Bất kì người dân nào, không phải là DN, thì đều là đối tượng chịu thuế VAT vì đó là thuế gián thu. Họ là người tiêu dùng cuối cùng, thuế tăng lên bao nhiêu thì họ gánh chịu hết - các chuyên gia phản bác ý kiến của lãnh đạo Bộ Tài chính khi cho rằng, tăng thuế VAT không ảnh hưởng nhiều đến người nghèo.
Mớ rau, cân thịt cũng phải tăng giá
Lãnh đạo Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng: Rau, thịt có chịu thuế gia trị gia tăng đâu. Như vậy, những mặt hàng không chịu thuế VAT thì dù VAT tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì.
Tiếp đó, tại họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng nói rằng tác động đối với người dân, đặc biệt là người nghèo, là không nhiều.
Rau dưa cũng sẽ chịu tác động từ việc tăng thuế VAT dù không trực tiếp chịu thuế. Ảnh: L.Bằng |
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Chung Thành Tiến, chuyên gia của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng: Tất cả đều ảnh hưởng hết, không thể nói là không ảnh hưởng. Bất kì người dân nào, không phải là DN, thì đều là đối tượng chịu thuế VAT vì đó là thuế gián thu. Họ là người tiêu dùng cuối cùng, thuế tăng lên bao nhiêu thì họ chính là người gánh chịu.
“Mớ rau, con cá, cân thịt, ai muốn trồng rau, nuôi cá cũng cần phải có vật tư đầu vào, có phân bón, thức ăn,… thì mới ra được cọng rau, cân thịt. Thuế Giá trị gia tăng của các mặt hàng đầu vào đó tăng thì đầu ra buộc phải tăng.
Ví dụ phân bón trước đây không chịu thuế VAT (mặc dù toàn bộ thuế GTGT đầu vào của DN người tiêu dùng vẫn gánh chịu nhưng vẫn thấp) thì nay dự kiến chuyển sang đối tượng chịu thuế ở mức thuế suất thuế GTGT là 10% hay 12%, có nghĩa người nông dân phải gánh thêm số thuế tăng thêm này, các vật tư đầu vào khác cũng tương tự. Như thế chắc chắn giá thành sản xuất phải tăng lên, kéo theo giá bán của bó rau, cân thịt cũng phải tăng lên”, ông Tiến nói.
Ông phân tích thêm: Hiện nay do có sự không đồng nhất phương pháp tính thuế GTGT có doanh nghiệp áp dụng phương pháp trực tiếp, có doanh nghiệp áp dụng phương pháp khấu trừ. Nếu đầu vào của DN là đối tượng chịu thuế trực tiếp, toàn bộ tiền thuế GTGT này được cấu thành trong giá vốn của sản phẩm. Việc không cho hoàn thuế cũng là một vấn đề đẩy giá thành sản phẩm tăng cao do DN phải gánh chịu chi phí vốn,...".
“Ngoài ra DN cũng không thể nằm ngoài sự ảnh hưởng này vì các yếu tố đầu vào tăng lên sẽ làm cho giá thành sản phẩm tăng lên, kéo theo giá bán tăng, người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu, cầu sẽ giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến lượng tiêu thụ hàng hóa của DN”, ông Chung Thành Tiến phân tích.
Người dân sẽ gánh chịu hệ quả của việc tăng thuế giá trị gia tăng. Ảnh: L.Bằng |
Từ các lập luận trên, Ông Chung Thành Tiến khẳng định: Người tiêu dùng cuối cùng dù mua ở siêu thị hay chợ thì mớ rau, con cá đã có một phần thuế GTGT nằm trong giá thành. Cho nên việc tăng thuế GTGT sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng nói chung chứ không thể nói là không ảnh hưởng.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Trọng Tín, thẳng thắn: Trồng rau, nuôi lợn, gà,... nói chung là sản xuất nông, lâm, thủy hải sản thì cần hàng hóa là yếu tố đầu vào. Nếu điện tăng, xăng, dầu, chi phí vận chuyển, thuốc trừ sâu, phân bón,... đều tăng, thì làm cho giá thành tăng, tất yếu giá cả hàng hóa tăng lên. Thế nên, tăng thuế VAT tất nhiên là có ảnh hưởng đến người nghèo.
