Mới đây, các nhà nghiên cứu của Đại học bang Florida (FSU) của Mỹ đã phát hiện ra rằng, sự tuyệt chủng xảy ra trùng hợp với sự gia tăng đột ngột, rồi sau đó sụt giảm hàm lượng oxy của đại dương. Phát hiện của họ đã được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.
Sean Newby, tác giả chính và trợ lý nghiên cứu sau đại học của FSU cho biết: “Có những nghiên cứu trước đây đã được thực hiện cho thấy môi trường trở nên ít oxy hơn dẫn đến sự kiện tuyệt chủng, nhưng nó đã được giả thuyết là một sự thay đổi dần dần. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy sự kiện oxy hóa thực sự nhanh chóng này trùng hợp với sự bắt đầu của tuyệt chủng và sau đó là sự quay trở lại của các điều kiện thiếu hụt ô xy trầm trọng.”
Khí cacbonic thải ra trong đợt phun trào núi lửa đã làm cho bầu khí quyển Trái đất ấm lên, làm giảm lượng oxy trong các đại dương và khiến các đại dương trở nên tương đối khắc nghiệt trong hàng triệu năm.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lượng dung nham đã được ném lên bên trên bề mặt hành tinh khi đó là khoảng 1,5 triệu km3. Đây là một con số khổng lồ đến mức khó tưởng tượng.
Để đối sánh, những núi lửa ghê gớm nhất từng phun trào trong lịch sử loài người cũng khó có thể phun ra tới 1km3 dung nham. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu có tới 1,5 triệu ngọn núi lửa như vậy phun trào khắp nơi trên mặt đất?
Cả hành tinh là một biển lửa không gì có thể dập tắt. Bụi và khí carbonic tràn ngập trong không khí phủ kín bầu trời gây ra hiệu ứng nhà kính làm không khí càng nóng thêm.
Dưới đại dương, các dòng hải lưu thay đổi và nhiều hệ tinh thái biến mất do sự di chuyển và va chạm lục địa. Toàn bộ quá trình này là hệ thống các nguyên nhân gây ra cuộc đại tuyệt chủng tàn khốc nhất lịch sử.