“Ém” đồng nào hay đồng nấy

Cuộc sống hôn nhân xuất hiện những vết rạn nứt, người trong cuộc thường tìm cách thu vén, lập “quỹ đen” để đỡ thiệt thòi khi đường ai nấy đi.

Khi ly hôn, việc phân chia tài sản thường được nhiều cặp vợ chồng thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì nhờ tòa án giải quyết. Nghe có vẻ đơn giản, tuy nhiên trên thực tế có nhiều vụ rất phức tạp, kéo dài. Khó ngay từ khâu đầu tiên - kê khai tài sản. Là tài sản chung của vợ chồng nhưng mỗi người lại kê khai theo cách riêng, cốt sao mình có lợi nhất.

“Ém” đồng nào hay đồng nấy

Trong một buổi trợ giúp pháp lý cho phụ nữ ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), lúc chương trình vừa kết thúc, chị Thanh Hà (*) rón rén theo chân các luật sư thuộc Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ số 6 khi đoàn chuẩn bị ra về. Níu vai một nữ luật sư, chị ngượng ngùng kể: Vợ chồng chị đang làm thủ tục ly hôn, nhờ tòa chia tài sản. Biết chị có gửi tiết kiệm, chồng đòi chia phần. Cho đó là khoản tiền tích cóp riêng, chị không chấp nhận. Chồng lục tung cả nhà, lấy sổ tiết kiệm, giấy chứng minh nhân dân của chị và chứng nhận kết hôn, ra ngân hàng rút tiền, nhưng không được vì không phải là chủ tài khoản. Sau đó, chồng giấu giấy tờ của chị và lên tòa án bổ sung số tiền trong sổ tiết kiệm vào danh sách tài sản đã kê khai.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chị nài nỉ: “Luật sư làm ơn chỉ tôi cách để giữ nguyên số tiền tiết kiệm gần hai trăm triệu này”. Luật sư giải thích, khoản tiền đó có được nhờ thu nhập hợp pháp của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nên phải kê khai đầy đủ vào khối tài sản chung. Chị đổi giọng: “Nhưng chia cho anh ta có đáng không? Anh ta kiếm tiền nhiều hơn tôi nhưng là người vô trách nhiệm với gia đình, suốt ngày ăn chơi đàn đúm, bạo hành vợ con. Nếu tôi không quản chặt hầu bao thì giờ này làm gì còn tài sản để mà chia với chác. Chia nhà đất đã là may phước với anh ta rồi. Tôi không tham lam, không muốn tranh giành, cả đời nhịn ăn nhịn mặc chỉ mong để dành chút gì cho con. Có tiền, anh ta sẽ nướng hết vào những cuộc chơi chứ làm gì đến phần các con mình. Với người đàn ông như thế, tôi ém lại được đồng nào hay đồng nấy mà không sợ tiếng xấu”. Phải mất khá nhiều thời gian, chị mới có thể tiếp nhận lời tư vấn của luật sư, thừa nhận công sức đóng góp của chồng vào khối tài sản chung, trong đó có tài khoản ngân hàng.

Thâu tóm

Chị Kim Hồng (ngụ Q.7, TP.HCM) ít quan tâm đến công việc làm ăn của chồng. Giỏi giang, năng động, quan hệ rộng, anh Nguyễn Hải, chồng chị kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, khi thì hùn hạp mở quán ăn, khi thì góp vốn vào dịch vụ mát xa, karaoke, khi lại “đánh” sang mảng tập thể hình… Anh chị sống ở nhà ba mẹ chồng, hai căn nhà mua được thì cho thuê, anh thu tiền hàng tháng. Khi cần vốn đầu tư, anh Hải đề nghị ký giấy bán nhà, chị Hồng không mảy may nghĩ ngợi.

12 năm chung sống, không có con, tình cảm vợ chồng phai nhạt dần. Anh có vợ bé, con rơi. Từ chỗ lén lút, anh dần “chơi bài ngửa”: “Đàn ông phải năm thê bảy thiếp. Cô vô sinh, không biết thân biết phận còn đòi hỏi. Cô muốn sống êm ấm, sướng thân thì phải chấp nhận, còn không thì cứ tay trắng ra đi”. Không chịu nổi, chị Hồng nộp đơn ly hôn và nhờ tòa giải quyết vấn đề tài sản.

