Gặp người tay không bắt ông trùm Phước “tám ngón“

Vượt ngục Chí Hòa, tử tù Phước “tám ngón” tiếp tục vác súng AK đi cướp giết. Nhưng cuối cùng, tên cướp tàn bạo lại bị một người dân hiền lành hạ gục trong lúc súng trong tay hắn sẵn sàng nhả đạn.

Ông Hóa Công Hoàng, người quật ngã tên cướp Phước “tám ngón” 17 năm trước - Ảnh: Quốc Việt
Ông Hóa Công Hoàng, người quật ngã tên cướp Phước “tám ngón” 17 năm trước - Ảnh: Quốc Việt 
Người đó là ai, bây giờ ra sao?
Ngồi xe suốt đêm vượt quốc lộ 14 tệ hơn cả mặt ruộng cày, tôi cứ hình dung người đàn ông từng tay không bắt tên cướp khét tiếng "Phước tám ngón" phải có gì đó đặc biệt, bởi không thì làm sao hạ gục được sát thủ đã làm cho cả người dân lẫn lực lượng cảnh sát hình sự và trại giam Chí Hòa mất ăn mất ngủ...
Chuyện 17 năm trước
9 giờ sáng, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, hanh hao tiết chuyển mùa. Tôi tìm căn nhà nhỏ trên đường Lê Anh Xuân nhưng không gõ cửa vội vì thấy người đàn ông đang mê mải với cây guitar.
Giai điệu du dương The moonlight sonate của Beethoven như chảy tràn từ ngón tay nhẹ lướt phím đàn. Hết The moolight sonate lại đến Wedding March, Mariage A’amour... Mãi lát sau ông mới ngẩng lên. Tôi hỏi xin gặp Hóa Công Hoàng. Ông gật đầu: “Hoàng là tôi đây”.
Thoáng ngỡ ngàng! Người bắt sống sát thủ năm nào đang cầm guitar trước mặt tôi trông hiền lành và trẻ hơn nhiều so với độ tuổi 50.
Nghe khách gợi lại chuyện Phước “tám ngón”, ông cho biết 17 năm đã trôi qua cùng bao đổi thay nhưng ông không thể quên buổi tối định mệnh suýt đẩy gia đình ông xuống vực thẳm đen tối nhất. Năm đó ông 33 tuổi, vợ chồng đã có hai con trai, đứa đầu 5 tuổi, bé sau mới lên 2.
Gia đình sống bằng sạp vải nhỏ, cũng chỉ đắp đổi cuộc sống từng ngày. Thời ấy đường Thăng Long còn rất vắng, nắng tắt là chìm trong bóng tối của những vườn trà, đất trống. Căn nhà ông Hoàng ở nhờ chỉ là nhà cấp 4 với vách gỗ cũ kỹ, nhưng đã đập vào mắt Phước “tám ngón” bởi chiếc ôtô Renault của người cậu để phòng trước.
Khoảng 19 giờ ngày 1/10/1995, Hoàng vừa chở vợ con trên chiếc xe máy 67 về thì thấy cửa đã mở. Ngạc nhiên nhưng ông không lo vì nhà có sinh viên ở trọ, cầm khóa riêng để tự đi về. Vợ con đứng ngoài, ông đẩy xe vào trước, bất ngờ thấy nòng súng đen ngòm ngay cửa phòng ngủ chĩa vào mình. Một thanh niên mặt tròn, thấp đậm quát gằn lên: “Im miệng. Quay ra. Không tao bắn chết”. Lúc đầu ông còn tưởng ai đó đùa, nhưng khi nghe tiếng lên đạn thì sững người vì biết đã gặp cướp.
Hoàng giật lùi ra cửa. Kẻ cầm súng cũng lao ra, hướng súng sang vợ con ông đang lập cập chưa hiểu chuyện gì. Nó gầm gừ: “Quay xe ra ngay, không tao bắn chết vợ con mày”. Hai con ông sợ hãi, khóc oà. Hoàng sợ vợ con bị bắn, cố bình tĩnh quay xe theo tên cướp. Nó lại quay súng, gí vào lưng Hoàng: “Mày chở tao đi ngay, không tao bắn chết cả nhà”.
Lúc này Hoàng đã bình tĩnh, lóe suy nghĩ cứ chở nó đi, nếu có giết chỉ giết mỗi mình ông, vợ con sẽ sống. Ông đạp máy. Thật lạ, chiếc xe cà tàng thường ngày đạp chục lần chưa nổ, nhưng khoảnh khắc sinh tử này chỉ một cái đã nổ giòn. Ông cầm lái, tên cướp nhảy lên phía sau.
Hoàng nhả côn tay, vọt lên dốc cách nhà mươi mét, đường vắng lạnh, tối hun hút. Bất ngờ mũi súng đang gí vào lưng chĩa lên gáy Hoàng. Từng tập huấn quân sự hồi chiến tranh biên giới, ông nhận ra đó là khẩu AK báng xếp, cưa nòng.
Từ lúc nổ máy, ông đã nghĩ có thể bị giết, cướp xe. Lúc bị mũi súng chĩa ngược lên đầu, ông nghĩ nó sắp bắn thật rồi. Như phản xạ tự nhiên trước khoảnh khắc sống chết, Hoàng đảo người ra sau, quàng hai tay siết chặt tên cướp. Đùng. Một phát đạn sượt qua cổ ông làm cháy áo, phỏng da. Bị ù đặc vì đạn nổ ngay tai, Hoàng vẫn quyết liệt siết tên cướp. Nhờ cú đảo người, ông thoát chết trong đường tơ kẽ tóc do nòng súng gí vào gáy trượt qua cổ.
Hai người té ra đường, dính vào nhau lăn xuống rãnh nước. Khẩu AK vẫn bị ép chặt giữa hai người, nòng chếch qua cổ Hoàng. Ông đè bên trên, tên cướp nằm dưới cố vùng ra để chĩa mũi súng vào ông nhưng không được. Mê nhạc, luyện guitar classic từ nhỏ, Hoàng cũng có sức khỏe khá tốt nhờ được cha cho tập Thái cực đạo với võ sư Bé, huyền đai đệ tứ đẳng ở Buôn Ma Thuột.
Lẽ ra Hoàng tập thêm nữa nhưng ông mê nhạc hơn, sợ bàn tay đánh bao cát sẽ làm cứng ngón đàn... Tên cướp vẫn bị ông siết cứng. Vợ ông lúc này đã bớt sợ, la hét cầu cứu, rồi chạy đến ập lên lưng chồng, đè thêm xuống dưới.
