Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu dự thảo được thông qua, những quy định mới trong dự thảo sẽ tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng của ngành này.
Ngoài việc siết chặt hoạt động thu hồi nợ của các công ty tài chính, dự thảo lần này cũng chia hoạt động cho vay tiêu dùng thành hai loại, cho vay giải ngân gián tiếp và trực tiếp.
Cụ thể, cho vay giải ngân gián tiếp là việc cho vay hỗ trợ việc mua hàng tiêu dùng, mua trả góp với các sản phẩm chủ yếu là xe máy, điện thoại, hàng điện máy….
Trong khi đó, cho vay giải ngân trực tiếp chính là cho vay tiền mặt cũng để phục vụ mục đích tiêu dùng.
Với khoản vay tiền mặt này, các công ty tài chính sẽ giải ngân tiền trực tiếp cho người vay thay vì giải ngân cho bên bán hàng như việc vay mua hàng tiêu dùng.
Các công ty tài chính có thể sẽ không được giải ngân các khoản vay tiền mặt với khách hàng mới. Ảnh: D.T. |
Tuy nhiên, dự thảo lần này quy định rõ các công ty tài chính chỉ được cho vay tiền mặt với những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt và không có nợ xấu theo thông tin trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC).
Theo các chuyên gia từ Công ty chứng khoán HSC, điều này đồng nghĩa với việc các công ty tài chính không được phép cho vay tiền mặt với những khách hàng mới, không có thông tin tín dụng.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất cân đối tỷ trọng cho vay tiền mặt trên tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính tối đa là 30%. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 100 đồng cho vay, các công ty này chỉ được phép cho vay 30 đồng bằng tiền mặt, còn lại phải là các khoản vay hỗ trợ mua hàng.
Thực tế, hiện không hề có số liệu về tỷ trọng cho vay tiền mặt của các doanh nghiệp trong ngành do các doanh nghiệp này vẫn chưa niêm yết. Tuy nhiên, từ các nghiên cứu, HSC cho rằng FE Credit có thể có tỷ trọng cho vay tiền mặt cao nhất trong số 3 công ty tài chính lớn nhất hiên nay (FE Credit, HD Saison, Home Credit nắm 88% thị phần).
Theo đó, tỷ lệ này tại FE Credit được dự đoán vào khoảng 80% dư nợ cho vay, trong khi tại Home Credit là 50% và HD Saison cũng là 40%, cao hơn rất nhiều so với giới hạn 30% trong dự thảo.
“Tuy nhiên, hiện NHNN chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thức và thời điểm mà những công ty tài chính có tỷ trọng cho vay tiền mặt cao hơn quy định phải giảm tỷ lệ. Do vậy, nội dung dự thảo cuối cùng có vẻ sẽ cần thêm thông tin về vấn đề này”, HSC nhận định.
Bên cạnh đó, HSC cũng cho rằng các công ty tài chính hiện này cũng có một tỷ lệ đáng kể khách hàng vay tiền mặt là người mới vay lần đầu, điều mà dự thảo đề xuất cấm.
Các số liệu về tăng trưởng tín dụng của ngành tài chính tiêu dùng cũng cho thấy NHNN đang ngày càng siết chặt hơn đối với ngành này bằng việc áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn cho các công ty tài chính.
Như năm 2018, đây là năm đầu tiên NHNN áp hạn mức tín dụng cho các công ty tài chính giống NHTM truyền thống sau nhiều năm ngành này tăng trưởng bùng nổ.
Cùng năm, hạn mức tăng trưởng tín dụng NHNN dành cho 3 công ty tài chính lớn nhất vào khoảng 26%. Trong đó, FE Credit được phép tăng trưởng 20%, HD Saison và Home Credit vào khoảng 35%.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thực tế tại cả 3 công ty này chỉ là 16,68%. Trong đó, FE Credit chỉ tăng được 18,9%, thậm chí Home Credit và HD Saison chỉ tăng trưởng được khoảng 12,7%.
Trong năm nay, HSC cho rằng hạn mức tín dụng tạm thời đề ra cho 3 công ty trên thậm chí có thể chỉ là 12%. Với FE Credit, hạn mức tín dụng tăng trưởng được giao dự kiến sẽ vào khoảng 10%, trong khi 2 công ty còn lại là khoảng 15%. Những tác động này sẽ ảnh hưởng trực tiếp với doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này trong năm nay.
Riêng với các công ty tài chính nhỏ hơn như MCredit (tăng trưởng tín dụng đạt hơn 200% trong năm ngoái), HSC cho rằng có thể được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm nay (30-35% của dư nợ xấp xỉ 5.000 tỷ) do thị phần còn rất nhỏ.