[e-Magazine] ĐBQH, Cô giáo Nàng Xô Vi: Truyền cảm hứng “bước ra cổng làng”
Từ câu chuyện của chính mình, đại biểu Quốc hội, cô giáo Nàng Xô Vi muốn truyền cảm hứng cho học sinh về khát vọng “bước ra cổng làng”, vượt khỏi “vùng an toàn”, dám bứt phá.
“Ngày còn nhỏ, thần tượng của chúng tôi là các thầy cô giáo. Từ miền xuôi về với học trò nghèo vùng cao, các thầy cô đã dành cho chúng tôi một tình yêu thương vô bờ bến. Tôi ước muốn, sau này cũng trở thành một giáo viên, đem tình yêu, con chữ đến cho các em nhỏ người dân tộc ít người.
Khi là một cô giáo rồi, nhìn gương mặt hạnh phúc của các em, thấy niềm hy vọng các em gửi gắm nơi tôi, tôi muốn truyền lại cho các em niềm cảm hứng mình đã từng nhận năm xưa từ các thầy cô của mình”, cô giáo Nàng Xô Vi xúc động.
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, cô giáo Nàng Xô Vi cho biết, cô sinh ra và lớn lên ở thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), là người dân tộc Brâu.
Cuộc sống người dân thôn Đăk Mế lúc đó vô cùng khó khăn, chỉ lo bữa ăn đã chật vật, nói gì tới chuyện cho con cái tới trường. Cả thôn Đăk Mế chỉ có khoảng từ 5-7 người đi học (sau này có 5 người tốt nghiệp THPT, kể cả Nàng Xô Vi).
Không đi học sẽ không biết chữ, không biết chữ sẽ không có hiểu biết, không có hiểu biết thì cuộc sống tiếp tục nghèo đói đi cùng với những hủ tục… cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại. Những cô gái người Brâu như Nàng Xô Vi, nếu không đi học, lớn lên, ở tuổi thiếu nữ đã đi lấy chồng.
Khi Nàng Xô Vi học cấp 2, từ những kiến thức đã biết, trong lòng cô bé Nàng Xô Vi khi ấy đã nhen nhóm lên ngọn lửa, nhất định phải “bước ra cổng làng”, khao khát muốn thay đổi cuộc sống.
Nhà nghèo, hành trang suốt thời đi học của Nàng Xô Vi chỉ là chiếc túi nilon đựng sách vở, nhưng khát vọng đối với con chữ đã khiến đôi chân cô học trò vùng cao dường như không biết mỏi, cái bụng quên mất đói.
Học xong tiểu học, Nàng Xô Vi phải đối diện với khó khăn đến từ chính cha mẹ mình. Do chưa hiểu được giá trị của con chữ, cha mẹ Nàng Xô Vi không muốn cho con gái tiếp tục học lên. Các bạn cùng trang lứa với Nàng Xô Vi cũng đều nghỉ học, ở nhà, phụ giúp bố mẹ làm kinh tế. May mắn, Nàng Xô Vi đã được người trưởng thôn tuyệt vời - già Thao Lợi - giúp đỡ.
Trưởng thôn Thao Lợi đã đến nhà vận động, thuyết phục cha mẹ Nàng Xô Vi cho con gái đi học. Nhưng khi đi nộp hồ sơ, Trường PTDT nội trú tỉnh đã ngừng tuyển sinh. Không bỏ cuộc, Trưởng thôn Thao Lợi lặn lội tới tận Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum để xin học cho Xô Vi. May mắn, đề nghị được chấp nhận, thế là Xô Vi không phải bỏ dở ước mơ của mình.
Vượt qua bao khó khăn, vất vả, hè năm 2014, Xô Vi trở thành cô gái người Brâu đầu tiên đậu đại học. Trưởng thôn Thao Lợi lại đứng ra vận động bà con chung tay góp sức để Nàng Xô Vi có thể theo đuổi con đường học vấn.
“Đậu đại học, lần đầu tiên bước ra khỏi tỉnh mình, tôi thấy thế giới thật rộng lớn. Tôi tự nhủ sẽ học thật tốt, rồi quay về để không phụ tấm lòng của người dân quê tôi dành cho tôi. Không có sự giúp đỡ của họ, cũng không có tôi ngày hôm nay”, Nàng Xô Vi tâm sự.
