Giải mã khẩu pháo Liên Xô khiến tăng Panzer Đức thảm bại
(Kiến Thức) - Dù xuất hiện khá muộn màng nhưng pháo chống tăng Zis-3 vẫn kịp giúp Hồng quân Liên Xô đánh bại các sư đoàn Panzer niềm tự hào của người Đức.
Trà Khánh
Xem toàn bộ ảnh
Cách đây 75 năm trước vào đầu năm 1942, Liên Xô kết thúc thử nghiệm mẫu pháo chống tăng 76mm đầu tiên của mình được định danh Zis-3 - đi cùng với nó là cơn ác mộng của lực lượng tăng thiết giáp Đức cho đến tận khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc. Nguồn ảnh: Histomil.
Sau chiến dịch Barbarossa của Đức vào năm 1941, lực lượng tăng thiết giáp Liên Xô gần như bị vô hiệu hóa bởi các sư đoàn Panzer mặc dù họ được trang bị tốt hơn. Đứng trước tình cảnh đó trách nhiệm ngăn chặn bước tiến như vũ bão của các đơn vị Panzer được đặt lên vai lực lượng pháo binh Liên Xô, tuy nhiên trớ trêu thay là lực lượng này lại không được trang bị vũ khí đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ này. Nguồn ảnh: 2tanki.ru.
Từ năm 1942 trở về trước đó, mẫu pháo chống tăng phổ biến nhất của Quân đội Liên Xô là những khẩu M1937 (53-K) 45mm và nó có thể dễ dàng hạ gục mọi mục tiêu bọc thép trong phạm vi 500m. Với thiết kế nhỏ gọn, khả năng cơ động cao M1937 là thức thách thực sự đối với bất cứ chiếc xe tăng nào trên chiến trường. Nguồn ảnh: flickrhivemind.net
Tuy nhiên chính điều này cũng là khuyết điểm của nó, khi M1937 không bảo vệ được kíp chiến đấu của nó trước các loại hỏa lực bắn thẳng cũng như mảnh đạn pháo của đối phương. Cộng với đó là việc những chiếc xe tăng Đức ngày càng được bảo vệ tốt hơn khiến M1937 dần trở nên vô dụng. Nguồn ảnh: WordPress.
Ngay trước khi chiến tranh diễn ra, Liên Xô cũng đã bắt đầu phát triển một mẫu pháo chống tăng mới có sức mạnh hỏa lực vượt trội hơn hẳn M1937 là ZiS-57 57mm (sau này là ZiS-2). Tuy nhiên các tướng lĩnh Liên Xô khi ấy lại nghĩ rằng ZiS-57 không thực sự cần thiết do nó có chi phí sản xuất đắt đỏ cùng với đó là sức mạnh hỏa lực quá dư thừa so với một khẩu pháo chống tăng. Nguồn ảnh: ww2-weapons.com.
Dù vậy đến cuối năm 1941, Liên Xô vẫn phải đưa vào sản xuất ZiS-57 nay đã là ZiS-2 bất chấp các vấn đề cốt lõi của nó. Thậm chí ngay cả khi sở hữu ZiS-2, các đơn vị pháo binh Liên Xô vẫn cần tới một thứ vũ khí khác hiệu quả hơn có thể chống lại những chiếc xe tăng hạng nặng của Đức trong năm 1943. Nguồn ảnh: COH2.ORG.
Sau hơn 36.000 khẩu pháo các loại bị mất trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Lúc này đây Liên Xô cần tới một mẫu pháo có thiết kế tốt hơn, sở hữu đầy đủ các yếu tố như sức mạnh hỏa lực, có thể sản xuất trong thời gian ngắn và có chi phí ở mức tối thiểu. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời của ZiS-3 - mẫu pháo chống tăng tốt nhất mọi thời đại. Nguồn ảnh: Weaponsystems.net.
