Ghép tủy đồng loại
Bệnh nhi là Trần Ngọc Ánh, 9 tuổi ở Tiên Lữ, Hưng Yên. Theo người nhà bệnh nhi, khi Ánh được 2 tháng tuổi, cháu đã phải nằm ở Bệnh viện Nhi T.Ư 8 tháng vì thiếu máu. Sau đó, bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây thiếu máu là do giảm bạch cầu hạt. Sau khi điều trị, cháu đã trở lại bình thường. Đầu năm 2013, tự dưng Ánh bị hắt hơi, sổ mũi, sốt cao, đặc biệt da cháu xanh đến mức gần như trắng.
Vào Bệnh viện Nhi T.Ư lần này, các bác sĩ nghi cháu bị bạch cầu cấp, cho chọc tủy 3 lần. Nhưng kết quả không phải là bạch cầu cấp mà là suy tủy xương - một bệnh rất dễ tử vong do chảy máu não (mà nguyên do là tủy xương không sản xuất ra tế bào gốc). Gia đình Ánh được khuyên đưa con đi ghép tế bào gốc, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có kinh phí nên Ánh chỉ được khám chữa để duy trì tình hình bệnh.
Với sự hỗ trợ về kinh phí, sự phối hợp chuyên môn từ hai đơn vị trên, sau một năm điều trị "dằng dai", Ánh đã được đưa sang Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư để ghép tủy đồng loại bởi các bác sĩ biết rất rõ: Nếu không được ghép, bệnh nhi sẽ không thể sống được lâu. Ngày 13/3/2014, Ánh đã được ghép tế bào gốc, người cho là em ruột bệnh nhi, 6 tuổi.
Do 2 bệnh nhi còn nhỏ tuổi nên việc gây mê, chọc tủy đồ được thực hiện ở Bệnh viện Nhi T.Ư, sau đó việc ghép tế bào được thực hiện ở Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư. Sau khi chọc hút tủy từ người em, máy lọc đã lọc ra tế bào gốc để ghép cho người chị. Ca ghép đã thành công. Hiện bệnh nhi Ánh vẫn ở Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư theo dõi tiếp, còn em bệnh nhi đã trở về nhà sinh hoạt bình thường.
Bệnh nhi Ánh và mẹ tại Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư. |
90% khỏi bệnh
ThS Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư cho biết, bệnh nhi Ánh là trường hợp thứ 100 được ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu tại Viện và là ca thứ 3 nếu tính ghép trên bệnh nhi. Hiện bệnh nhi có biến chứng nhẹ với việc ghép đồng loại nhưng việc này sẽ được xử lý. Điều quan trọng là xét nghiệm máu cho thấy, các chỉ số bình thường, bệnh nhi không còn dấu hiệu suy tủy xương. Có thể nhận định trường hợp ghép này đã thành công tới 90%.
Trước Ánh, đã có bệnh nhân Lâm Tiến Bình (Lạng Sơn) bị lơ-xê-mi-kinh dòng bạch cầu hạt - mono được ghép tế bào gốc đồng loại (vào tháng 11/2008). Hiện nay, bệnh nhân này hoàn toàn khoẻ mạnh, làm việc như người bình thường, không cần phải điều trị bằng thuốc. Các bác sĩ rất tin tưởng, Ánh cũng như nhiều bệnh nhân khác bị bệnh máu ác tính sẽ có cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
Theo ThS Bạch Quốc Khánh, với một số bệnh máu ác tính, việc ghép tế bào gốc là lựa chọn cuối cùng và duy nhất để đem lại sự sống cho bệnh nhân.
Tính từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên thực hiện vào tháng 6/2006 đến nay, Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư đã tiến hành tổng số 107 ca ghép, với các hình thức ghép khác nhau như ghép tự thân, ghép đồng loại. Phương pháp ghép tự thân, có 66 trường hợp đã được thực hiện thành công, với những nhóm bệnh gồm: Đa u tủy xương, U lympho ác tính, lơ-xê-mi cấp. Tỷ lệ thành công đạt khoảng 70 - 80%. Với ghép đồng loại, đã có 41 trường hợp được thực hiện thành công, với các nhóm bệnh như lơ xê mi cấp, suy tủy xương, lơ-xê-mi-kinh, rối loại sinh tuỷ, đái huyết sắc tố và thiếu máu Diamond Blackfan. Tỷ lệ ghép thành công từ phương pháp này đạt khoảng 65 - 70%; tỷ lệ tử vong liên quan đến ghép khoảng 15% (thế giới tổng kết khoảng 15 - 20%).