Dải đất Bắc Hà, Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai vẫn được mệnh danh là “cao nguyên trắng” với bạt ngàn hoa mận. Nổi danh trên mảnh đất ấy là tam đại cao thủ khèn quyền, phái võ cổ truyền của người H’Mông. Trong đó, lão võ sư tên Lý Seo Hồ được nhiều người ca ngợi nhất.
Múa võ kiếm tiền
Chúng tôi tìm gặp ông Lý Seo Hồ, một trong tam đại cao thủ khèn quyền ở bản Phố, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà khi cái nắng đã chuyển gam vàng nhạt. Khác với những hộ dân xung quanh, trong ngôi nhà truyền thống dân tộc H’Mông của gia đình ông Lý Seo Hồ được điểm tô bằng những vật dụng đặc biệt, đó là khèn, gậy, đao, liềm, côn... Đây là võ khí chỉ người học khèn quyền mới có. Những đồ đạc này được ông treo lủng lẳng trên vách, ngay đầu giường đầy trang trọng. Trên mỗi võ khí đều được buộc đuôi nheo màu đỏ.
Một đường quyền uyển chuyển của lão võ sư Lý Seo Hồ. |
Trong ngôi nhà rộng rãi, ông Lý Seo Hồ kê một bộ bàn ghế giữa nhà theo phong cách miền xuôi để tiện cho việc tiếp khách. Ông đón chúng tôi vào bàn và chào mừng bằng những chén rượu mật ong thơm nồng. Mặc dù đại lão võ sư đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn nâng những chén rượu đầy lên môi uống từng hơi ừng ực khiến nhiều người không khỏi “choáng”. Có người buông lời: “Đúng là kẻ trượng phu thường toát lên khí phách hơn người”. Nhìn cái cách uống rượu, ánh mắt sắc lạnh, nước da hồng hào, cơ thể chắc nịch, gân guốc chẳng khác nào thanh niên cường tráng, nhiều người phải trầm trồ, ngưỡng mộ.
Sau những chén rượu chào mừng viễn khách, ông Lý Seo Hồ kể về cái duyên đến với nghiệp võ. Theo đó, ông luyện khèn quyền từ năm 13 – 14 tuổi. Thầy của ông là một cao thủ ở Si Ma Cai. Để học võ, ông đã tu luyện cùng thầy trên núi suốt ba năm ròng. Ban ngày thì kiếm củi, trồng ngô, đêm về đốt lửa múa đao, luyện khèn... Ông “tốt nghiệp”bằng lời căn dặn của thầy rằng: “Từ nay, mày có thể xuống núi múa võ kiếm tiền, thi thố tài năng không thua kém ai”. Rồi một hôm, ông trở về Bắc Hà múa võ trong một dịp lễ đầu xuân. Người ta thấy ông đánh gậy, liềm, đao, thổi khèn đánh võ đẹp như thần thoại mà ngưỡng mộ vô cùng. Kể từ đó, tên tuổi của Lý Seo Hồ lan tỏa khắp “cao nguyên trắng”.
Ông Lý Seo Hồ cho biết: “Khèn quyền thiên về biểu diễn, vì truyền thống của chúng tôi là biểu diễn võ để kiếm tiền. Trước đây, cuộc thi võ có 3 – 4 người và một trọng tài. Người tham gia phải thể hiện được võ công cao cường thông qua các đường quyền uyển chuyển, mềm mại nhưng tinh tế. Thể lệ sẽ do chính người thi thỏa thuận với nhau. Có thể múa võ tay không, múa liềm, gậy, đao, khèn... tùy ý. Người múa hay sẽ được trọng tài chấm giải nhất. Phần thưởng cho người chiến thắng là những chén rượu ngô nồng ấm và tiếng vỗ tay như mưa rào. Sau này là thịt và tiền. Đến nay, trong lễ hội đầu năm, chính quyền thưởng tiền thay cho rượu, thịt. Người giải nhất có thể được 1 – 2 triệu đồng tùy ngân sách địa phương. Ngoài ra, võ sĩ có thể múa ở chợ để phục vụ khách du lịch, sau đó, mọi người sẽ cho tiền”.