Tên cướp không vùng nổi, gầm gừ: “Tao bắn chết hết tụi mày”. Ông Lâm Trường Thắng, cựu công an là hàng xóm, nghe kêu cứu lao ra. Ông cũng ập lên người vợ chồng Hoàng để đè tên cướp bên dưới, và quàng tay chộp nòng súng giật ra. Lúc này tên cướp gần ngạt thở, mắt trợn trắng. Hoàng buông lỏng ra nhưng nó lại bật dậy định bỏ chạy. Hoàng lao tới, ép nó vào bờ rào rồi cùng ông Thắng dùng thế khóa tay tên cướp ra sau cho hàng xóm trói lại.
Bị giải về công an phường, tên cướp chỉ khai tên Tâm, túi không giấy tờ gì ngoài ba viên đạn và một viên còn trong súng. Đến khi tổ cảnh sát TP.HCM trên đường truy lùng mới nhận dạng chính là tướng cướp khét tiếng Phước “tám ngón” với hai bàn tay chỉ có tám ngón, xăm hình đại bàng sau lưng và khẩu AK cưa nòng.
Ông Hoàng trở lại nơi đã từng sống chết với Phước “tám ngón” - Ảnh: Q.Việt
 Ông Hoàng trở lại nơi đã từng sống chết với Phước “tám ngón” - Ảnh: Q.Việt
Bản sonate kiếp người
Sau 17 năm, ông Hoàng vẫn nhớ mãi đến lúc biết mình đối mặt với chính Phước “tám ngón” mới cảm thấy run. Trước đó, ông đã đọc báo biết quá trình cướp giết tàn bạo, đặc biệt là sự vượt ngục hi hữu của tử tù này, nhưng không nghĩ mình lại có ngày đối mặt sinh tử với nó.
Chính đại tá Thân Thành Huyện dẫn đội cảnh sát truy lùng đã nói nhờ dũng cảm Hoàng mới thoát chết. Những nạn nhân của tên cướp này đều bị bắn thẳng vào đầu chết ngay, vì vậy nó không cần mang theo nhiều đạn. Mũi súng chuyển từ hông lên gáy Hoàng chính là lúc nó đã chuẩn bị bắn.
Sáng giao mùa hanh hao, ngồi kể lại chuyện 17 năm trước, ông Hoàng trầm tư: “Hôm tên cướp bị xử bắn tôi không đi xem, nhưng sau tình cờ coi được đoạn phim pháp trường. Bạn bè hỏi tôi nghĩ gì. Tôi chỉ trả lời mình thanh thản. Luật pháp bắt nó đền tội. Còn tôi chỉ cố gắng cứu gia đình”.
Nghe tâm sự, tôi nói có lẽ nhờ ông mà chuỗi giết người tàn bạo của Phước “tám ngón” dừng lại. Nếu không phải ông mà là nạn nhân khác thì chưa biết thế nào. Biết đâu máu người lương thiện lại đổ? Trẻ thơ lại mồ côi cha mẹ? Ông Hoàng trả lời có lẽ cũng là sự tình cờ, ác giả ác báo của tên cướp bị sắp đặt vào tay ông. Ông không dám nhận dũng cảm, chỉ nghĩ mình không lùi trước cái ác thôi. Nếu tên cướp không chĩa súng vào vợ con ông mà là hàng xóm thì chắc ông vẫn làm vậy.
Năm Phước “tám ngón” bị ông Hoàng hạ gục nó mới 23 tuổi, trạc tuổi con ông bây giờ. Ký ức của con ông về buổi tối đó rất mờ nhạt vì còn quá nhỏ, nhưng thi thoảng ông vẫn nhắc lại cho con nghe. Với họ, ngoài kỷ niệm, sự kiện này còn là bài học, một bài học xương máu để làm người tử tế hay thành tội đồ bị ghê tởm. Ông dạy các con rằng kiếp người ai sinh ra cũng giống nhau, nhưng đường đời phía trước lại có nhiều ngả để xô đẩy bước chân vào các nẻo đường sáng tối. Phước “tám ngón” ngày ấy hay tội phạm trẻ giờ có khác nhau về cách thức hoạt động, nhưng đều giống nhau tính ích kỷ và lòng tham mù quáng. Đó chính là cội nguồn tội ác!
Rời kỷ niệm, ông lại lướt đàn guitar cho tôi nghe. Rồi ông tâm sự thời chiến con người sống nay chết mai, song dễ có lý tưởng vì chính nghĩa rõ ràng. Còn thời bình được nhiều thứ, người ta lại dễ mất phương hướng, lý tưởng sống để chìm ngập trong lòng tham lợi danh.
Ông chơi guitar từ 15 tuổi. Hai con ông cũng rất yêu đàn, giờ đã có thể hợp tấu cùng cha. Gia đình ông từ trước khi gặp Phước “tám ngón” đến nay vẫn chưa một ngày dừng đổ mồ hôi đắp đổi mưu sinh, nhưng ông vẫn muốn hướng các con vào tình yêu cái đẹp. Ông nói với con rằng có thể nghèo tiền, kém tài, nhưng nếu thiếu tình yêu và đam mê những điều tốt đẹp thì rất dễ mong manh, mất phương hướng làm người ở đời.
* Nghe tiếng súng nổ, tôi run lắm. Nhưng thấy Hoàng vẫn quyết sống chết với tên cướp, tôi cố lao ra giúp anh. Tối ấy, Hoàng không sợ hãi, đầu hàng tên cướp. Nó bắt anh chở ra đoạn đường vắng là để bắn chết, cướp xe máy. Chắc nó sẽ khó tin tay súng tàn bạo như nó mà cuối cùng chịu thúc thủ trước một người dân bình thường.
* Lịch sử trại giam Chí Hòa chỉ có vài người vượt ngục thành công. Phước “tám ngón” là tù hình sự duy nhất vượt ngục thành công, đặc biệt là trong tình trạng bị biệt giam chờ thi hành án tử hình. Anh Hoàng không hề may mắn, mà chính lòng dũng cảm cùng với hành động tự vệ chính xác, quyết liệt đã hạ gục được tên tử tù man rợ.