Năm 2018, tốt nghiệp đại học, Xô Vi làm giáo viên thỉnh giảng ở Trung tâm Giáo dục phổ thông - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM. Tháng 6/2020, Xô Vi thi đậu viên chức Trường PTDT nội trú tỉnh và được phân về phân hiệu huyện Ia H’Drai (Kon Tum) công tác.
Ngày 23/5/2021, tại kỳ bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân và đại biểu Quốc hội khóa XV, cô giáo Nàng Xô Vi được đề cử, để bầu cử thành đại biểu Quốc hội khóa XV. Sau đó, cô giáo sinh năm 1996 đã chính thức trở thành đại biểu Quốc hội trẻ nhất của ngành Giáo dục.
Xô Vi cũng là nữ đại biểu duy nhất đại diện cho tiếng nói của hơn 500 đồng bào dân tộc Brâu tại hội trường Diên Hồng, cùng tham gia, quyết định về những quyết sách trọng đại của đất nước.
Trưởng thành từ gian khó, nhận được sự giúp đỡ, yêu thương từ tấm lòng bao người, khi trở thành một giáo viên, trở về quê hương công tác, cô giáo Nàng Xô Vi cũng dành cho các học trò của mình tất cả tình yêu và tâm huyết.
“Tôi yêu thương các em bằng tấm lòng người cô, người chị, người mẹ. Tôi luôn nói với các em, tôi chỉ là người hướng dẫn, còn các em mới là chủ thể trong học tập, nghiên cứu. Quan điểm dạy học của tôi, một giáo viên giỏi không phải là dạy học sinh giỏi để giỏi hơn, mà là dạy học sinh yếu trở nên tốt hơn”, đại biểu Nàng Xô Vi chia sẻ.
Trao đi yêu thương, yêu thương nhận lại, các học trò cũng đã yêu cô giáo của mình với tất cả sự mộc mạc, hồn nhiên mà chân thành của học trò miền núi. Có những kỷ niệm mà khi nghĩ lại, cô giáo Nàng Xô Vi vẫn thấy rưng rưng.
“Giai đoạn tôi công tác ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn, những ngày lễ, Tết, hay Ngày Nhà giáo Việt Nam, món quà mà các học sinh mang đến tặng tôi là những trái bầu, quả bí, mớ tôm, mớ tép mà chính các em hay gia đình đi bắt được. Cô giáo cũng chẳng có gì nhiều tiếp đãi các em, chỉ nấu một nồi chè thật to. Thế mà cả cô và trò vui lắm”, đại biểu Nàng Xô Vi xúc động.
Đại biểu Nàng Xô Vi chia sẻ, cô cảm thấy biết ơn những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn và giai đoạn đi dạy ở những vùng gian khổ như thế, mà cô mới thấu hiểu được nỗi khó khăn, vất vả của thầy và trò nơi đây. Từ đó, làm cháy sáng hơn khát vọng muốn truyền cảm hứng, kiến thức, để các em có khát vọng thay đổi cuộc sống.
Là đại biểu Quốc hội, cô giáo Nàng Xô Vi có cơ hội đem những tâm tư, nguyện vọng của các cử tri ngành giáo dục, đặc biệt là của các thầy cô giáo vùng cao đến với nghị trường, đóng góp chính sách.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Luật Nhà giáo được trình Quốc hội, theo đại biểu Nàng Xô Vi, đây là một điều rất phấn khởi đối với các giáo viên.
Một trong những vấn đề mà đại biểu Nàng Xô Vi quan tâm, góp ý vào Dự thảo Luật, là tình trạng thiếu giáo viên ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Theo đại biểu, định mức biên chế giáo viên tuy được quan tâm bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu so với số học sinh tăng hằng năm. Cũng chưa có chính sách đủ mạnh về tạo nguồn, tuyển dụng, hỗ trợ giáo viên để thu hút các nhà giáo đến công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Để từng bước giải quyết các tồn tại trên, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển nhà giáo, tuyển dụng đặc cách nhà giáo và có các chính sách hỗ trợ đủ mạnh để để thu hút các nhà giáo đến công tác lâu dài ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 6.