Của cải khá nhiều nhưng hiện chị Hồng chỉ “nắm” được mỗi cái nhà mua bốn năm sau ngày cưới. Nhà đang ở là của ba mẹ chồng, chị chỉ có thể chứng minh đã góp ít tiền sửa chữa. Chị phỏng đoán tiền vốn trong tay chồng không dưới hai tỷ đồng nhưng chẳng biết làm sao để chồng kê khai đầy đủ. Hỏi đến, chồng chị trả lời nhát gừng: “Làm ăn thua lỗ hết rồi. Bây giờ chỉ làm công ăn lương cho mấy thằng bạn”. Nhìn cách tiêu xài và thái độ của chồng, chị biết chồng đang giấu.

Suốt thời gian dài, chị Hồng loay hoay khổ sở thu thập manh mối tài sản. Chị quyết định kê khai tất cả những công ty, cơ sở, dịch vụ mà trước đây chồng từng nói có hùn vốn, gồm 11 nơi, “thà nhầm hơn bỏ sót”.

So với “của nổi” thì “của chìm” dễ tẩu tán hơn, nhất là khi mối quan tâm, hiểu biết về vợ/chồng đã lỏng lẻo trong giai đoạn tiền ly hôn. Cuộc sống hôn nhân xuất hiện những vết rạn nứt, người trong cuộc thường tìm cách thu vén, lập “quỹ đen” để đỡ thiệt thòi khi đường ai nấy đi. Kéo nhau ra tòa, nhiều người mới hối hận vì trước đây đã quá vô tư, không biết bạn đời đã lấy phần tài sản, thu nhập của gia đình để cho người khác mượn, gửi hoặc đầu tư nơi nào. Dù đó là tài sản chung của vợ chồng nhưng khi gửi tiết kiệm ngân hàng, mua cổ phần… không cần khai báo tình trạng hôn nhân như khi mua bất động sản, dẫn đến chuyện một người toàn quyền giao dịch. Trường hợp đối phương không khách quan, trung thực khi kê khai tài sản, người còn lại phải chịu thiệt hay vẫn có cách để bắt những “hộp đen” mở miệng?

Chỉ vì tiền, không yêu cũng cố giữ

Muốn níu giữ hôn nhân không vì yêu mà chỉ vì tài sản, con cái, sĩ diện... thì chỉ gây ra sự bất hạnh cho cả hai.

Gá nghĩa vợ chồng được 10 năm, một ngày nọ, ông Bình - ngụ ở quận Tân Bình, TP HCM - biết tin bà Hương, vợ ông, đã nộp đơn đơn phương xin ly hôn tại TAND quận. Vừa bất ngờ, tức giận vừa không cam tâm để bà đến với nhân tình, ông xuống nước năn nỉ vợ rút đơn ly dị.

Tài sản không đổi được hạnh phúc

Để chứng tỏ “tấm chân tình”, ông Bình đã soạn thảo bản “hợp đồng hôn nhân”. Trong bản hợp đồng, hai bên cam kết: Nếu bà Hương đồng ý rút đơn xin ly hôn thì sau này ông sẽ chia cho bà 60% tài sản, là giá trị 2 căn nhà mà ông đứng tên. Bà Hương đồng ý.

