Giá thuốc là vấn đề nhạy cảm, phức tạp
Liên quan đến việc quản lý giá thuốc trên thị trường hiện này tại kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội XIII, rất nhiều đại biểu quan tâm và đặt câu hỏi về vấn đề này. Để trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng hai ngành là Tài chính và Y tế cùng nhau phối hợp trả lời.
Trả lời câu hỏi: Giá thuốc chữa bệnh vừa qua bị buông lỏng. Bộ Tài chính sẽ quản lý như thế nào? Của đại biểu Nguyễn Sỹ Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận ngày 10/6, Bộ trường Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho hay: “Đây là vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp. Chúng ta ra hiệu thuốc, người bán hàng bảo giá bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, chỉ có ngành y mới nắm được đầy đủ... Theo quy định hiện hành, giá thuốc do Bộ Y tế chủ trì, Bộ Tài chính chỉ phối hợp. Bộ Y tế cũng là cơ quan quản lý kê khai giá thuốc, định giá thuốc. Chúng tôi vừa qua đã có thông tư liên tịch về đấu thầu giá thuốc…".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Giá thuốc bây giờ như ngựa bất kham". |
Trước câu trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Y tế giải trình thêm về vấn đề này. “Giá thuốc bây giờ như ngựa bất kham, người dân rất lo lắng, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình thêm”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
Không có chuyện giá thuốc Việt Nam cao nhất
Dù không có trong danh sách trả lời chất vấn tại Kỳ họp lần này, tuy nhiên vấn đề giá thuốc được rất nhiều đại biểu quan tâm, vì thế sáng 11/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được mời phối hợp trả lời cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính về quản lý giá thuốc.
Trả lời về việc, giá thuốc ở Việt Nam cao so với các nước trong khu vực và thế giới, Bộ Trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Không có chuyện giá thuốc tại Việt Nam cao nhất”. Ví dụ điển hình là giá thuốc Việt Nam hiện đang thấp hơn Thái Lan, Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "giá thuốc Việt Nam không phải là cao nhất". |
Dẫn số liệu của Tổng cục thống kê về xếp hạng chỉ số giá tiêu dùng, Bộ trưởng Tiến cho rằng dù là mặt hàng thiết yếu nhưng giá thuốc luôn đứng vị trí thứ 8-9 trong số 11 nhóm hàng. So với Trung Quốc, giá thuốc của Việt Nam cũng thấp hơn 1,5-2 lần; so với Thái Lan thấp 2-3 lần. Đây là kết quả khảo sát 36 mặt hàng thuốc phổ biến trong các bệnh viện tại hai nước này của đoàn công tác liên ngành mới đây.
Bộ Y tế sẽ mong muốn không quản lý giá thuốc
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế, theo Bộ trưởng Tiến: “Hiện nay, ba bộ Tài chính, Công Thương, Y tế cùng quản lý giá thuốc. Tuy nhiên trong luật Dược sửa đổi sắp tới Bộ Y tế mong muốn Bộ không quản lý giá”.
“Trong Luật Dược sắp tới Bộ Y tế không nên quản lý giá, vừa phân phối vừa nhập khẩu lại vừa ghi toa vừa bán thuốc. Bộ Y tế chỉ kiểm soát an toàn hiệu quả, danh mục thuốc, cấp phép, đăng ký lưu hành, cho phép nhập khẩu, đánh giá thuốc giả, thuốc chất lượng, phân phối, đấu thầu, kê toa… đây là một quy trình khép kín, chúng tôi muốn đổi mới công khai minh bạch để người dân có quyền lựa chọn các loại thuốc”, Bộ trưởng Tiến cho biết.
Bộ Y tế đang đẩy mạnh phong trào "Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam". |
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, hiện Bộ Y tế đang đẩy mạnh phong trào "Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam" để phát triển công nghiệp dược, bình ổn giá thuốc, để người nghèo được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
“Tới đây những doanh nghiệp nước ngoài không được tham gia phân phối thuốc trên thị trường thuốc của Việt Nam, Bộ Y tế đã xây dựng đề án “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và xây dựng đề án "Ngôi sao Việt" để bình chọn thuốc Việt đạt chất lượng cao giá thành vừa phải, như vậy trong thời gian qua việc quản lý thuốc là khá chặt so với các nước trong khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Với phần phối hợp trả lời chất vấn về giá thuốc hiện nay của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhiều cử tri đã tạm yên tâm về giá thuốc trên thị trường hiện nay.