Hải Phòng dừng chốt kiểm soát dịch COVID-19 và không kiểm soát với hàng hóa đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người dân trồng cà rốt Hải Dương thuận lợi xuất khẩu nông sản qua cảng Hải Phòng. Một tín hiệu vui khác đối với nông sản Hải Dương là việc Hàn Quốc sẽ nhập khẩu cà rốt trở lại từ ngày 4/3 giúp đẩy nhanh việc tiêu thụ lượng cà rốt đang tồn đọng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. |
Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, 2 ngày qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã liên hệ đặt mua cà rốt để xuất khẩu đi Hàn Quốc. Hàng hoá thông thương thuận tiện hơn là tín hiệu đáng mừng đối với nông dân tại “thủ phủ” cà rốt ở huyện Cẩm Giàng. Cà rốt được giải phóng, nông dân thu bạc tỷ giữa mùa dịch COVID-19. |
Những ngày gần đây, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh xuất khẩu cà rốt trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương liên tiếp nhận được các đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Ghi nhận của PV sáng 28/2, tại xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng) – thủ phủ cà rốt ở Hải Dương, thị trường cà rốt đang sôi động trở lại. |
Qua tìm hiểu, so với thời điểm trước Tết, giá cà rốt hiện tăng khoảng 10% và hiện nay doanh nghiệp cũng rất khó khăn trong việc đặt thêm hàng. Một trong những lý do được các xưởng sơ chế và đóng gói đưa ra là do huyện Cẩm Giàng đang cách ly vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, lực lượng lao động thiếu vắng. |
Đại diện của Công ty cổ phần nông sản xuất khẩu Tân Hương và Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, nhân lực của doanh nghiệp đang chỉ có khoảng 30% so với thời điểm bình thường nên chúng tôi chỉ thu mua cầm chừng, không dám nhận thêm đơn hàng của khách. Các doanh nghiệp hiện chỉ nhận sơ chế và đóng gói khoảng 700 tấn cà rốt để kịp giao cho khách vận chuyển xuất khẩu đi Hàn Quốc vào ngày 3 và 4/3. |
Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà rốt đang mong đợi đến thời gian hết thời hạn cách ly toàn xã hội, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu cà rốt. |
Ngày 26/2 vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông báo số 335/BVTV-KD về việc kiểm dịch thực vật đối với cà rốt và một số nông sản xuất khẩu sang Hàn Quốc. Theo đó, ngày 25/2, Hàn Quốc đã có văn bản chính thức gửi Cục Bảo vệ thực vật thông báo gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với củ cà rốt và một số nông sản của Việt Nam xuất khẩu kể từ ngày 4/3. |
Cục Bảo vệ thực vật cũng yêu cầu các Chi cục kiểm dịch thực vật thông báo và hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị tốt các lô hàng xuất khẩu đáp ứng quy định của Hàn Quốc. Kiểm tra chặt chẽ xuất xứ và tình trạng sinh vật gây hại đối với các lô hàng xuất khẩu nhằm đảm bảo đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của Hàn Quốc. |
Năm nay, do điều kiện thời tiết thuận lợi, cà rốt được mùa cho sản lượng, chất lượng và giá thành tăng cao hơn so với những năm trước đó. Ngoài tiêu thụ nội địa, cà rốt Cẩm Giàng còn được xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc… |
Vụ này, gia đình anh Vũ Văn Quang ở xã Đức Chính trồng 1,3 mẫu cà rốt và đã thu hoạch được khoảng 70%. Theo anh Quang cho biết, một sào cà rốt có năng suất từ 1,8 – 2,5 tấn. Tại thời điểm hiện tại, với giá bán từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, người dân có thể thu được trên 100 triệu đồng/ha. |
Huyện Cẩm Giàng có khoảng 500ha trồng cà rốt tập trung tại 2 xã Đức Chính và Cẩm Văn. Toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích cà rốt. Với khoảng 200ha còn lại, người nông dân có thể thu hoạch bạc tỷ trong vụ này. |
Ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho biết, cái khó của cà rốt năm nay là vấn đề lưu thông chứ không phải vấn đề tìm đầu ra. Vừa qua, bằng nhiều nỗ lực Hải Dương đã giải quyết bài toán thông thương hàng hoá để các xe chở hàng nông sản, trong đó có cà rốt có thể đến các nơi trung chuyển phục vụ cho xuất khẩu. |
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương cho biết, hiện toàn tỉnh còn khoảng 30.000 tấn cà rốt chờ thu hoạch. Ngoài ra, có khoảng 5.000 tấn cà rốt đã thu hoạch, đang được bảo quản trong kho lạnh chờ xuất khẩu. |
Đối với những chốt kiểm soát khác không kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa, tiếp tục duy trì kiểm soát phương tiện chở người, vận chuyển hành khách, phương tiện thô sơ chở hàng hóa, người đi bộ. Đồng thời các chủ phương tiện, chủ giao nhận hàng hóa cũng chủ động giám sát lái xe và phụ xe thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trên cánh đồng, hay tại nơi chế biến cà rốt xuất khẩu, nụ cười đã trở lại. |
>>> Mời độc giả xem thêm video Khu vườn nông sản lạ tại Đà Lạt> Nguồn: VTV1