Thông tin này được Công ty TNHH Saigon Glory công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Cụ thể, 10 lô trái phiếu trên có mã từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.10, giá trị mỗi lô là 1.000 tỷ đồng, sẽ được kéo dài thời gian đáo hạn từ 1 - 2 năm.
Trong đó, 3 lô trái phiếu từ SGL - 2020.01 đến SGL - 2020.03, có ngày đáo hạn vào tháng 6/2023, sẽ được gia hạn đến tháng 6/2025; còn lại 2 lô SGL - 2020.04 và SGL - 2020.05, ngày đáo hạn được dời từ tháng 7/2023 sang tháng 7/2025. Đối với 5 lô còn lại từ SGL-2020.06 đến SGL-2020.10, cùng đáo hạn vào tháng 8/2025 sẽ được gia hạn thêm 15 tháng, tức đến tháng 11/2026.
Trước đây, lãi suất của các lô trái phiếu này được cam kết không thấp hơn 11% một năm. Sau điều chỉnh, lãi suất được giảm xuống còn 8% một năm.
Trong thời gian gia hạn, Saigon Glory sẽ mua lại gốc trái phiếu của mỗi lô ngay khi có thể nhưng sẽ không muộn hơn tiến độ được đề ra định kỳ với tỷ lệ thanh toán tăng dần mỗi kỳ. Đối với 5 lô từ 01 - 05, việc mua lại gốc sẽ chia thành 6 kỳ, còn 5 lô từ 06 - 10 sẽ được chia thành 7 kỳ.
Thông tin trên báo chí, trong một diễn biến có liên quan, vào cuối tháng 1/2024 vừa qua, trong tâm thư gửi trái chủ để đề xuất lộ trình thanh toán 10.000 tỷ đồng trái phiếu trên, ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Bitexco Group), nói rằng Saigon Glory và dự án Tứ giác Bến Thành đang tồn tại những nghĩa vụ pháp lý, nghĩa vụ tài chính của các bên liên quan khiến việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ càng khó khăn và phức tạp.
Vì vậy, theo ông Hội, giải pháp tốt nhất là các trái chủ đồng thuận gia hạn thời gian thanh toán gốc và lãi trái phiếu để công ty có thêm thời gian cơ cấu lại các nguồn tài chính, thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng, kinh doanh giúp dự án sớm có nguồn thu.
Về "sức khỏe" tài chính của Saigon Glory, theo Nhà Quản lý cho biết, báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy doanh nghiệp này đã báo lỗ sau thuế 152 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi hơn 290 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm dẫn đến tổng tài sản của Saigon Glory cũng giảm xuống đáng kể so với đầu năm đã giảm 7,3%, chỉ còn 32.389 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo, vốn chủ sở hữu của Saigon Glory tính đến cuối năm 2022 giảm 2,2% so với đầu năm, còn mức 6.847 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty cũng tăng lên 4,6%, đạt 27.321 tỷ đồng; dẫn đến hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty là 3,99 lần. Khoản nợ trái phiếu của Saigon Glory là 10.000 tỷ đồng. Trước đó Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã lên tiếng yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu mua lại toàn bộ trái phiếu Saigon Glory, hoặc sẽ bị xử lý tài sản đảm bảo.
|
Dự án The Spirit of Saigon tại Khu tứ giác Bến Thành. Ảnh: Internet. |
Theo thông tin giới thiệu trên website của Bitexco Group cho biết, hồi giữa năm 2020, Saigon Glory đã phát hành 10 lô trái phiếu có mã thứ tự từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.10, với tổng giá trị 10.000 tỷ đồng để phát triển dự án. Các lô trái phiếu do Saigon Glory phát hành có kỳ hạn 3 hoặc 5 năm. Trong thời gian vừa qua, Saigon Glory đã thực hiện trả lãi trái phiếu đầy đủ và đúng hạn. Tổng số tiền thanh toán lãi cho các lô trái phiếu từ lúc phát hành (tháng 6/2020) tới tháng 6/2023 lên tới 3.086 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Saigon Glory được thành lập vào tháng 6/2018, có vốn điều lệ ban đầu là 7.000 tỷ đồng và 100% vốn do Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco là cổ đông mẹ nắm giữ. Ông Vũ Quang Bảo và ông Trịnh Quang Công làm đại diện pháp luật của công ty.
Saigon Glory được biết đến với vai trò là chủ đầu tư siêu dự án One Central Saigon, nằm trên khu đất tứ giác đối diện chợ Bến Thành có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền ngay tại trung tâm quận 1, TPHCM. One Central Saigon là khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ, siêu căn hộ, khách sạn 6 sao nằm trên tổng diện tích đất hơn 8.500 m2, thời hạn sử dụng 50 năm kể từ tháng 4/2013.
Dự án ban đầu có tên gọi The Spirit of Saigon, thuộc về chủ đầu tư là Tập đoàn Bitexco của anh em ông Vũ Quang Hội, Vũ Quang Bảo. Sau khi xây dựng phần hầm trong giai đoạn 2012 - 2013, dự án "đắp chiếu" một thời gian dài.