Giống như ZiS-2, ZiS-3 cũng do nhà máy pháo binh số 92 chế tạo và là sự kết hợp giữa khung thân của ZiS-2 với thân pháo 76mm của lựu pháo M1939 (USV). Cha đẻ của ZiS-3 là thiết kế sư trưởng Vasily Grabin ngay từ giai đoạn thiết kế đã nhận ra được tiềm năng của mẫu pháo này và nó hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu mà Quân đội Liên Xô đưa ra khi đó. Nguồn ảnh: WordPress.
Với các cải tiến kỹ thuật mới của Vasily Grabin, quy trình sản xuất của pháo chống tăng ZiS-3 được rút ngắn đáng kể thậm chí nó còn giúp tiết kiệm tối đa công lao động cũng như vật liệu trong suốt quá trình sản xuất nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng của vũ khí. Dù vậy phải đến tận đầu năm 1942, ZiS-3 mới được Liên Xô đưa vào sản xuất loạt. Nguồn ảnh: Wiki – Wikia.
Ngay khi xuất hiện ZiS-3 nhanh chóng trở thành ngôi sao đầu trong lực lượng pháo binh Liên Xô khi đó, nó gần như là một mẫu pháo đa năng có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau. Các loại mục tiêu như bộ binh, ụ súng máy, pháo binh, xe tăng, xe bọc thép hay cho đến cả các tuyến phòng thủ kiên cố đều nằm trong tầm ngắm của ZiS-3. Nguồn ảnh: extravital.net.
Được trang bị hệ thống đạn pháo 76mm đa dạng, mục tiêu của ZiS-3 gần như không giới hạn. Nó có thể phá hủy các bức tường dày đến 75cm với đạn thông thường BR-350A, hay xuyên giáp lên đến 75mm ở khoảng cách 500m với góc 90 độ cũng với BR-350A. Trong ảnh là các loại đạn 76mm mà ZiS-3 có thể bắn. Nguồn ảnh: extravital.net.
Với ZiS-3, pháo binh trở nên có lợi thế hơn hẳn trên chiến trường ngay cả khi họ không có sự hổ trợ của xe tăng hay pháo tầm xa. Tầm bắn của ZiS-3 lên đến hơn 13km và có tốc độ bắn khoảng 25 phát/phút vượt trội hơn hẳn mọi loại pháo chống tăng cỡ nhỏ khi đó của Đức. Nguồn ảnh: extravital.net.
Càng về cuối của cuộc chiến ZiS-3 càng trở nên đáng sợ đối với lực lượng tăng thiết giáp Đức mặc dù người Đức đã cố gắng bảo vệ những chiếc xe tăng của mình với một loạt giải pháp bổ sung. Nhưng ZiS-3 cũng có những giới hạn của mình khi nó không thể bắn xuyên được lớp giáp của các dòng xe tăng hạng nặng như Tiger, Panther khi đối đầu trực diện. Nguồn ảnh: Battle Brush.
Để khắc phục hạn chế này các tổ đội ZiS-3 thường sử dụng chiến thuật phục kích các đơn vị xe tăng hạng nặng Đức ở tầm gầm với khoảng cách 500m bằng các loại đạn xuyên giáp cải tiến, trong khi đó với các dòng xe tăng thông thường là từ 800-900m. Nhìn chung ZiS-3 đã thể hiện tốt vai trò chống tăng của mình trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ 2. Nguồn ảnh: extravital.net.
Với thành công đó nhà máy pháo binh 92 tiếp tục cải tiến ZiS-3 khi biến nó thành mẫu pháo tự hành chống tăng Su-76. Với khả năng cơ động của khung gầm xe tăng nhẹ T-70 kết hợp với pháo 76mm, Su-76 đã thể hiện được bản lĩnh của mình ngay trong trận chiến tại Kursk. Đánh dấu nổ lực dành chiến thắng cuối cùng của Đức tại Mặt trận phía Đông. Nguồn ảnh: Sputnik.
Từ năm 1942-1945, Liên Xô đã cho chế tạo khoảng 48.000 khẩu ZiS-3 biến mẫu pháo này trở thành mẫu pháo chống tăng được Liên Xô chế tạo nhiều nhất trong lịch sử. Trong khi đó Su-76 và Su-76M cũng không hề kém cạnh với 14.000 đơn vị được chế tạo. Nguồn ảnh: extravital.net.