Tôi tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng và tìm được cho mình một công việc ưng ý ngay khi ra trường. So với các bạn đồng trang lứa, mức lương của tôi phải nói là đáng mơ ước. Tuổi trẻ, đam mê và đồng lương dư dả cho tôi một cuộc sống đầy tươi đẹp. Tôi thường xuyên đi du lịch đây đó, mua sắm cho mình những bộ quần áo thời trang, những vật dụng hàng hiệu. Bạn tôi thường ganh tị:
- Mày đúng là số sướng! Công việc thì ngon lành, tiền lương thì hậu hĩnh, suốt ngày ăn chơi. Chả bù cho tao, tìm mãi không được công việc tử tế, lương ba cọc ba đồng. Chán! Chả lẽ lại lấy chồng để chồng nuôi cho bớt bế tắc?
- Rồi cũng đến lúc chúng mày sướng thôi, lo làm gì. Lấy chồng chắc gì đã sướng khi mà kinh tế của chính mày chưa vững. Quan điểm của tao là vợ chồng phải bình đẳng trong vấn đề kinh tế.
Rồi tôi lấy chồng. Với quan điểm vợ chồng phải bình đẳng về kinh tế cũng như mọi thứ khác, tôi chọn lấy một anh chàng theo đúng ý. Anh là nhân viên kinh doanh xe hơi, thu nhập hàng tháng rất ổn. Hơn nữa, trong quá trình tìm hiểu, anh cũng tạo cho tôi những cảm giác về “bình đẳng” rất tốt.
(Ảnh minh họa) |
Thời gian đầu khi kết hôn, mọi thứ đều diễn ra theo đúng ý muốn của tôi.
Thứ nhất, về kinh tế: Thỏa thuận trên quan điểm góp gạo thổi cơm chung, bình đẳng kinh tế, tiền của ai người ấy lo. Hai vợ chồng cùng đóng một khoản chung nhất định cho chi tiêu gia đình: tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền điện nước, tiền mua sắm vật dụng chung trong nhà. Số còn thừa của khoản quỹ chung sẽ để dành cho việc chăm lo con cái sau này. Còn tiền lương dư lại của mỗi người, sẽ tự quản lí và chi tiêu cho các công việc cá nhân: quần áo, tư trang cá nhân, đám xá, quà cáp biếu xén mỗi bên các ngày lễ tết. Cá nhân tôi thấy việc phân chia như vậy là ổn, nhưng bạn bè tôi thì lại lo lắng cho tôi:
- Mày suy nghĩ thế thoáng quá. Đàn ông ấy mà, mình cứ phải quản lí thật chặt chuyện tiền nong chi tiêu. Để lão giữ tiền như thế, tao thấy không ổn. Sau này bọn mày còn phải có con có cái nữa, nhiều khoản phải chi lắm, không đơn giản như chỉ có hai vợ chồng sống với nhau đâu. Tao thấy bọn mày như này, khác gì hai người xa lạ cung chung một nhà trọ thôi đâu? Không ổn!
- Tao thấy ổn là được. Ai mà chẳng có quyền riêng tư. Lão có bạn bè, công việc, cuộc sống cá nhân của lão, tao quản làm gì chuyện kinh tế của lão cho mệt, rồi vợ chồng lại đâm xích mích vì tiền nong ấy chứ.
Thứ hai, về phân chia công việc nhà: Thỏa thuận trên quan điểm cống hiến, ai có thời gian nhiều thì cống hiến nhiều. Thời gian đầu, tôi phụ trách nấu nướng, giặt giũ, anh phụ trách rửa bát, phơi phóng quần áo. Các công việc khác thì tùy theo tình hình thực tế cả hai cùng triển khai. Cuộc sống của đôi vợ chồng mới cưới về cơ bản là ổn.
Thế nhưng dần dần, tôi cảm thấy cuộc sống của tôi và chồng có vấn đề. Anh càng ngày càng trốn tránh trong làm việc nhà, đẩy hết mọi công việc lên tôi. Hơn nữa, quan điểm bình đẳng về kinh tế tốt đẹp trước kia cũng xảy ra những tình huống phát sinh khiến tôi có quan điểm khác về nó.
- Em mua đồ cho bố mẹ bên nhà à? Anh trả tiền rồi nhé, hết 750k, tối về trả anh. – Đây là nội dung cuộc điện thoại anh gọi cho tôi khi nhận giúp tôi hàng giao tận nhà.
- Hóa đơn hôm trước mình đi siêu thị dùng tiền quỹ, có mua thêm đồ cho em đúng không? Em tự trừ đi nhé!
- Hôm nay đi ăn với em gái, quỹ chịu 2/3 thôi nha em.
Ban đầu, tuy hơi mất lòng một xíu vì cách anh thẳng thắn, nhưng tôi bỏ qua vì nghĩ rằng, nếu đã công bằng thì phải từ cái nhỏ nhất. Thế nhưng dần dần, tôi nhận thấy, công bằng kinh tế chỉ là cái vỏ. Cái quan trọng nhất, chồng tôi anh ta là một tên keo kiệt.
Tôi quyết định thử chồng một lần, xem anh ta keo kẹt với vợ đến mức nào.
- Anh ơi, bộ đồ ngủ này đẹp quá, lại rẻ nữa, có hơn trăm nghìn. Anh mua tặng em đi!
- Em thích thì tự mua đi, sao bắt anh tặng? Anh đâu có thừa tiền.
Nghe chồng nói vậy, tôi chỉ còn biết nín lặng. Có lẽ tôi đã thật sự sai khi lựa chọn một người chồng keo kẹt, ngay cả bộ đồ ngủ rẻ tiền cũng không thể mua tặng vợ như vậy. Và giờ, tôi cần phải nhìn nhận lại cuộc hôn nhân của mình để có hướng điều chỉnh chứ không thể để tình hình này tiếp tục diễn ra được. Nếu cứ tiếp diễn tôi nghĩ cuộc hôn nhân của mình sẽ không thể bền vững được.