Đừng nhận lời yêu vì cô đơn

Giờ đây, em mới cảm nhận được sâu sắc điều cô bạn gái từng khuyên: “Đừng nhận lời yêu ai đó chỉ vì mình cô đơn”.

Đừng nhận lời yêu vì cô đơn

Đang mơ màng ngủ, chuông điện thoại di động đổ dồn. Theo thói quen, em chụp lấy cái điện thoại, nhìn ngấu nghiến màn hình. Một số lạ tiếp thị chăm sóc da. Em trả lời ậm ừ, tắt máy, đặt điện thoại xuống mà lòng buồn tênh.

Em thèm lắm cảm giác mỗi sáng mai thức dậy, có ai đó nhắn một cái tin nhỏ chúc ngày mới tốt lành. Hay những đêm dài sâu hun hút, khi ngủ gà gật bên máy tính, có ai đó nhắc nhở: “Ngủ sớm đi em”. Dường như đã rất lâu, em không nhận được những lời hỏi han, quan tâm của anh. Người mà từng một thủa, em tưởng là mối tình đầu và cũng là tình cuối của em.

Ở tuổi 29, không còn trẻ để đón nhận những tình yêu vồ vập, vội vã, lãng mạn như ngày đôi mươi. Em chờ đợi một bờ vai vững chãi, một người đàn ông đủ điềm tĩnh để bên em những khi em cô đơn, trống vắng, khi em quay quắt trong những mớ bòng bong rắc rối của cuộc đời. Và em đã gặp anh vào một ngày em đang thấy trống trải, cô đơn và buồn nhất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Lần đầu tiên chúng ta trò chuyện, anh nhìn sâu vào mắt em, hỏi dò: “Mối tình đầu của em thế nào?”. Em bối rối, im lặng vài dây, cố lật lại ký ức để tìm xem mối tình đầu của mình ở đâu. Nhưng dàn trải trong trí nhớ rơi rớt ấy chỉ là những rung động thoáng qua của một thời vụng dại, xa vắng đã đi qua cuộc đời, tuổi xuân em từ rất lâu. Và em nhận ra mình chưa từng yêu ai thật sự. Anh đặt vào môi em một chiếc hôn nhẹ, thay cho một lời an ủi. Em cười buồn: “Thành phố giấu anh kỹ quá. Em tìm mãi không ra”. Anh bảo mình có trốn đâu, chỉ đi loanh quanh gần em. Em nghĩ đến những ngày cuối tuần sẽ không phải ngồi hàng giờ liền bên máy tình, gặm nhấm từng con chữ như loài dơi gặm nhấm đêm thâu. Em sẽ bước ra bên ngoài bằng những nụ cười hạnh phúc. Vì em tin có một người đàn ông đang lặng lẽ chờ em trước cửa nhà, đón em bằng những nụ cười dịu dàng.

Nhưng chính em để sự tưởng tượng nhấn mình xuống tận cùng nỗi cô đơn. Em nghe lòng thổn thức khi những chiều thứ bảy trôi qua trong cô quạnh. Điện thoại chẳng mấy khi đổ chuông, trừ những cuộc gọi hỏi thăm của ba mẹ và chị gái. Em chờ…trong một niềm tin mơ hồ.

Vì sao anh không nhắn tin, không điện thoại cho em? Em tự hỏi và dằn vặt mình bằng những câu hỏi ngốc nghếch và chợt nhận ra trong lòng mình cũng đang nhạt dần gương mặt anh. Nụ hôn hững hờ ngày nào đã loãng dần trong trí nhớ của em. Vì sao em luôn tự hỏi, anh không đến gặp em? Nhưng em không nhận ra từ rất lâu, thẳm sâu trong trái tim mình, em cũng không hề mong muốn gặp anh. Cảm giác cô đơn, trống vắng khiến em nghĩ đến việc phải trò chuyện với một ai đó nhiều hơn là việc để trái tim kiểm chứng nỗi nhớ ai đó. Một người bạn thân từng nói với em: “Đừng nhận lời yêu ai đó chỉ vì mình đang cô đơn”. Có khi nào buổi chiều mưa, khi anh đặt lên môi em nụ hôn nhẹ nhàng, lòng anh cũng đang khóc trong cô đơn. Và chính bây giờ anh nhận ra mình không còn cô đơn nữa nên tình yêu cũng đã tan theo nỗi buồn và sự trống vắng của anh.

