Gặp chủ nhân khu vườn “đầu rơi máu chảy“
“Tôi đặt tên cho nhóm tượng đầu người dữ tợn kia là “tội ác thế gian” với ý niệm mong muốn mọi người tránh xa những việc làm tội lỗi, hướng thiện"
Trước những phản ánh gay gắt của người dân về khu vườn được trang trí bằng hàng trăm hình mặt người ở ấp Long Hải (xã Trường Tây, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh) chủ nhân khu vườn – ông Phạm Chứng (SN 1941, ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) - đã trải lòng tâm sự về niềm đam mê.
Ông cho biết trong một lần đọc báo, ông đã nảy sinh ý định thành lập khu nghĩa địa tượng trưng đầu người để sau này cho người dân vào tham quan miễn phí.
Thợ vẽ tranh truyền thần
Khác với những gì người dân ấp Long Hải nhận định rằng chủ nhân “khu vườn ma quái” có vấn đề về thần kinh, ông Phạm Chứng tỏ ra minh mẫn, ăn nói hoạt bát.
Vợ con ông Chứng khẳng định từ trước đến nay ông chưa từng mắc bệnh tật gì liên quan đến hệ thần kinh. Thông tin ông Chứng “từng trốn bệnh viện điều trị u não” được bà vợ ông Chứng giải thích như sau: “Cách đây mấy năm ông ấy có bị đau đầu, bác sĩ chẩn đoán có thể ông nhà tôi bị u não. Quả đúng ống ấy trốn bệnh viện vì sợ mổ xẻ, còn mắc chứng u não có lẽ không phải, nếu dính căn bệnh đó chắc ổng không sống được tới bây giờ”.
Sau phút trầm ngâm, ông Chứng thuật lại chuyện đời mình. Ông cho biết trước thời gian 1975 bản thân và vợ đều là thợ may có tiếng ở Sài Gòn. Hiện tại vợ con ông Chứng vẫn đang sở hữu cửa tiệm may mặc tại Quận 3. Ông Chứng cho biết thêm từ nhỏ đã đam mê nghệ thuật. Đặc biệt người đàn ông này sở hữu năng khiếu vẽ tranh truyền thần từ thưở niên thiếu.
|
Hình ảnh khu vườn ma quái. |
Sau giải phóng, ông Chứng dành thời gian nhiều hơn cho thú vui nghệ thuật. Ngoài vẽ tranh truyền thần, ông còn đam mê môn điêu khắc và từng tốt nghiệp khoá dạy điêu khắc tại TP.HCM.
Về “khu vườn ma quái” hay “vườn đầu lâu” ở ấp Long Hải, chủ nhân cho hay cách đây 13 năm, nhận thấy đất đai ở Tây Ninh giá thấp nên tìm về cất mua 2 mảnh gồm khu nhà ở trung tâm chợ Long Hải và “khu vườn ma quái” để dành. Ý định của chủ nhân như tấm biển hiệu “Nhà thờ họ Vũ” gắn trước cổng, ông Chứng muốn xây dựng nhà thờ tổ tiên tại chốn tĩnh lặng này.
Hơn nữa khu đất rộng rãi nên ông Chứng có không gian thỏa mãn thú vui nghệ thuật đúc tượng của mình. Theo lời chủ nhân “khu vườn ma quái”, hàng tuần ông đều đón xe buýt từ TP.HCM lên Tây Ninh thăm vườn và đắp tượng, lấy đó làm niềm vui tuổi già.
Bà vợ thú nhận các thành viên trong gia đình đều không muốn ông Chứng mất quá nhiều thời gian vào việc đúc tạc tượng bởi: “Vừa tốn tiền của vừa chứa chật nhà”. Tuy nhiên do ông Chứng đã lớn tuổi, lại là niềm đam mê nên không ai can ngăn.
|
Ông Chứng giải thích về ý tưởng của mình. |
Nghĩa địa tượng đầu người
Chia sẻ ý tưởng cho ra đời “khu vườn ma quái”, ông Chứng bộc bạch trong một lần đọc báo tình cờ biết được có người họa sĩ nước ngoài nổi tiếng chỉ với những tác phẩm tranh vẽ về chủ đề máu. Bất giác ông Chứng tự vấn tại sao không tạc những bức tượng đầu người, điều mà ông chưa thấy ai làm được.
Giải thích hàm ý bên trong những bức tượng đầu người mà người dân ấp Long Hải cho rằng kì quái, phản cảm như hình đầu người bị dao cắm vào chảy máu, mặt người nhăn nhó đau đớn, ông Chứng cho hay, bản thân muốn thể hiện đủ mọi sắc thái của con người qua tác phẩm nghệ thuật theo quan niệm của mình. “Tôi đặt tên cho nhóm tượng đầu người dữ tợn kia là “tội ác thế gian” với ý niệm mong muốn mọi người tránh xa những việc làm tội lỗi, hướng thiện. Người ta không hiểu lại cho rằng tôi tâm xà, chỉ nghĩ đến những điều ác độc”, ông Chứng thanh minh.
