Gelex sẽ lãi bao nhiêu sau thương vụ chuyển nhượng với Sembcorp? |
Ngày 19/6, Sembcorp Solar Vietnam Pte Ltd - công ty con do Sembcorp Industries Ltd (Singapore) góp vốn 100%, đã hoàn tất việc đã hoàn tất việc mua lại phần lớn cổ phần tại 3 trong số 4 công ty con của Tập đoàn Gelex. Sau giao dịch, Sembcorp đã bổ sung thêm 196MW công suất điện mặt trời và điện gió đang hoạt động vào danh mục đầu tư của mình.
Là một phần của thương vụ mua lại, Sembcorp cũng sẽ mua 73% cổ phần của một công ty con thuộc Tập đoàn Gelex, công ty này sở hữu nhà máy thủy điện với công suất 49MW. Thương vụ dự kiến sẽ hoàn thành vào nửa cuối năm 2024.
Hoàn thành thương vụ, Sembcorp sẽ nâng tổng công suất năng lượng tái tạo tại Việt Nam lên 455 MW, góp phần gia tăng tổng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu của tập đoàn lên 14,4 GW.
Theo đại diện phía Sembcorp, thương vụ mua lại nhà máy thủy điện 49MW dự kiến hoàn tất vào nửa cuối năm 2024, tuân thủ các phê duyệt theo quy định.
Thông báo này tiếp nối văn bản ngày 10/11/2023, Sembcorp cho biết đã đạt thỏa thuận mua lại phần lớn cổ phần trong danh mục điện tái tạo 245MW của GEX. Giá trị thương vụ dự kiến tối đa 218 triệu SGD, tương đương 3.800 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại.
Danh mục năng lượng tái tạo của GEX bao gồm: 73% cổ phần Thủy điện Sông Bung 4A (49MW); 80% cổ phần Gelex Ninh Thuận (68MWp); 100% cổ phần Điện gió Gelex Quảng Trị (88 MW) và Điện gió Hướng Phùng 2&3 (50 MW). Theo đó, công ty thủy điện mà Sembcorp nhắc đến có thể là Thủy điện Sông Bung 4A.
Theo ước tính của Chứng khoán Vietcap, GEX sẽ thu về 950 tỷ đồng lợi nhuận thoái vốn trước thuế từ thương vụ bán danh mục điện tái tạo cho Sembcorp. Tổng giá trị tiền mặt và tiền mặt ròng thu về của công ty mẹ GEX đạt 3.509 tỷ đồng trước thuế và 3.319 tỷ đồng sau khi nộp thuế 190 tỷ đồng cho khoản lãi thoái vốn.
Bảng thoái vốn danh mục năng lượng tái tạo của Tập đoàn Gelex (nguồn: Chứng khoán Vietcap) |
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo Gelex cho biết, việc thoái vốn là một phần trong chiến lược của Tập đoàn. Gelex không thoái vốn hoàn toàn khỏi mảng này mà chỉ thoái một phần danh mục (các dự án đang vận hành) để chọn các đối tác có năng lực về tài chính, công nghệ và khả năng triển khai các dự án lớn. Hiện tại, danh mục nghiên cứu đầu tư của Gelex bao gồm khoảng 3.500 - 3.900MW năng lượng tái tạo.
"Làn sóng đầu tư vào năng lượng tái tạo trong 5 năm qua đã giúp Gelex rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, chúng tôi mong muốn đồng hành với những nhà đầu tư có năng lực. Thời điểm này, Gelex chỉ thoái một phần danh mục đầu tư để tìm, lựa chọn đối tác cùng đồng hành trong các dự án tiếp theo", đại diện Gelex chia sẻ.
Ngoài ra, hợp tác với đối tác từ Singapore sẽ giúp Gelex tận dụng tối đa tiềm lực, hỗ trợ lẫn nhau phát triển mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam và quốc tế, mở ra nhiều cơ hội mới trong tương lai.
Cũng tại Đại hội, lãnh đạo Gelex đã đề cập đến một trong những chiến lược quan trọng trong giai đoạn hiện tại và tương lai là tăng cường hệ sinh thái đối tác với các tập đoàn đa quốc gia.
Kế hoạch này giúp Gelex tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng và nâng cấp phân khúc sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn trong các lĩnh vực cốt lõi, đẩy mạnh xuất khẩu và hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn đầu tư hàng đầu.
Trong năm 2024, Gelex xây dựng kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 32.303 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD), lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.921 tỷ đồng (tăng lần lượt 7,7% và 37,5% so với thực hiện 2023).
Kết thúc quý 1/2024, Gelex ghi nhận doanh thu hợp nhất 6.660 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 385 tỷ đồng (tăng lần lượt 3,9% và 167% so với cùng kỳ 2023). Với kết quả đạt được, Gelex đã hoàn thành 20,6% kế hoạch doanh thu và 20% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra trong năm nay.