(Kienthuc.net.vn) - Đề cập đến việc chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế (quy đổi theo VND), Th.S Lê Văn Hinh cho rằng, điều đó là hợp lý.
Không nhất thiết phải tiêu tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng
Các chuyên gia quan ngại "vàng hóa" nền kinh tế (ảnh minh họa) |
Theo ThS. Lê Văn Hinh - Chuyên gia tài chính ngân hàng, Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng do đó sẽ là hợp quy luật nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế (quy đổi ra VND). Giá vàng Việt Nam hiện cao hơn giá vàng quốc tế thì không nên coi là nghịch lý mà nên coi là hợp lý.
ThS. Hinh cho rằng, vấn đề nên quan tâm là tâm lý người dân, nhất là người có thu nhập thấp, xem liệu giá vàng như vậy có tác động đến đời sống của họ hay không? Tình trạng giá vàng như hiện nay thì dân chúng có hoang mang hay không?
Nếu lạm phát ở mức bình thường, tiền tệ ổn định và giá vàng trong nước có cao hơn giá vàng quốc tế, dân không mua vàng, không găm giữ vàng, vẫn duy trì gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng thì đó là một hoàn cảnh rất tốt cho chính sách tiền tệ và tốt cho hệ thống ngân hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Ông Hinh nói: “Theo tôi, giá vàng cao hay thấp không quan trọng, vấn đề lòng dân có an tâm, tiền tệ có ổn định, hệ thống ngân hàng có lành mạnh hay không mới là vấn đề cần quan tâm. Và như vậy, khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế, không nhất thiết phải dùng ngoại tệ để nhập khẩu”.
ThS. Lê Văn Hinh nhận định, NHNN cần tập trung điều hành ổn định chính sách tiền tệ, thông điệp thật rõ ràng, kiên quyết, đảm bảo kỷ luật thị trường hướng tới ổn định giá trị VND, kiên quyết chống đôla hóa nền kinh tế và chống vàng hóa trong dân - “vốn chết’…
“Khi đó giá vàng trong nước sẽ ổn định và theo tôi, không nên lấy tiêu thức khoảng cách giá vàng trong nước - giá vàng thế giới làm chỉ báo cho chính sách tiền tệ của NHNN” - ThS. Hinh khẳng định.
Còn theo Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Đinh Nho Bảng, nếu có bình ổn thị trường vàng thì nên nhìn ở góc độ điều hành chính sách, còn bán vàng ra thì không biết bao nhiêu mới đủ. Hiện tại, NHNN không có đủ lực để làm việc này.
Sẽ xây dựng cơ chế mua vàng tăng dự trữ ngoại hối
Đại diện NHNN cho biết, để triệt để xử lý vấn đề “vàng hóa” nền kinh tế, việc kiên quyết chấm dứt huy động vàng là biện pháp cần thiết để tiến tới việc chuyển hóa quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng.
Để tận dụng nguồn lực vàng miếng trong dân, dự kiến trong thời gian tới, NHNN sẽ xây dựng cơ chế mua vàng tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đây là kênh chính để huy động nguồn lực vàng trong dân nhằm mục tiêu chuyển hóa nguồn lực vàng, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo các quyền hợp pháp của người dân đối với vàng miếng.
Ngoài ra, việc mua bán vàng miếng diễn ra theo cơ chế thị trường, kinh doanh vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, NHNN sẽ tổ chức lại mạng lưới mua, bán vàng miếng thông qua việc cấp phép cho các doanh nghiệp và TCTD đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 24 được mua bán vàng miếng.
Đồng thời, nhằm giảm tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiến nghị áp dụng các chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng như quy định tại Nghị định 24.
Đại diện NHNN cũng cho biết, vấn đề này sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Kim Chi
[links()]