Chiều nay, trời nắng hầm hập. Chậu hồng tỉ muội vặn mình ngoài cửa sổ đón nắng. Những bông hoa đã rũ xuống, cánh mềm nhũn nhẵn. Đất trong chậu khô rang, nứt xé. Đã lâu rồi, em không tưới nước cho chậu hoa. Khi đã trồng cây thì phải chăm sóc cây mới phát triển được. Màn hình điện thoại sáng lên. Không còn cảnh vội vã vồ lấy điện thoại như người câu cá nhanh tay giật cần khi thấy chiếc phao chìm đáy, em lắng nghe tiếng chuông đổ thật dài cho đến khi tắt hẳn. “Em đang làm gì vậy?”. Hai tuần rồi, em mới nghe giọng nói từng làm em chộn rộn, khát khao. “Lâu rồi, em không chăm sóc chậu hoa hồng. Nó chết rồi anh à! Từ ngày em trồng chậu hoa ấy, nó không lớn được chút nào. Vậy mà nay lại chết”, em buông giọng buồn bã. Ở đầu dây bên kia là một chuỗi im lặng kéo dai. Và đó cũng là lần cuối cùng, em nói chuyện với anh.

Sáng cuối tuần, không ai hẹn hò cà phê, không một tin nhắn hỏi han, quan tâm. Em đến quán cà phê quen thuộc, cùng cô bạn thân nhấm nháp li cà phê. Chiều cuối tuần, em lang thang nhà sách, cặm cụi bên những cuốn tiểu thuyết trữ tình lãng mạn. Tối cuối tuần, em đạp xe loanh quanh thành phố. Một cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp lan tỏa khắp tâm hồn. Em không còn thấy nặng nề, buồn tẻ khi phải ngồi hàng giờ trong căn phòng vắng chỉ để chờ nghe những tiếng chuông điện thoại tin nhắn khô khốc. Giờ đây, em mới cảm nhận được sâu sắc điều cô bạn gái từng khuyên: “Đừng nhận lời yêu ai đó chỉ vì mình cô đơn”.

Bất lực trốn chạy nỗi cô đơn

Chị mua thêm mấy bộ váy mới, uốn lại mái tóc bồng… Nhưng chị không thể trốn chạy nỗi cô đơn.

Bất lực trốn chạy nỗi cô đơn

“May mà mày vẫn chưa có con, vẫn có thể làm lại từ đầu”, cô bạn thân của chị an ủi. Chị mím môi, quay mặt vào tường tránh cái nhìn thương hại của bạn. Giá mà chị đã có con… Có con thì bám vào con mà sống, lo cho con mà sống, còn hơn bây giờ sống mà không biết bước tiếp theo mình phải làm gì. “Tao bơ vơ quá mày ơi!”, chị bất giác thốt lên, vai rung rung theo tiếng nấc nghẹn ngào.

Sau bao nỗ lực níu kéo, chị không thể giữ được anh ở lại bên mình. Cuộc hôn nhân kéo dài hai năm thì chấm dứt. Có hình bóng của một người trong quá khứ xen vào cuộc tình của họ, anh ra đi không nhẹ nhõm gì, chị ở lại cũng chông chênh. Yêu nhau thì có muôn vàn lý do, ly hôn cũng thế. Lúc đang yêu nồng say, muốn “chia” kiểu gì đều không được. Khi trái tim bắt đầu mệt mỏi, chán nản thì muốn níu thế nào cũng chẳng xong.

