Trong ngày VN-Index thủng mốc 1.000 điểm, cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn CEO cũng đỏ lửa và chốt phiên ở mức giá sàn 13.300 đồng/cp, giảm đến 50% chỉ trong vòng 1 tháng. Nếu tính từ mức đỉnh lịch sử 100.000 đồng/cp vào đầu năm nay, CEO đã mất đến 87% giá trị, là một trong những mã cổ phiếu có mức giảm lớn nhất.
Quá trình gây sóng gió của CEO khởi đầu từ phiên 8/11/2021 với giá 12.500 đồng/cp, CEO có chuỗi 10 phiên tăng trần, kéo thị giá tăng gấp 2,5 lần trước khi tiếp tục tăng thêm nhiều nhịp nữa. CEO xác lập đỉnh 100.000 đồng/cp vào phiên 10/1/2022, đẩy giá trị vốn hoá chạm mốc 26.000 tỷ đồng.
Như vậy chỉ sau khoảng 2 tháng, CEO đã ghi nhận mức tăng tới 8 lần, tương đương mức tăng đến 800% khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên với đà tăng không tưởng của cổ phiếu này. Thời gian này, các hội nhóm diễn đàn sôi nổi và dự báo CEO có thể lên mốc 500-700.000 đồng, thậm chí đến 1 triệu đồng/cp.
Thị giá CEO hình thành cây thông. |
Một nguyên nhân chính cho đà tăng thần tốc của CEO là từ những phân tích của ông Nguyễn Mạnh Tuấn (mệnh danh thầy A7) - Thành viên HĐQT Licogi 14, cùng với cơn sốt cổ phiếu bất động sản cuối năm 2021.
Ông Tuấn chia sẻ định giá tài sản bằng quỹ đất, thực hiện so sánh quỹ đất của CEO với các tập đoàn bất động sản lớn, cũng như định giá lại quỹ đất để tăng giá trị tài sản gấp nhiều lần so với giá sổ sách (không đề cập quỹ đất chậm triển khai, đội vốn đầu tư).
Tại thời điểm đó, CEO sở hữu nhiều dự án có tiếng đã và đang triển khai trên cả nước, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, điển hình là Sonasea Vân Đồn Harbor City quy mô 358ha ở Quảng Ninh, hay Sonasea Villas & Resort 132ha, Sonasea Residence 160ha ở Phú Quốc, Kiên Giang, cùng nhiều dự án khác.
Đà tăng điên của CEO, cũng như loạt cổ phiếu bất động sản đình đám như DIG, L14... đạt đỉnh vào đầu năm 2022, trước khi đảo chiều nhanh chóng sau sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm.
Tiếp đó, các sự kiện như khởi tố vụ án liên quan đến cổ phiếu FLC, vụ án trái phiếu Tân Hoàng Minh tiếp tục nhấn sâu cổ phiếu CEO. Hiện tại CEO đã trở về vùng giá trị khi vừa mới nổi sóng.
Quyền chi phối CEO đều nằm trong tay Chủ tịch Đoàn Văn Bình và các cộng sự. Vị doanh nhân sinh năm 1971 hiện là cổ đông lớn duy nhất, trực tiếp sở hữu 70,5 triệu cổ phần, tương đương 27,4% vốn cổ phần CEO. Em trai ông - ông Đoàn Văn Minh hiện là Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, vợ ông - bà Đỗ Phương Anh đảm trách vai trò Phó tổng giám đốc.
Tận dụng đà tăng của CEO, doanh nghiệp của doanh nhân sinh năm 1971 lên phương án huy động vốn. ĐHĐCĐ thường niên năm nay của CEO đã thông qua kế hoạch chào bán 257,3 triệu cổ phiếu, chủ yếu là phát hành mới cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/cp.
Ngày 23/8/2022, HĐQT CEO đã có Nghị quyết thông qua hồ sơ đăng ký chào bán 257,3 triệu cổ phần theo phương án nêu trên.
Doanh nghiệp biết, số tiền thu được từ các đợt chào bán sẽ được đầu tư cho dự án Khu biệt thự cao cấp Sonasea Residences (800 tỷ đồng), tăng vốn cho các công ty con (1.556 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh (hơn 217 tỷ đồng). Trong trường hợp việc chào bán cho cổ đông hiện hữu không được như kỳ vọng, CEO sẽ xem xét huy động vốn vay ngân hàng, tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu... để đảm bảo việc đầu tư dự án.
Tuy nhiên trong bối cảnh đà giảm chưa dứt, kế hoạch huy động vốn khó thể nào hoàn thành như doanh nghiệp bất động sản DIC Corp (DIG) khi phải liên tục hạ giá chào bán cổ phiếu.
Sức khoẻ tài chính của CEO ra sao?
Tại thời điểm hiện tại, CEO vẫn chưa công bố BCTC quý 3. Còn trong nửa đầu năm 2022, CEO Group đạt doanh thu hợp nhất 718 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 70 tỷ đồng, tương đương thực hiện được 24% và 23% so với kế hoạch kinh doanh đã thông qua.
Trước đó, chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp này chịu lỗ 103 tỷ đồng trong năm 2020, trước khi báo lãi nhẹ trở lại trong năm 2021.
Về cơ cấu nguồn vốn, tại ngày 30/6, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp này ghi nhận 923 tỷ đồng, tăng 52%, do tăng khoản nguyên vật liệu và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn gần 1.812 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang (giảm 15% so với đầu năm), tập trung tại Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City (hơn 1.736 tỷ đồng), Khu du lịch Green Hotel & Resort (hơn 53 tỷ đồng)...
Nợ phải trả của CEO tăng từ 3.515 tỷ đồng lên 4.006 tỷ đồng. Trong đó, khoản tăng chủ yếu là người mua trả tiền trước ngắn hạn (từ 327 tỷ đồng lên 790 tỷ đồng). Vay nợ ngắn hạn tăng 70 tỷ đồng trong khi vay nợ dài hạn giảm gần 70 tỷ đồng.
Điểm tích cực là dòng tiền kinh doanh của CEO đã được cải thiện với mức dương 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 102 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư cũng ghi nhận dương gần 169 tỷ đồng, cùng kỳ âm gần 26 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền từ hoạt động tài chính âm gần 285 tỷ đồng. Nguyên nhân do doanh nghiệp chi trả nợ gốc vay gần 1.200 tỷ đồng trong khi nhận về tiền vay chỉ 977 tỷ đồng.
Trước đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của CEO âm tới 155 tỷ đồng trong năm 2021, trong khi năm 2020 dương 282 tỷ đồng, do sự gia tăng đột biến của của các khoản phải thu, trong khi chi phí lãi vay vẫn ở mức tương đương năm 2020.
Để bù đắp dòng tiền, doanh nghiệp đã tăng cường vay nợ, hạn chế mua sắm tài sản và thu hồi khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.