Thế nhưng, chưa đến 1 năm sau, ông bà lại dắt nhau ra tòa xin ly hôn. Tại phiên sơ thẩm, TAND quận Tân Bình quyết định cho ông bà ly hôn. Khi phân chia tài sản, vì 2 căn nhà có trước hôn nhân nên tòa phán bà Hương chỉ được nhận một nửa phần tài sản mà 2 ông bà đã tạo dựng được trong thời gian chung sống, gồm: xe máy, nồi cơm điện, máy lạnh và một số đồ dùng lặt vặt khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Bà Hương làm đơn kháng cáo yêu cầu ông Bình phải thực hiện lời hứa chia 60% giá trị 2 căn nhà cho bà. Trình bày tại phiên tòa phúc thẩm, ông Bình cho rằng bà Hương là người phá vỡ giao ước, không thực hiện đúng thỏa thuận trong bản hợp đồng là tiếp tục xây dựng gia đình hạnh phúc cùng ông. Bà Hương đáp lại: “Hạnh phúc phải do 2 người vun đắp, một mình tôi làm sao làm được. Ông ấy suốt ngày khủng bố tinh thần tôi, chửi tôi ra rả”. “Nhân tình của bà ấy cứ đúng 12 giờ đêm lại nhắn tin chọc tức tôi khiến tôi không thể nào ngủ được, tôi không nổi nóng với bà ấy mới lạ” - ông Bình phản pháo. Vị chủ tọa phiên tòa đề nghị: “Hoàn cảnh bà Hương rất khó khăn, không có tài sản, chỗ ở. Dù ông bà đã ly hôn nhưng đã có 10 năm chung sống, không còn tình cũng còn nghĩa với nhau. Ông có thể hỗ trợ cho bà Hương một khoản tiền?”. Ông Bình đáp gọn hơ: “Tôi không có tiền”.

Không yêu cũng giữ

Với lý do không còn tình cảm với nhau và đã ly thân hơn 2 năm, anh Sơn, nhà ở quận Phú Nhuận, TP HCM, nộp đơn xin ly hôn. Xét thấy mâu thuẫn giữa hai vợ chồng không nghiêm trọng đến mức phải ly hôn, tòa sơ thẩm tuyên bác đơn của anh Sơn. Anh kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Lam, vợ anh, tiếp tục bảo vệ ý kiến của mình. Chị trình bày: Cách đây 2 năm, tình cảm vợ chồng vẫn tốt đẹp nhưng do anh Sơn bị stress trong công việc nên đề nghị được sống riêng để ổn định lại tinh thần. Thương chồng, chị đồng ý và tạo mọi điều kiện để anh sớm hồi phục chứ không phải ly thân. Còn anh Sơn khẳng định: “Vợ tôi không chịu ly hôn chẳng phải vì còn yêu tôi mà vì sợ phải chia đôi tài sản mà cô ấy cho rằng một tay mình tạo dựng nên. Suốt 6 năm chung sống, cô ấy luôn cho mình tài giỏi, kiếm được nhiều tiền nên coi thường tôi. Đã vậy, 2 năm tôi sống riêng, cô ấy cũng chẳng thèm ngó ngàng tới. Thậm chí, khi đưa con đến gặp tôi, cô ấy cũng muốn tránh mặt, thấy tôi ra là cô ấy đi ngay”.

Khi chủ tọa phiên tòa phúc thẩm nhận định: “Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chưa đến mức phải ly hôn. Anh hãy vì con mà suy nghĩ lại”. Anh Sơn bật khóc: “Tòa không hiểu, với tòa là không nghiêm trọng nhưng với tôi là nghiêm trọng. Tôi là giáo viên nên dù tức giận đến mấy cũng không bao giờ động tay động chân với vợ. Nếu tòa xét khi có bạo lực gia đình mới nghiêm trọng thì có lẽ tôi chẳng bao giờ được ly hôn”.

Kết thúc phiên tòa với kết quả y án sơ thẩm, chị Lam nhanh chóng đi ra bãi giữ xe, chẳng thèm nhìn chồng. Còn anh Sơn ngồi phịch xuống ghế đá trong sân tòa, ngửa mặt lên trời thiểu não.

Hết yêu, hãy cư xử đẹp

“Đời sống hôn nhân không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Những khi sóng gió là lúc cả hai nên bình tĩnh suy xét lại tình cảm của mình, tránh đưa ra những quyết định sai lầm trong một phút nóng giận, bốc đồng. Khi tình yêu không còn, chúng ta cũng nên cư xử thật đẹp để chứng tỏ bản lĩnh của mình. Muốn níu giữ hôn nhân không vì yêu mà chỉ vì tài sản, con cái, sĩ diện... thì chỉ gây ra sự bất hạnh cho cả hai” - bà Lê Thị Thùy Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Những người bạn, chia sẻ.