Theo ông Được, rau củ quả,... nói chung là nông, lâm, thủy hải sản là hàng hóa không chịu thuế VAT nếu như do người nông dân trực tiếp làm ra. Ở khâu thương mại, giữa DN bán với DN thì không phải kê khai tính thuế theo Điều 5 Thông tư 219. Thế nhưng nếu DN bán lại cho tổ chức hoặc cá nhân không phải là DN (tức là người tiêu dùng cuối cùng là người dân) thì phải chịu thuế suất 5%.
“Tăng thuế VAT ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Rau dưa, thịt cá ở chợ không chỉ chịu ảnh hưởng bởi tăng giá các yếu tố đầu vào mà còn chịu ảnh hưởng bởi thuế VAT do các thương nhân (không phải doanh nghiệp) mua lại của các doanh nghiệp phải chịu thuế 5% (nay dự kiến là 6%), hàng hóa mua ở siêu thị hay của các DN bán trực tiếp cho người tiêu dùng cũng chịu ảnh hưởng.
Xu thế chung là phải hướng tới việc mua bán ở các trung tâm thương mại, siêu thị, các doanh nghiệp kinh doanh bài bản, ông Nguyễn Văn Được chia sẻ.
Tăng thuế lúc này không phù hợp
Ông Nguyễn Văn Được cho rằng: Nếu buộc phải tăng thuế VAT từ 10% lên 12% thì chỉ nên áp dụng đối với những hàng hóa nào xa xỉ, đánh vào nhà giàu như ô tô, xe máy 150 phân khối, thuốc lá, rượu bia, bất động sản,... Như thế mới thu được nhiều, ảnh hưởng trực tiếp túi tiền người giàu. Nếu tăng đồng loạt tất cả lên 10-12% thì chưa phù hợp.
“Tóm lại, nếu thuế VAT tăng với hàng hóa xa xỉ thì tôi đồng tình, nhưng nếu tăng với nhu yếu phẩm thì không nên”, ông Được góp ý.
Trong khi đó, các chuyên gia đều bày tỏ băn khoăn trước những đề xuất tăng thuế khi sửa các luật thuế của Bộ Tài chính, bởi sự ảnh hưởng đến đại đa số người dân, và cả DN.
Việc tăng thuế VAT theo lộ trình đã có định hướng từ lâu, nhưng phải xem xét nền kinh tế hiện nay. DN đang còn yếu ớt, Chính phủ đang muốn thúc đẩy, hỗ trợ DN phát triển. Nếu giờ tăng thuế như vậy có ổn hay không khi tất cả chi phí đầu vào đều tăng lên.
“DN không thể là người không ảnh hưởng. Tôi nghĩ ảnh hưởng ghê lắm. Chẳng hạn các yếu tố đầu vào tăng lên làm cho giá thành sản phẩm tăng lên, người dân tiêu thụ sản phẩm ít đi. Sức cung có nhưng sức cầu giảm ngay. Giá tăng là cầu giảm, đó là nguyên tắc kinh tế rồi, ảnh hưởng trực tiếp ngay đến quá trình sản xuất của DN”, ông Chung Thành Tiến phân tích.
Theo các chuyên gia, thay vì tìm cách tăng thuế, một giải pháp quan trọng không kém là cải thiện công tác thu thuế, hiện đang thất thu rất lớn. Cần tăng cường năng lực công tác thu thuế cho mạnh lên để đảm bảo nguồn thu. Điều đó tốt hơn nhiều so với việc thay đổi chính sách, điều chỉnh các sách thuế, nhất là trong giai đoạn cần ổn định vĩ mô vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến DN và người dân.
“Nên tăng cường công cụ thu để thu đúng, thu đủ, tránh tình trạng gian lận, thất thoát, cưa đôi thuế. Đó mới là cái lớn phải làm để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước”, ông Chung Thành Tiến đề nghị.