Giả chữ ký Thủ tướng, lừa doanh nghiệp 100 tỷ đồng
Chỉ trong vòng vài tháng, Quyết và Thực đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng của các DN nhờ làm giả con dấu và chữ ký của Thủ tướng.
Theo hồ sơ vụ án, Trần Ngọc Quyết, SN 1953, trú tại Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định, hiện sống tại Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, vốn làm nghề tự do nên luôn trong tình trạng túng thiếu. Để có tiền, Quyết cấu kết với Phan Ngọc Thực, SN 1971, trú tại Thị trấn Tam Sơn, Quản Bạ, Hà Giang, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Bạch Diệp, hiện đang tạm trú tại phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội, để cùng thực hiện các phi vụ lừa đảo tiền tỷ.
|
Đối tượng Quyết (trái), Thực (phải). |
Sau khi cùng bàn bạc, Quyết nhận nhiệm vụ làm giả các giấy tờ như: Giấy chứng nhận cán bộ quản lý dự án, Hồ sơ tài liệu về việc thành lập ban quản lý dự án An sinh xã hội, các giấy tờ, con dấu giả của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng… trong khi đó, Thực nhận nhiệm vụ đi các tỉnh khảo sát, tìm các dự án đang cần huy động vốn rồi báo lại cho Quyết.
Nắm được thông tin, Quyết và Thực cùng nhau đi mua lại 4 chiếc xe ô tô BKS 80B để thuận tiện trong việc đi lại, và đánh lừa các bị hại. Sau đó, hai “siêu lừa” này đến tìm các chủ đầu tư, Quyết giới thiệu là Trưởng ban dự án của Chính phủ, còn Thực là cán bộ dự án. Với chức năng, quyền hạn của một Trưởng ban dự án, Quyết có thẩm quyền phê duyệt dự án và trình Thủ tướng Chính phủ ký giải ngân nguồn vốn vay quốc tế (vốn ODA) hỗ trợ không hoàn lại.
|
Giấy tờ giả của Phan Ngọc Thực được làm giả có con dấu và chữ ký giả của Thủ tướng Chính phủ giống... y như thật. |
Khi đã tạo được lòng tin, Quyết và Thực yêu cầu chủ đầu tư hối lộ tiền để Quyết làm thủ tục giải ngân. Mặc khác, hai đối tượng này đến gặp các nhà thầu, đề nghị các nhà thầu xây dựng muốn tham gia dự án phải đưa tiền cho Quyết và Thực để được ưu tiên.
Với hàng loạt các hồ sơ, tài liệu, giấy tờ được làm giả… y như thật, cho đến khi bị bắt, hai đối tượng đã lừa đảo gần 100 tỷ đồng của các bị hại.
Nhận được đơn trình báo, Đội điều tra hình sự - CAQ Hoàng Mai, Hà Nội, đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ thủ phạm, đồng thời thu hồi 2 xe ô tô “biển xanh”, các máy móc, thiết bị có liên quan: 1 máy tính xách tay, 1 máy in màu, 2 máy in đen trắng, 1 máy scan, 2 con dấu vuông, các loại tài liệu giả danh Ban Quản lý dự án của Chính phủ, các Quyết định giả, tờ trình, danh sách nhân sự, tài liệu giả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ… liên quan đến 35 dự án trên toàn quốc.
Đây có thể coi là bài học cảnh tỉnh cho các chủ đầu tư, các nhà thầu trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường của các loại tội phạm.