Hợp đồng níu kéo hôn nhân

Với ông là sự sòng phẳng đến cạn nghĩa, với bà là để “được chút gì” từ cuộc hôn nhân, sau phán quyết ly hôn của tòa.

Ông cho là bà đến với ông vì thực dụng. Bà khẳng định, nếu không yêu, sao có thể gắn bó cùng ông suốt mười năm. Ai cũng có lý lẽ biện minh cho mục đích của mình. Với ông là sự sòng phẳng đến cạn nghĩa, với bà là để “được chút gì” từ cuộc hôn nhân, sau phán quyết ly hôn của tòa.

Nạn nhân của một sự toan tính?

Trước khi đến với nhau, ông có nhà riêng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Cưới xong, ông đón bà về chung sống, một năm sau phải chuyển chỗ ở vì nhà nằm trong quy hoạch. Tiền đền bù cộng với tiền dành dụm, ông mua hai căn chung cư, một ở Q.Gò Vấp, một ở Q.Bình Thạnh. Theo ông, đó là tài sản riêng nên sau ly hôn, phải thuộc về ông. Bà đồng ý là hai căn chung cư được mua từ tiền của ông, nhưng khoản thêm vào để mua cho đủ không phải do ông dành dụm mà là tiền mừng cưới của hai người và vay mượn người khác, nay đã trả xong. Bà khẳng định, như vậy là bà có công đóng góp và đó là tài sản tạo dựng trong quá trình hôn nhân nên ly hôn, bà phải được chia phân nửa. Tháng 9/2013, xử sơ thẩm, tòa tuyên ly hôn theo yêu cầu của ông, tài sản là của riêng ông, không phải chia cho bà. Thuận tình với bản án ly hôn nhưng bà kháng cáo quyết định không chia tài sản.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Phiên phúc thẩm ở TAND TP.HCM sáng 22/1, phản bác lý lẽ của bà, ông nói: “Khi đến với nhau, bả đâu có gì, mọi khoản lo đám cưới đều tự tôi bỏ ra thì tiền mừng cưới tất nhiên tôi phải thu về, là của tôi”. Bà nghe vậy, rưng rưng: “Của chồng, công vợ. Tôi sống với ông mười năm, nay ly hôn trong tình cảnh bệnh tật, không tiền bạc, không chốn dung thân, mong ông nghĩ lại”. Tòa cũng giải thích, dù thời gian chung sống không quá dài nhưng không phải là ngắn để ông có thể quay lưng trong hoàn cảnh bà không có gì để ổn định cuộc sống riêng. Ông quả quyết: “Tôi không chia cho ai hết. Đi bộ đội về tay trắng, tự tôi gầy dựng, tất cả là mồ hôi nước mắt của tôi”. Nói xong, ông bất ngờ... chảy nước mắt, chùng giọng kể về cuộc hôn nhân mà theo ông, bản thân mình là nạn nhân của một sự toan tính…

"Sòng phẳng"

Ông đã 65 tuổi, từng có một đời vợ và hai con. Ly hôn một thời gian khá lâu ông mới đến với bà - nhỏ hơn ông 18 tuổi. Ông chậm rãi: “Đó là năm 2002, trong một cuộc họp mặt bạn cũ, người bạn nói có cô em vợ độc thân muốn làm mai cho tôi. Tuổi này, nghĩ mình cũng cần một người để sớm hôm chăm sóc cho nhau nên tôi thuận lòng”. Đám cưới diễn ra sau chưa đầy hai tháng tìm hiểu, nên chung sống ông mới nhận ra đó là một sai lầm. Sở dĩ ông mua hai căn chung cư vì nhận thấy mâu thuẫn giữa bà và các con ông ngày càng trầm trọng. Ông và bà ra riêng, hạnh phúc kéo dài đến năm 2009 thì mọi sự thay đổi. Đăng ký cho bà học một lớp kế toán, ông không ngờ đã tạo cơ hội để bà có nhân tình. Một hôm, bà về khoe với ông là mình đang có thai, hỏi: “Anh sẽ cho mẹ con em những gì?”. Đã mất lòng tin vào sự thủy chung của người đầu ấp tay gối nên ông đanh giọng: “Cô sinh xong rồi thử ADN, nếu con tôi cô muốn gì được nấy, nếu không thì tôi không có trách nhiệm”.

