc mạch đột ngột hay tạo thành các cục huyết khối gây tắc nghẽn.
Động mạch vành bị tắc sẽ gây ra tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Hậu quả của nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào độ rộng của vùng nhồi máu, vùng cơ tim bị thiếu máu càng nhiều thì chức năng của tim càng giảm mạnh, dễ dẫn đến nguy cơ tử vong.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ như cholesterol cao, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường, những tác nhân của cuộc sống hiện đại đã góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Điều đáng sợ là triệu chứng đột quỵ ở những người ở độ tuổi 20 có thể hơi khác so với người lớn tuổi nên người nhà thường chủ quan không đưa đi cấp cứu sớm.