Giá vàng tăng giá chủ yếu do đồng USD giảm và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ xuống mức thấp. Vàng tăng giá bất chấp nhiều thị trường chứng khoán vẫn tăng mạnh.
Hơn nữa, giá vàng có thời điểm cũng tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị giữa Iran và Mỹ gia tăng cùng với căng thẳng nhiều mặt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo dự báo mới nhất, OECD cho rằng GDP toàn cầu sẽ giảm 4,5% trong năm 2020 và quay trở lại tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2021.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo rằng, các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương bị tổn thương bởi đại dịch COVID-19 sẽ phục hồi theo hình chữ "L", một sự hồi phục chậm chạp sau giai đoạn sụt giảm, thay vì hồi phục nhanh theo hình chữ “V”.
Theo ADB, kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ suy giảm 0,7% trong năm nay, trái với dự báo tăng trưởng 0,1% được đưa ra hồi tháng 6/2020. Thậm chí, một số nước có thể chứng kiến tình trạng hỗn loạn tài chính do ảnh hưởng tiêu cực từ sự áp đặt những quy định về giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2.
Giới đầu tư cũng đặt cược Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giữ lãi suất gần mức 0% trong 3 năm hoặc hơn và gói cứu trợ kinh tế có thể tăng trên 10 nghìn tỷ USD khi các nhà hoạch định chính sách nỗ lực vực dậy nền kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái.
Tính tới cuối tháng 8/2020, các gói hỗ trợ tài chính được các nước châu Á-Thái Bình Dương tung ra đã đạt tổng giá trị 3.600 tỷ USD, tương đương khoảng 15% GDP của khu vực này.
Cùng thời điểm, giá vàng SJC được Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 56,33 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,65 triệu đồng/lượng (bán ra), giữ nguyên mức ở cả 2 chiều mua và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.