Câu trả lời của ông khiến bà giận, vài tuần sau thì thông báo… sẩy thai. Hai người sống với nhau trong ngờ vực thêm một thời gian thì bà bất ngờ gửi đơn xin ly hôn. Ông năn nỉ, thuyết phục, cuối cùng bà đồng ý rút đơn nhưng đổi lại, một hợp đồng níu kéo hôn nhân được lập giữa hai người. “Hợp đồng” ghi rõ: nếu bà sống đúng với vai trò, trách nhiệm của người vợ; gia đình yên ổn, hạnh phúc thì sau này có chuyện gì, trong trường hợp ông mất trước, tất cả tài sản sẽ để lại cho bà; còn nếu ông đòi ly hôn trước, sẽ phải chia cho bà 60% tài sản. “Hợp đồng” ký kết không lâu thì chính ông đứng đơn xin ly hôn. Ông lý giải: “Tôi chịu không thấu nữa. Một phần, tôi đâu làm gì mà bà ấy liên tục gửi đơn tố cáo tôi bạo hành, gia trưởng, có hành vi thô lỗ. Phần khác, bà ấy vẫn lén lút với nhân tình. Ngày nào tôi cũng nhận tin nhắn chửi bới, xúc phạm từ tình nhân của bà ấy”. Bà phản bác, những gì ông nói đều không có chứng cứ nên bà không muốn cãi. Giải thích chuyện thực dụng, bà quả quyết, nếu không yêu, cuộc hôn nhân liệu có thể kéo dài đến ngần ấy năm?

Hợp đồng vô giá trị

Tòa xác định, về pháp lý, hợp đồng níu kéo hôn nhân giữa hai người hoàn toàn không có giá trị; nhưng nếu xét về tình, “sức nặng” của nó có hay không tất cả thuộc về ông. Chậm rãi trình tòa bản xác nhận tài sản, ông kể: “Một hôm, bà ấy đòi chia đồ đạc trong nhà, cái gì của ai người đó lấy. Tôi với bà ấy ngồi kê chi tiết từng món đồ của mỗi người, từ chiếc giường đến ti vi, bộ bàn ghế. Cái nào lấy được bà ấy đã mang đi hết, cái nào không lấy được thì ép tôi mua. Không có tiền, tôi phải vay mượn để mua lại. Bà ấy tính toán sòng phẳng đến vậy thì đòi hỏi tình nghĩa gì ở tôi?”. Bà im lặng. Tòa tuyên không chấp nhận kháng cáo của bà.

Ông hoan hỷ sau phán quyết của tòa. Trong khi bà lầm lũi bước nhanh thì ông kéo tay người dự khán kể chuyện. Tổng kết cuộc hôn nhân, ông nói, ngày này là cái giá - ra đi tay trắng - bà phải trả cho sự thực dụng, tính toán khi đến với ông. Ngày này cũng là cái giá - hôn nhân đổ vỡ - ông nhận lãnh cho sự vội vàng, không tìm hiểu kỹ… Ly hôn là chuyện riêng của mỗi gia đình, phải là người trong cuộc mới hiểu hết những khúc mắc, mâu thuẫn nảy sinh suốt quá trình chung sống. Nhưng, mười năm hôn nhân lẽ nào chỉ có sự toan tính tồn tại? Phải còn có những yêu thương, nghĩa tình mà những người trong cuộc hoặc đã quên, hoặc không muốn nhắc đến nên mới quá lạnh lùng, sòng phẳng với nhau…

Tin mới