“Cần có các chính sách đặc thù hỗ trợ cho Nhà giáo người dân tộc thiểu số tham gia các chương trình, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, như học bổng, chế độ trợ cấp để đảm bảo họ có đủ điều kiện tiếp cận và có cơ hội phát triển chuyên môn”, đại biểu Nàng Xô Vi nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, quy định Luật cũng cần bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
“Nhiều thầy cô giáo đã dành cả tuổi thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp cõng con chữ lên non. Cần có những chính sách để hỗ trợ để giữ chân nhà giáo, để họ yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho giảng dạy, không phải lo lắng quá nhiều về cuộc sống, trong đó có vấn đề chỗ ở cho bản thân và gia đình”, đại biểu Nàng Xô Vi chia sẻ.
Mời quý độc giả xem video: ĐBQH, cô giáo Nàng Xô Vi chia sẻ những kỷ niệm xúc động về nghề giáo bên hành lang Quốc hội. Video do phóng viên Mai Loan thực hiện.
Chân dung nhà giáo nổi tiếng nhất trong cổ sử Việt Nam
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cùng điểm lại sự nghiệp của những nhà giáo nổi tiếng trong cổ sử Việt Nam.
Chu Văn An (1292 - 1379) tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ân, tên chữ là Linh Triệt, là nhà giáo nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông từng thi đỗ Thái học sinh nhưng không thích việc quan trường nên ông mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung bên sông Tô Lịch (Hà Nội).
10 câu nói lay động triệu người về nghề nhà giáo và sự học
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cùng điểm lại những câu nói bất hủ về nghề nhà giáo và sự học từ những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử thế giới.
“Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình” - Socrates (? - 399 TCN), triết gia Hy Lạp cổ đại.
Thầy giáo mầm non 12 năm bám bản hết lòng vì đàn em thơ
Làm cô giáo mầm non đã vất vả, vậy mà thầy Lê Văn Thắng lại còn là thầy giáo mầm non. Nhưng với tình yêu vô hạn, thầy Thắng đã bám bản, bám trường, vượt qua bao trở ngại hết lòng vì đàn em thơ.
Thầy giáo mầm non và những trải nghiệm “đặc biệt”
Khi nói tới giáo viên mầm non, thường ta sẽ hình dung về hình ảnh các cô giáo tươi trẻ hát hay, múa dẻo, khéo léo với các con. Thế nhưng, bao năm nay, thầy Lê Văn Thắng, hiện là giáo viên tại điểm trường thôn Lếch Mông B (điểm trường lẻ của Trường Mầm non Thanh Kim, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã vừa là người thầy, người cha, người mẹ dạy dỗ, chăm sóc các em nhỏ vùng cao.
Nhà giáo ưu tú nỗ lực vượt khó 'giữ lửa' giáo dục vùng cao
Nhiều thầy cô hiện đang công tác ở miền núi khó khăn, nỗ lực vượt gian khó, giữ lửa nghề, năng động sáng tạo vì học sinh thân yêu.
Trong số 1.031 Nhà giáo ưu tú trên toàn quốc vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu, nhiều thầy cô đang công tác ở miền núi khó khăn.
Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực vượt gian khó, giữ lửa nghề, năng động sáng tạo vì học sinh thân yêu. Đồng thời là nguồn động viên để các thầy cô tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng sâu, xa.
Maria Montessori: Từ bác sĩ nhi khoa tới nhà giáo dục tiên phong
Maria Montessori là một nhà khoa học và nhà giáo dục tiên phong, người đã truyền cảm hứng cho các giáo viên, cha mẹ trên toàn cầu với phương pháp Montessori ưu việt.
Maria Montessori (1870 - 1952) sinh ra ở Chiaravelle (nước Ý), và mất tại Noordwijk (Hà Lan). Trưởng thành trong một môi trường đầy tư tưởng bảo thủ với địa vị xã hội của phụ nữ, Maria phải tự lập, tự lao động và tự học. Bà là một tấm gương về tinh thần tiến bộ, có đam mê sâu sắc với tri thức, và luôn nỗ lực, cố gắng hết mình để đạt được thành công.