Tề Trí Dũng (phải) và bà Hồ Thị Thanh Phúc bị đề nghị truy tố về hai tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tại sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. |
Ông Tề Trí Dũng đã sử dụng nguồn tiền thù lao, quỹ khen thưởng của Sadeco, duyệt chi từ nhiều khoản từ các nguồn tiền này cho chính mình và các thành viên HĐQT khác sử dụng vào mục đích cá nhân trái với quy định.
Còn bà Phúc có hành vi ký đề xuất chi tiền và nhận tiền từ các nguồn trên, chuyển cho Tề Trí Dũng và các thành viên HĐQT khác, tạo điều kiện cho các cá nhân này chiếm đoạt tiền Nhà nước.
Căn cứ Khoản 4, Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015, khung hình phạt là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 17 bị can còn lại bị đề nghị truy tố theo Khoản 3, Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015. Ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM cũng là một trong số này.
Điều khoản quy định, người nào gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng trở lên, bị phạt từ 10 đến 20 năm tù.
Ông Tất Thành Cang bị đề nghị truy tố theo Khoản 3, Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015 có khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù. |
Có phải bồi thường thiệt hại?
Trong vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần của Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim, cơ quan CSĐT xác định tổng thiệt hại là hơn 940 tỷ đồng.
Về nhân vật dư luận quan tâm, là ông Tất Thành Cang. Trong vụ án này, ông Cang khi đó là Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM đã có bút phê “đồng ý” vào tờ trình số 1148 ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành uỷ, với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho cổ đông chiến lược.
Cơ quan điều tra nhận định, ông Tất Thành Cang biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo Điều 38, Nghị định 91/2015 của Chính phủ. Nhưng ông không chỉ đạo Văn phòng Thành uỷ, người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định, do vậy hành vi của ông Cang đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tại sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Cơ quan điều tra cho rằng, ông Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát, thiệt hại tương ứng với phần sở hữu của Văn phòng Thành uỷ tại Sadeco là 16,7%, tương đương hơn 157 tỷ đồng.
Vụ bán rẻ 9 triệu cổ phiếu Sadeco được xác định gây thiệt hại tổng cộng 940 tỷ đồng nhưng việc mua - bán này đã bị huỷ khi Thanh tra TP.HCM vào cuộc. |
Hiện dư luận quan tâm, những cá nhân sai phạm gồm ông Tề Trí Dũng, Tất Thành Cang và các đồng phạm khác có phải bồi thường 940 tỷ đồng hay không?
Được biết, theo hồ sơ vụ án, trong giai đoạn tháng 10/2017, Sadeco và Công ty Nguyễn Kim đã hoàn tất việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của Sadeco, giá 40.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị là 360 tỷ đồng.
Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu sai phạm, Thanh tra TP.HCM vào cuộc làm rõ. Giai đoạn thanh tra bắt đầu xác minh, lập tức Sadeco tung chiêu… đối phó.
Cụ thể, ngày 14/8/2018, Sadeco họp đại hội đồng cổ đông thống nhất giao HĐQT đàm phán với Công ty Nguyễn Kim để huỷ hợp đồng hợp tác đầu tư.
Ngày 17/1/2019, Sadeco ký thoả thuận chấm dứt hợp đồng hợp tác với Công ty Nguyễn Kim. Theo đó, Nguyễn Kim hoàn trả lại cho Sadeco 9 triệu cổ phần và nhận lại số tiền 360 tỷ đồng.
Việc chấm dứt hợp đồng, hoàn trả lại những gì đã nhận của nhau này được xem là tình tiết giảm nhẹ của các cá nhân trong triến trình xử lý vụ án. Và các bị can không phải bồi thường thiệt hại.
Nhưng hành vi của các cá nhân đã hoàn thành và phải chịu trách nhiệm hình sự cho những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.