Hai cha con đều là cao thủ
Trong cộng đồng người H’Mông ở huyện Bắc Hà và Si Ma Cai hiện còn rất ít người học khèn quyền. Những cao thủ như ông Lý Seo Hồ cũng chỉ có gần chục đệ tử. Trong số này, gần như không ai có tố chất học võ hoặc họ dành mối quan tâm cho việc khác.
Ông Lý Seo Hồ nhẩm tính: “Ở huyện Si Ma Cai có hai cao thủ. Một người bằng tuổi tôi, nhưng đã theo vợ sang Lào sinh sống. Người này coi như không tính. Người thứ hai tên là Giàng A Thào, ít hơn tôi 12 tuổi, hiện đang sinh sống ở ngọn núi cao cách chợ Si khoảng 15km. Ở Bắc Hà có tôi và con trai cả của tôi là Lý Seo Phỏng, năm nay đã 67 tuổi. Như vậy, “cao nguyên trắng” còn 3 cao thủ”.
Tiêu chí để một võ sĩ có được coi là “cao thủ” hay không dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất là năng khiếu âm nhạc, tức là phải biết nghệ thuật thổi khèn. Thứ hai là năng khiếu học võ. Bởi khèn quyền yêu cầu võ sĩ vừa thổi khèn mua vui cho mọi người lại vừa thi triển các thế võ làm sao cho đẹp mắt, được nhiều người hưởng ứng.
Theo ông Lý Seo Hồ thì người học khèn quyền phải có 3 tố chất cần thiết mà ông gọi là “đầu – tay – tim”. Nghĩa là cái đầu phải nhạy bén, tai nghe tiếng khèn, tay múa võ. Bởi mỗi điệu khèn ứng với từng đường quyền nhất định. Phải là người có đầu óc linh hoạt thì mới vừa thổi khèn vừa múa võ nhuần nhuyễn và biến hóa. Cuối cùng, con tim của người học khèn quyền phải đam mê với thứ mình đang theo, không bao giờ có ý định bỏ cuộc...
Ở Bắc Hà, ngoài cha con ông Lý Seo Hồ còn một người nữa cũng rất giỏi các bài đao, liềm, gậy. Nhưng người này không biết thổi khèn, cho nên không được xếp vào hàng cao thủ.
Sau những chén rượu hân hoan cùng khách lạ, ông Lý Seo Hồ lôi những gậy, những khèn cùng đao kiếm và... tay bo ra giữa sân triển võ mua vui cho viễn khách theo truyền thống. Dù tuổi cao nhưng lão võ sĩ vẫn biểu diễn liên hoàn cước đối với một số bài tay không, gậy, liềm thoăn thoắt như con hổ trong rừng.
Nhìn những đường quyền mượt mà, uyển chuyển, quyến rũ là vậy nhưng lớp thanh niên không có ai muốn theo học. Ông Lý Seo Hồ buồn rầu: “Tôi có ba thằng con trai nhưng chỉ có thằng cả là ham học và trở thành cao thủ. Hai thằng còn lại chẳng biết cái gì, khèn không, quyền không, gậy không... Tôi đã dạy nhưng chúng nó không thể học nổi. Còn những thanh niên khác thì học được vài đường quyền liền xuống phố kiếm tiền chứ chẳng màng luyện nữa. Đến nay, ngoài đứa con trai cả, không còn đệ tử nào của tôi theo khèn quyền nữa”.
“Hằng năm, chúng tôi vẫn đến các lễ hội đầu năm để thi múa võ. Gần như các cao thủ khèn quyền đều tập trung tại các lễ hội này. Có những trận chúng tôi thi đấu đến 4 ngày liền. Kết quả người nào học được nhiều bài võ hơn, biến hóa linh hoạt hơn thì người đó sẽ giành chức vô địch”, ông Lý Seo Hồ cho biết.