Chị tránh những cuộc điện thoại của ba má và không dám về quê. Chị sợ phải đối mặt với mọi người, sợ những lời xì xầm. Lên cơ quan, chị lẳng lặng làm việc, xong thì về. Chị biết, sau lưng mình luôn có những ánh mắt bám theo khó hiểu. Là người thất bại trong hôn nhân, chị chỉ biết âm thầm chịu đựng và tập cho mình một lối sống bình thản. Chị mua thêm mấy bộ váy mới, uốn lại mái tóc bồng… Nhưng chị không thể trốn chạy nỗi cô đơn.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trước đây, anh đã cứu vớt chị thoát khỏi cuộc hôn nhân với một tay lọc lừa, dối trá. Chị như từ địa ngục được anh đưa lên mặt đất, được mở mắt nhìn thấy hoa cỏ. Trang đời tươi đẹp mở ra, chị đón nhận nó với tất cả hy vọng, hân hoan… Anh là điểm tựa cuộc đời chị. Thế rồi một ngày… Anh chìa lá đơn ly hôn ra và nói: “Hãy quên anh đi!”.

Có người động viên: “Chị chỉ đang một mình thôi chứ không hề cô độc”. Chị bật cười: “AQ đến thế là cùng”. Sau hai lần đổ vỡ, chị xa lánh đàn ông. Chị như con chim sợ cành cong, sợ phải đau thêm lần nữa. Chị thôi khao khát cái cảm giác bình yên khi được nép mình bên một người đàn ông vững chãi. Đối với chị, những điều đó bây giờ thật xa xỉ. Chị muốn về quê, hít hà cái không khí thảnh thơi của đồng nội, nhưng lại không dám. Về quê lại thấy ba nằm gác tay lên trán thở dài, má quay mặt vào tường rơi nước mắt, vừa giận vừa thương con mình dại dột, bất hạnh.

Đang đi trên đường, chợt bắt gặp một đôi vợ chồng nhặt rác cười nói và nhìn nhau trìu mến. Chị bật khóc. Điểm tựa của cuộc đời đâu cần gì cao sang, đâu có gì xa xôi. Vậy mà, chị - trong bộ váy công sở đẹp đẽ - lại ước ao được như đôi vợ chồng đang lem luốc và tất tả ngược xuôi kia.

Buổi tối, không còn anh làm bạn, chị mạnh dạn đi dạo một mình. Đường rộng thênh thang nhưng cảm giác như thể nó quá nhỏ bé, bé đến nỗi không tìm được lối đi. Chị đứng im giữa ngã ba đường, đang loay hoay tìm hướng quay về. Một thằng bé ăn xin yếu ớt xuất hiện. Nó ngửa tay trước mặt chị, giọng thỏ thẻ xin chị vài ngàn.

"Nhà con ở đâu?", chị nhìn thẳng vào đôi mắt thằng bé.

“Ngoài đường”, thằng bé đưa bàn tay gầy guộc lên dụi mắt.

“Tối nay con về đâu?”, chị thắc mắc.

“Con ra đường”, thằng bé cười ngây ngô.

Chị dúi vào tay thằng bé một ít tiền, nó lí nhí cảm ơn rồi tiếp tục bước bằng đôi chân trần. Từ sau ly hôn, chị nhạy cảm hơn, hay xúc động và suy ngẫm về cuộc sống. Thằng bé ấy cũng rất cần một điểm tựa. Chị thầm thì: “Mình còn may mắn hơn nhiều người”.

Chị nhắn cho anh: “Em đã từng hận anh vì anh bỏ rơi em. Nhưng bây giờ, em không còn hờn trách gì anh nữa. Em sẽ cẩn trọng để bước tiếp một mình. Cầu chúc những điều tốt lành sẽ đến với anh!”. Chị tắt điện thoại. Đã lâu lắm rồi chị mới có một giấc ngủ nhẹ nhàng và yên bình như thế.

Hạnh phúc như cái bóng

Từng ấy năm sống ở ngôi nhà này, đến hôm nay cô mới nhận ra mình chỉ như cái bóng.

Hạnh phúc như cái bóng

24 tuổi, lấy chồng rồi về làm dâu, ai cũng bảo số cô là số hưởng. Gia đình chồng tuy không giàu đến “nứt đố đổ vách”, nhưng với hoàn cảnh một mẹ, một con, căn nhà rộng hơn 60m2, có hai lầu và một sân thượng, thêm cô về nữa thì chừng ấy diện tích vẫn là quá rộng.

