Giá vé máy bay đắt đỏ kéo dài đến nay vẫn chưa hạ nhiệt

Vé máy bay đắt kỷ lục kéo dài từ cuối năm 2023 đến nay, giá vé nội địa tại các đường bay trong nước tăng mạnh. Dù sau đó, các hãng hàng không trong nước gấp rút thuê thêm máy bay, nhưng giá vé vẫn “nóng rẫy” và cạn nhanh.

Giá cao chót vót suốt cả năm
CEO một công ty lữ hành tại Hà Nội chuyên đón khách Âu, Mỹ từng than thở với PV VietNamNet, từ giai đoạn Tết Dương lịch đến tháng 4/2025, giá vé nội địa tại các đường bay trong nước tăng mạnh, đơn vị chuyên bán tour cho khách quốc tế như công ty ông không thể đặt được vé.
Ông dẫn chứng, tại thời điểm đó, giá vé máy bay chặng Hà Nội - Đà Nẵng/ Huế đi cuối tháng 12, đầu tháng 1/2025 dao động từ 4,5 triệu đồng, trong khi bình thường cao nhất khoảng 2,5 triệu đồng. Tất nhiên, do đây là dịp cao điểm khách đi lại (Tết Dương lịch), nhưng mức giá này vẫn cao ngất ngưởng.
“Giá vé máy bay nội địa quá cao khiến giá tour trở nên đắt đỏ, nhiều khách quốc tế chuyển sang đi du lịch Thái Lan, Campuchia, Indonesia,... thay vì tới Việt Nam, thiệt hại lớn cho ngành du lịch”, vị giám đốc này lo ngại.
Trên thực tế, giá vé máy bay nội địa bắt đầu đắt lên từ cuối năm ngoái. Khảo sát của PV vào tháng 12/2023, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thân 2024, giá vé máy bay các chặng ‘hot’, như từ TPHCM đi Hà Nội và các tỉnh miền Trung như Vinh (Nghệ An), Thanh Hóa, Quảng Bình, Quy Nhơn,... luôn neo ở mức cao 7-7,2 triệu đồng/vé khứ hồi, kể cả giờ bay “nửa đêm gà gáy”.
Dù sau đó, các hãng hàng không trong nước gấp rút thuê thêm máy bay, nhưng giá vé vẫn “nóng rẫy” và cạn nhanh.
Gia ve may bay dat do keo dai den nay van chua ha nhiet
Năm 2024, dự kiến sản lượng vận chuyển hành khách đi bằng đường hàng không ước đạt 80,3 triệu khách. Trong đó, lượng khách nội địa khoảng 38,5 triệu, giảm 10,5% so với 2023. Ảnh: Nam Khánh 
Giá vé máy bay “trên trời” phần nào dễ hiểu khi đó là cao điểm Tết, nhu cầu đi lại tăng mạnh. Song, ngay cả khi vào mùa thấp điểm, tức tháng 3-4 năm nay, giá vé vẫn đắt đỏ.
Còn vào các kỳ nghỉ lễ dài ngày như 30/4-1/5 hay 2/9, nhiều du khách không dám móc hầu bao mua vé máy bay bởi chặng Hà Nội - Phú Quốc giá bị đẩy lên 7-8 triệu đồng; các chặng đi Nha Trang, Côn Đảo, Đà Nẵng, Đà Lạt,... giá cũng cao choáng váng, từ 5-6 triệu đồng/vé, nên việc bay đến các điểm trên với nhiều khách trở nên xa xỉ.
Giá vé máy bay tăng tới 15-20%, như thừa nhận của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), duy trì suốt cả năm 2024. Cho đến thời điểm này, giá vé dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ cũng đang ở ngưỡng cao, hơn 7 triệu đồng/vé khứ hồi, cho các chặng bay đông khách.
Với các doanh nghiệp du lịch, việc tăng giá vé máy bay đồng nghĩa đẩy chi phí vận chuyển lên tới 50%, thậm chí 70% giá tour trọn gói. Các tour nội địa bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là từ TPHCM và Hà Nội đi Đà Nẵng/Hà Nội/Quy Nhơn/Tuy Hoà/Phú Quốc,... khiến khách du lịch trong nước “bỏ chạy”, đổ xô đi Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc,... bởi giá tour hấp dẫn.
Nhiều dịp nghỉ lễ, thống kê của các đơn vị lữ hành cho thấy, tỷ lệ người Việt Nam chọn đi chơi nước ngoài lên đến 60-70%, còn điểm đến trong nước đói khách và các công ty du lịch than trời.
Nguyên nhân, theo Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), do tác động trực tiếp từ việc đội tàu bay và tải cung ứng bị thu hẹp trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024, 2025. Trên 40 máy bay của các hãng phải dừng bay từ tháng 1 để kiểm tra động cơ, khiến số tàu bay bị thiếu trầm trọng. Phải hết năm 2026, thậm chí sang đầu 2027 mới hoàn thành việc khắc phục động cơ bị lỗi và số tàu bay đó mới trở lại hoạt động bình thường.
Chưa kể, Bamboo Airways dừng khai thác đội tàu bay Embraer E190 (3 chiếc) để tái cơ cấu, cắt giảm chi phí; Pacific Airlines trả hết máy bay để xóa nợ và không còn máy bay khai thác... nên tình hình cung ứng và giá vé càng căng thẳng.
Thêm vào đó, một phần do trần giá vé máy bay nội địa trên hầu hết các chặng tăng thêm 3,7-6,7% từ ngày 1/3, theo quy định mới của Bộ GTVT.