Về hai mộ phần lớn là “mấu chốt” khiến người dân sống xung quanh sợ hãi bởi màu sơn loè loẹt, ông Chứng cho hay đấy là mộ thờ thần tài, bất kể gia đình nào đều có. Ngôi mộ còn lại, ông xây dựng để tưởng nhớ người mẹ quá cố. Một lần nữa chủ nhân “khu vườn ma quái” khẳng định hoàn toàn không chôn cất hài cốt trong khu vườn, ông chỉ muốn xây dựng vườn nhà mình thành khu nghĩa địa tượng trưng gửi gắm tâm tư, cách nhìn của riêng mình về nhân thế.
Ông Chứng trình bày tiếp, nếu một mai khu vườn trở nên nổi tiếng, ông cũng sẽ mở cửa miễn phí cho du khách khắp nơi vào tham quan chứ không hề có ý định kinh doanh. “Tôi chỉ muốn tạo nên sự khác lạ, làm những điều chưa ai làm”, ông Chứng nói.
Bà vợ xác nhận đích thực chồng bà chỉ muốn thỏa niềm đam mê chứ không nhằm mục đích nào khác. Ông Chứng đam mê đến nỗi hàng tháng ông đều trích ra 500 ngàn đồng vừa đủ mua 2 bao xi măng và gạch đá để đúc tượng. “Ổng làm thế vừa mất tiền lại bị người khác chê cười, chửi rủa chứ có được gì đâu”, bà vợ góp chuyện.
Sau hơn thập niên miệt mài sáng tác, đến nay bản thân ông Chứng cũng không nhớ được đã đúc tạc bao nhiêu hình nhân, tượng đầu người. “Nghệ nhân” ngoài tuổi 70 cho hay để tạo được số tượng ở “khu vườn ma quái”, ông đã tốn không ít công sức, tiền bạc.
Mỗi bức tượng theo lời ông Chứng phải trải qua 3 giai đoạn cơ bản gồm: Đắp khung, gọt tỉa và tô màu. Nói đoạn, ông Chứng tự tin bật mí một số bức tượng ông tạo màu bằng “nghệ thuật phong thuỷ” chứ không phải tô sơn như thông thông thường.
Ông giải thích thêm, “nghệ thuật phong thuỷ” là lợi dụng các yếu tố tự nhiên như mưa, gió, khí hậu kết hợp với vật liệu để tạo màu. Theo đó sau thời gian nhất định, tượng sẽ tự nổi màu (?!).
Tỏ ra am hiểu nghệ thuật, ông Chứng lấy thí dụ minh hoạ rằng do tượng trưng bày giữa thời tiết nắng mưa nên sau khi sơn màu ông phải phủ thêm lớp dầu bóng để bảo quản dài lâu.
Càng bất ngờ hơn khi biết rằng dụng cụ tạc tượng của ông Chứng chỉ vỏn vẹn một chiếc thìa nhỏ và một lưỡi dao. Kì công như vậy nhưng hiện nay nhiều “tuyệt tác” của ông Chứng đã bị đập phá bởi người dân cho rằng phản cảm, gây sợ hãi cho con em trong vùng.
Lại nói về thông tin “khu vườn ma quái” của ông Chứng gây xôn xao dư luận những ngày qua, chủ nhân khu vườn trình bày ông đã tiến hành đúc tạc tượng hơn 13 năm nay nhưng không hiểu tại sao khoảng 2 tháng trở lại đây một số người dân mới kịch liệt phản đối.
Trước đó, ông Chứng cũng từng làm đơn lên chính quyền xã Trường Tây, Phòng Văn hoá thông tin huyện Hoà Thành trình bày dự định của mình, đồng thời hỏi han kĩ lưỡng bức tượng nào được đúc, bức tượng nào không nên đúc và trưng bày. Nhưng cán bộ văn hoá huyện Hoà Thành chỉ trả lời: “Việc này Phòng không quyết định được, phải xin ý kiến cấp trên”. Từ đó về sau cứ nghĩ việc làm của mình không ảnh hưởng đến ai nên ông Chứng vẫn tiếp tục đúc tượng trưng bày chơi.
Bản thân ông Chứng khi nghe phản ánh “khu vườn ma quái” gây sợ hãi cho quần chúng đã tự tay mình hạ thấp các bức tượng nhìn thấy từ xa, sơn các pho tượng đồng màu chứ không để loè loẹt như trước.
“Nếu chính quyền cho rằng việc đúc tượng của tôi gây phản cảm tôi sẽ không đúc nữa. Thực tình bản thân tôi chỉ muốn tạo nên điểm khác lạ, lập khu vườn cho mọi người vui chơi chứ mấy ngày qua người thân, bạn bè xem báo biết chuyện gọi điện thăm hỏi suốt ngày, vợ chồng tôi giải thích mệt cả người”, ông Chứng nói.