Mẹ chồng chỉ mới ngoài 60, chuyện bếp núc khỏi phải bàn. Khoảng thời gian trước khi cô sinh em bé, thỉnh thoảng nàng dâu mới vào bếp tự tay chế biến món này món kia đãi chồng và mẹ chồng. Còn lại hầu hết các bữa ăn trong ngày, hai vợ chồng đã quen với việc đi làm về nhà có cơm canh dọn sẵn, chỉ việc thay đồ, tắm rửa xong là ngồi vào bàn ăn, cà kê trăm ngàn chuyện vụn vặt trên đời. Thu chi trong nhà đã có một tay mẹ chồng quán xuyến.

Mỗi tháng, hai vợ chồng chỉ gửi bà một khoản cố định gọi là tiền chợ, tiền điện, tiền nước. Hơn một năm đầu hạnh phúc trong cảnh vợ chồng son, cô chưa một lần bận tâm đến chuyện chợ búa, tiền bạc. Cơm canh mỗi bữa mẹ chồng cho ăn gì, hai người ăn nấy. Món nào không hợp khẩu vị thì cứ vờ chạm đũa, đến tối hai vợ chồng trốn ra ngoài với lý do “hóng gió”, song thực tế là lang thang hàng quán kiếm món “tủ”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cuộc sống cứ thế yên ả trôi qua, mãi đến khi cô có bầu rồi sinh con, chồng thuyên chuyển công tác. Không còn “đồng minh” trong những phi vụ ra ngoài “hóng gió”, với lại con còn nhỏ, cô cũng ngại ra ngoài một mình. Cả chuyện nấu cháo cho con, mẹ chồng cũng giành làm nốt. Nhiều lúc đọc sách báo, xem ti vi, cô biết nên bổ sung thêm chất gì cho con, không nên kiêng kỵ những món ăn nào, nhưng hỡi ôi, tất cả đã vào guồng do mẹ chồng quán xuyến, không cách nào thay đổi. Giải thích xa gần đủ điều, mua sách báo, tạp chí dinh dưỡng về cho bà coi nhưng đều bị bà thẳng thừng từ chối: “Ngày xưa một tay mẹ nuôi thằng Minh khôn lớn, học hành đỗ đạt đến hôm nay. Trước giờ con không biết gì chuyện bếp núc, cứ để mẹ lo, đừng nhúng tay vào”. Tối về tỉ tê với chồng, anh xua tay bảo: “Mấy chục năm qua mẹ quán xuyến trong ngoài có xảy ra việc gì đâu. Em cứ để mẹ lo, chẳng chết đâu mà sợ”.

Ừ, thì chẳng chết. Nhưng nhìn con ăn uống một cách thiếu khoa học, có người mẹ nào chặc lưỡi cho qua. Ngay đến việc mua đồ chơi cho con, chọn loại tã lót, sữa tắm em bé của hãng nào cũng bị mẹ chồng chi phối. Lần nào cũng vậy, cô chỉ biết trốn vào phòng riêng ngồi khóc một mình. Từng ấy năm sống ở ngôi nhà này, đến hôm nay cô mới nhận ra mình chỉ như cái bóng. Người ta đã quen với việc mặc định cô được phép làm, không được phép làm điều gì, ngay cả chuyện can thiệp hay góp ý cũng là điều không tưởng.

Ngày xưa còn có chồng hú hí. Ở nhà không ưng bụng điều gì hai vợ chồng trốn ra ngoài tìm cái “ưng” cho riêng mình. Còn bây giờ, chồng bận bù đầu, con đã có nội trông. Cô làm mẹ mà ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất cũng không quyết định được cho con mình. Ngày qua ngày trôi theo một chu trình được cài đặt sẵn: buổi sáng dắt xe ra khỏi nhà đến chỗ làm, buổi trưa chạy về nhà ăn cơm và ngồi làm khách nhìn bà nội chăm cháu. Chiều quay lại chỗ làm, chờ đến hết giờ lại chạy về nhà làm khách. Muốn nhúng tay vô việc gì cũng bị chặn “để đó mẹ làm cho”. Hai việc cô có thể làm trong ngôi nhà này mà không bị ai ngăn cản hay cấm đoán là quét nhà và… cho con bú.