Bao giờ giá vé dừng tăng?
Hồi đầu năm ngoái, khi truyền thông đồng loạt phản ánh về việc giá vé máy bay nội địa tăng cao, Cục Hàng không Việt Nam lý giải điều đó nằm trong xu hướng tăng chung trên thế giới, do chịu tác động bởi 5 yếu tố chính: giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất làm thiếu hụt tàu bay và tình hình cung - cầu vận tải hàng không.
Tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" diễn ra hồi tháng 5, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, thông tin, chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76-77% đã đẩy giá vé lên cao. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát của tất cả hãng.
Theo lãnh đạo của Bamboo Airways, chi phí lớn nhất bao gồm chi phí bay, nhiên liệu bay, thuê động cơ, chiếm từ 55-60% tổng chi phí cấu thành giá vé tùy từng giai đoạn và tùy hãng hàng không, các hãng buộc phải chấp nhận theo mặt bằng giá thế giới.
Thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, giá vé máy bay đắt đỏ là bởi các hãng hàng không đang phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp. Song, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay tỷ lệ thuế, phí trong vé máy bay được các hãng thu hộ theo quy định và chiếm rất ít, từ 10-30% tổng chi phí vé.
Trong đó, các hãng thu hộ 8-10% thuế VAT và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn các loại phí khác, như phí sân bay, soi chiếu an ninh..., các hãng thu hộ Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị đang quản lý, vận hành hơn 20 sân bay trên cả nước.
Tuy nhiên, thông tin về chi phí trong cơ cấu giá vé máy bay không rõ ràng, minh bạch nên việc giá vé máy bay đắt kỷ lục khiến hành khách cảm thấy xót xa. Chưa kể, trong bối cảnh đó, các hãng hàng không nội địa năm nay lại liên tục báo lãi.
Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính quý III, Vietnam Airlines (mã HVN) công bố lãi trước thuế đạt 975 tỷ đồng trong quý, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 768 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp hãng có lãi. Lũy kế 9 tháng năm 2024, VNA đạt doanh thu 79.161 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng trong 9 tháng qua là gần 6.000 tỷ đồng.
Còn Vietjet Air (mã VJC) cũng ghi dấu ấn với kết quả kinh doanh vượt trội. Trong quý III, doanh thu của hãng đạt 18.164 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vọt lên 570 tỷ đồng, tăng lần lượt 28% và 660% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, hãng ghi nhận doanh thu 52.194 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.405 tỷ đồng.
Sang năm 2025, trong bối cảnh đội tàu bay vẫn thiếu hụt, các hãng vẫn đang nỗ lực thuê thêm máy bay trước mắt để phục vụ cao điểm Tết. Trong đó, Vietjet Air dự kiến bổ sung thêm 6 máy bay, Vietnam Airlines 5 máy bay.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không, như tại Thông tư 44 của Bộ GTVT mới đây, các hãng bay trong nước được hưởng nhiều ưu đãi về giá dịch vụ từ năm 2025, như dịch vụ cất cánh, hạ cánh; dịch vụ điều hành bay..., nên kỳ vọng giá vé máy bay sang năm sẽ được điều chỉnh về mức hợp lý, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Dự kiến tăng giá trần vé máy bay, cao nhất gần 6,7%

Bộ GTVT dự kiến từ quý 2 hoặc 3 năm nay điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa, trong đó có đường bay tăng tới 6,67%.

Tại báo cáo điều hành giá quý 1, Bộ Tài chính thông báo, Bộ GTVT dự kiến quý 2 hoặc 3 năm nay điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa.

Vé máy bay hè tăng giá: Du lịch Việt có thua trên sân nhà?

Nhu cầu đi lại của người dân trong dịp hè tăng cao khiến giá vé máy bay nội địa ở một số chặng bay tăng giá.

Bước vào cao điểm hè 2023, nhu cầu du lịch, đi lại bằng đường hàng không của người dân tăng đột biến. Lượng khách tăng cao khiến vé máy bay dịp hè có xu hướng tăng từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8/2023. Đặc biệt là các chặng kết nối TP HCM, Hà Nội đến các điểm "nóng" du lịch như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt.

Tin mới