Phước “tám ngón”

Phước “tám ngón” tên thật Nguyễn Hữu Thành, sinh năm 1972 ở Bình Dương. Bản tính côn đồ từ nhỏ, Phước “tám ngón” đã tự chặt hai ngón tay mình để đoạn tuyệt cha mẹ. Năm 1988, gã bị 36 tháng tù vì tội trộm cắp, nhưng đã trốn trại, mua súng AK để lập băng đảng đi cướp, giết người. Năm 1994, gã bị bắt lại và bị tuyên án tử hình. Trong lúc bị biệt giam chờ thi hành án, Phước “tám ngón” đã cưa cùm, vượt ngục Chí Hòa, rồi trốn lên Tây nguyên tiếp tục trộm cướp bằng súng AK cho đến ngày bị người dân bắt lại và bị thi hành án tử hình ở pháp trường Long Bình, quận 9, TP.HCM.

Trò quái gở ở ngôi mộ Phước “tám ngón“

Bãi đất trống trước mộ Phước “tám ngón” chẳng khác nào bãi chiến trường với vô khối vỏ chai và những thây người say xỉn…

Cứ mỗi lần trúng số là những người ôm ấp giấc mộng đổi đời ấy lại đem lễ đến trước mộ Phước “tám ngón” để tạ ơn. Hầu hết những kẻ đến đây “xin lộc” đều đánh lớn nên lễ tạ ơn ấy cũng rình rang, linh đình lắm.

Sát thủ máu lạnh ăn hết nửa con gà trước khi ra trường bắn

Trong lịch sử tử tù, có lẽ Phước “tám ngón” là người duy nhất có thể ăn hết bữa cơm cuối cùng trước giờ thi hành án.

Tức mẹ chặt tay, vác súng hỏi vợ

Tin mới