Bạn bè nhìn vào, nội ngoại hai bên trông sang, ai cũng cho cô là có số hưởng. Ừ thì đúng cô được “hưởng” nhiều thật. Cô giống như con rô–bốt được người ta ôm về chưng trong tủ kính, chẳng biết thời tiết nóng lạnh là gì, đến giờ ăn thì người ta nhấn nút báo hiệu cho nó ngồi vào bàn ăn, đến giờ ngủ thì đọc câu mệnh lệnh cho nó phải ngủ. Trong ngôi nhà hai tầng rộng thênh thang đó, nó gần như chưa có quyền đưa ra bất cứ quyết định hay yêu cầu gì, dù đôi khi quyết định đó liên quan đến chính bản thân nó hay núm ruột do nó đứt ruột đẻ ra.

Cô thèm một lần được bận bịu như chú ong cần mẫn chăm sóc cho chồng con. Thèm được nấu một món ăn ngon, mua một món đồ chơi đẹp và hạnh phúc ngồi nhìn con ăn hết chén hoặc ôm chầm lấy mẹ. Nhưng than ôi, ngay cả quyền được nói ra những mong muốn, khao khát thầm kín đó cô còn không có, nói chi đến quyền làm mẹ, làm vợ, làm dâu.

Nửa đêm bị bố chồng tát, lôi ra khỏi nhà

Những ngày đầu về làm dâu, bố mẹ chồng ra lườm vào nguýt và còn bóng gió cho rằng chồng lấy phải đứa “tịt ngòi”...

Nửa đêm bị bố chồng tát, lôi ra khỏi nhà

Năm nay tôi 34 tuổi, là nhân viên kế toán một cơ quan hành chính sự nghiệp, chồng 39 tuổi, là phó phòng kinh doanh của một ngân hàng có tiếng. Tôi và chồng quen biết và yêu nhau từ ngày học đại học. Tình yêu của chúng tôi gặp rất nhiều sóng gió từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân chủ yếu là do phía bố mẹ chồng tôi không đồng ý.

Sở dĩ bố mẹ chồng tôi nhất quyết không cho chúng tôi đến với nhau bởi vì gia đình hai bên không “môn đăng hộ đối”. Trong khi nhà chồng có nhà cửa đàng hoàng ở Thủ đô thì nhà tôi lại ở vùng quê nghèo, bố mẹ quanh năm vất vả cũng chỉ làm đủ ăn và dành giụm cho chị em tôi ăn học.

Nhưng có lẽ, nguyên nhân sâu xa nhất là bố mẹ tôi sinh con một bề (tôi là cả, dưới còn hai em gái). Chồng là con độc đinh, nhà chồng lại ở vai vế cao trong họ nên bố chồng tôi có tư tưởng rất nặng nề về việc có con trai nối dõi. Bố chồng tôi cho rằng, nếu con trai lấy tôi, ông sẽ không có thằng cháu đích tôn nối dõi tông đường. Theo ông, về chuyện sinh đẻ, con gái thường giống mẹ. Vì mẹ tôi có tới 3 đứa con gái nên tôi sau này có lấy chồng cũng khó mà có con trai.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Tuy nhiên, vì chồng tôi vẫn kiên quyết yêu cầu bố mẹ phải chấp nhận cuộc hôn nhân của chúng tôi nếu không sẽ ra nước ngoài học tập và làm việc. Anh còn “đe” bố mẹ sẽ lấy vợ Tây, nên ông bà đành phải đồng ý.

Những ngày đầu về làm dâu, bố mẹ chồng ra lườm vào nguýt và còn bóng gió cho rằng chồng lấy phải đứa “tịt ngòi” vì mãi không thấy con dâu có tin mừng. Một năm sau, tôi có thai. Những ngày đầu sau khi được vợ chồng tôi thông báo, ông bà mừng ra mặt, và cũng nhờ con tôi được bố mẹ chồng cho hưởng hạnh phúc làm dâu mà cả năm trời tôi vẫn ao ước. Bố chồng không còn lườm, nguýt, nói xoáy tôi nữa, còn mẹ chồng sáng nào cũng hỏi tôi muốn ăn gì, thèm gì để đi chợ mua.

