Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk đưa ra một cảnh báo ảm đạm rằng EU sẽ có “không quá hai tháng” để giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn, bằng không sẽ đối mặt với sự sụp đổ của khu vực Schengen miễn thị thực.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk. |
Phát biểu trước Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg ngày 19/1, ông Donald Tusk nói rằng Liên minh Châu Âu dường như không thể giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Được biết, Đức là nền kinh thế lớn nhất trong khối EU và là điểm đến chính của người di cư khi tới Châu Âu.
“Chúng ta không có quá hai tháng để đưa mọi việc vào tầm kiểm soát”, Chủ tịch EC Tusk phát biểu. "Cuộc họp của EC tháng Ba tới là thời điểm cuối cùng để xem chiến lược của chúng ta có hiệu quả hay không. Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như sự sụp đổ của khối Schengen”, ông nói tiếp.
Cuộc họp thượng đỉnh của EC diễn ra vào ngày 17-18/3 tới sẽ chủ yếu tập trung vào cuộc khủng hoảng tị nạn và nhập cư.
Được biết, hệ thống Schengen đã tạm ngừng ở một số quốc gia như Đan Mạch, Đức và Thụy Điển. Các quốc gia này đưa ra các biện pháp kiểm soát khu vực biên giới nhằm ngăn dòng người tị nạn vào nước mình.
Chủ tịch EC Tusk nói thêm, chính phủ các nước EU đã thất bại trong việc hạn chế dòng người tị nạn và di cư đổ vào Châu Âu. Năm ngoái, hơn một triệu người đến Châu Âu và con số dường như không có dấu hiệu giảm xuống trong những tháng mùa đông.
Hy Lạp báo cáo 100 nghìn người tị nạn đã vào nước này chỉ tính riêng trong tháng 12, trong khi hàng nghìn người tị nạn bị bắt trong điều kiện thời tiết dưới 0 độ C khi họ đang cố vượt qua vùng Balkans để tới Đức.
“Hành động đơn phương đóng cửa đột ngột biên giới của các nước Châu Âu và các quốc gia EU khiến người tị nạn gặp nguy hiểm hơn khi rơi vào tay những kẻ buôn người”, cố vấn của Tổ chức Bác sĩ không biên giới, Aurelie Ponthieu, bình luận.
“Ngày càng nghiều người tị nạn tìm đến những tuyến đường buôn lậu để qua các nước Balkans”, cố vấn Ponthieu nói tiếp.
Chủ tịch EC cho biết ngày 19/1, thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn mang lại hiệu quả. Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận nhiều người tị nạn để đối lấy gói cứu trợ và việc khôi phục các cuộc đàm phán vốn đã bị trì hoãn từ lâu để trở thành thành viên EU.
Cuộc khủng hoảng tị nạn khiến các nước EU tranh cãi gay gắt. Một số quốc gia đổ lỗi cho Hy Lạp và Italy khi họ tiếp nhận quá nhiều người. Trong khi đó, Athens và Romes cho rằng, chính sách mở cửa ban đầu của Đức đã thu hút lượng người tị nạn vượt quá khả năng giải quyết.
Được biết, năm 2015, hơn 3.800 người tị nạn đã bỏ mạng trên hành trình tới Châu Âu.