Cái phúc ấy của tôi cũng chỉ được vỏn vẹn 3 tháng đầu, từ sau khi siêu âm biết kết quả là con gái, chuyện đâu lại về đó, thậm chí còn nặng nề hơn. Suốt thời gian mang thai đến khi sinh, tôi đều tự làm mọi việc nhà, từ chuyện chợ búa cơm nước, đến giặt giũ, lau nhà cửa. Dù mẹ chồng tôi đã nghỉ hưu, nhưng bà không hề giúp tôi chuyện nhà, thời gian rảnh rỗi, bà đi chơi họ hàng, tập Yoga, sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí hoặc xem tivi.

Khi con gái đầu được một tuổi, vì có mẹ đẻ từ quê lên chăm sóc con giúp nên tôi cũng đỡ bận viêc hơn. Nghe các chị cùng cơ quan, tôi tiếp tục mang thai bé thứ 2 vì nghĩ sinh và chăm một thể. Nhưng bố chồng không hài lòng, ông nói vì con cái còn nhỏ quá không nên đẻ ngay, để hai năm nữa là năm đẹp. Nhưng tôi biết đấy chỉ là cái cớ mà thôi bởi ông đâu có quý cháu gái, cái chính là ông đã tính toán kỹ lưỡng, xem thầy bói và được thầy phán hai năm nữa tôi sẽ sinh được con trai. Ông muốn tôi bỏ cái thai đó đi, nhưng tôi không làm theo.

Con gái nhỏ chưa đầy năm tôi phải cai sữa vì không thể có nhiều thời gian bên con. Đáng lẽ phải cho con ngủ với ông bà nội để cháu quên hẳn ti mẹ, thì chồng tôi lại không đồng ý vì sợ cháu quấy làm mất giấc ngủ của ông bà, nên vẫn để con ngủ trong nôi phòng hai vợ chồng. Tối đến, con khát sữa đòi mẹ nên khóc ré lên. Chỉ đến khi con bé khóc đến lạc cả giọng, mẹ chồng tôi mới đón cháu về phòng. Lúc đó, chồng tôi bực mình nên đã chửi tôi trước mặt bố mẹ và cả vợ chồng cậu em. Tôi bực quá đã cãi nhau lại với chồng và định bế con đi khỏi nhà.

Bố chồng tôi thấy vậy không những không can ngăn lại, ông chạy đến chỗ tôi, tát tôi một cái như trời giáng cho rằng tôi hỗn láo. Đã vậy, ông còn lôi xềnh xệch hai mẹ con ra khỏi nhà và đuổi đi giữa đêm khuya và không quên ném vào mặt tôi câu nói đầy chua chát: “Mày cút khỏi nhà tao đồ không biết đẻ con trai. Mày cút đi để thằng Hùng đi lấy đứa khác, chứ cái ngữ mày có đẻ nữa cũng chỉ thị mẹt mà thôi”.

Tôi đau đớn, ê chề khi phải bước ra khỏi nhà chồng giữa đêm khuya lạnh lẽo. Đến gõ cửa nhà đứa bạn vào nửa đêm và kể mọi chuyện, nó khuyên tôi nên về nhà xin lỗi bố mẹ chồng bởi nếu bây giờ ra đi, tôi sẽ mất tất cả. Mất quyền nuôi một đứa con nếu ly dị, và quan trọng hơn, với đồng lương ít ỏi, tôi sẽ không thể cho con gái cuộc sống no ấm, còn một đứa nữa sẽ phải ở với dì ghẻ, rồi tương lai của nó sẽ ra sao.

Hôm sau tôi quay về xin lỗi bố mẹ chồng và bố chồng ra điều kiện, ông chỉ chấp nhận nếu tôi sinh cho ông một đứa cháu trai. Nhưng làm sao tôi có thể chắc chắn nếu sinh nữa tôi sẽ đẻ con trai, hơn nữa sau khi đẻ hai đứa đầu bằng phương pháp sinh mổ, tôi sợ đẻ đứa thứ ba sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bây giờ không tiếp tục đẻ tôi buộc phải ký vào đơn ly dị, sẽ mất hết tất cả. Tôi nên làm thế nào bây giờ?

Tin mới